Hồ Ngọc Hà thừa nhận có thói quen "kém sang" mỗi khi nhàn rỗi, bác sĩ nhắc cẩn thận có bệnh tiềm ẩn

CTV
Cắn móng tay không đơn thuần chỉ là thói quen vặt trong cuộc sống, đôi khi đó là dấu hiệu cảnh báo bệnh tật hoặc là nguồn lây bệnh nguy hiểm cho cơ thể.

Mới đây, nữ ca sĩ Hồ Ngọc Hà tiết lộ rằng, cô có một tật xấu kém sang và có thể sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, là hay cắn móng tay. Theo chia sẻ của nữ ca sĩ: "Hà có một tật xấu là… cắn móng tay. Cứ ngồi một chỗ không làm gì là thế nào cũng… cắn". Hậu quả của việc cắn móng tay này khiến bàn tay của Hồ Ngọc Hà không được đẹp và rất ngại xòe ra trước mặt mọi người. Để giải quyết vấn đề này, Hà Hồ mỗi khi lưu diễn đều phải sơn móng tay và cô chọn tông nude hoặc sơn bóng để móng tay trông bớt nham nhở.

Thực tế, tật xấu cắn móng tay gặp ở rất nhiều người, trong đó trẻ nhỏ gặp nhiều hơn là người trưởng thành. Tuy nhiên, người trưởng thành có thói quen cắn móng tay thì dễ để lại nhiều hệ lụy nguy hiểm với sức khỏe, đôi khi đây là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề nào đó đang gặp phải.

Hồ Ngọc Hà thừa nhận thói quen xấu cắn móng tay mỗi khi nhàn rỗi. Ảnh: Trang cá nhân của Hồ Ngọc Hà

BSCK II Nguyễn Văn Dũng (Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, cắn móng tay có thể là dấu hiệu của sự căng thẳng thần kinh, vì thế mọi người cần lưu ý để có biện pháp phòng tránh. Theo bác sĩ Dũng, cắn móng tay mỗi khi lo lắng quá là biểu hiện của việc chúng ta đã căng thẳng, tự làm xao nhẵng bản thân bằng hoạt động này. Đặc biệt ở phụ nữ, cắn móng tay là lựa chọn để đối phó với cảm giác căng thẳng và lo lắng", ông cho hay.

Bác sĩ Dũng khuyến cáo, khi đang bị căng thẳng, mọi người thay vì cắn móng tay hãy học các cân bằng lại cuộc sống, có thể gọi điện thoại chia sẻ với bạn bè, người thân hoặc thư giãn với việc đọc sách, nghe nhạc, đi dạo, hít thở…

TS.BS Trần Huy Thọ - Phó giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thì cho rằng, ngoài các vấn đề thẩm mỹ, hay dấu hiệu cảnh báo về tâm lý thì cắn móng tay là thói quen xấu, tiềm ẩn nguy cơ đưa mầm bệnh vào cơ thể. Bởi móng tay là nơi tiếp xúc bề mặt với rất nhiều thứ, có thể là bàn phím máy tính, hay rau quả, bùn đất… vì thế ngoài vi khuẩn có thể xâm nhập, thì nguy cơ trứng giun sán trú ẩn trong móng tay đi vào cơ thể là hoàn có thể xảy ra.

Đó là chưa kể, hiện rất nhiều người chạy theo xu hướng thời trang, sơn móng bằng các loại màu, hóa chất vì thế cắn móng tay còn có nguy cơ nhiễm hóa chất. Do vậy, mọi người nên từ bỏ thói quen cắn móng tay, không để móng tay dài, vệ sinh tay nhất là phần móng trước khi ăn uống hoặc sau khi nhặt rau, làm đồng hoặc đi vệ sinh.

Cắn móng tay là dấu hiệu cảnh báo vấn đề tâm lý, là con đường lây nhiễm ký sinh trùng. (Ảnh minh họa)

Dưới góc độ da liễu, các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, cắn móng tay dù là lứa tuổi nào cũng sẽ khiến cho da xung quanh móng tay cảm thấy đau, hỏng các mô móng phát triển, dẫn đến móng tay trông không bình thường. Cắn móng tay mãn tính cũng có thể khiến dễ bị nhiễm trùng khi truyền vi khuẩn và vi rút có hại từ miệng sang ngón tay và từ móng tay sang mặt và miệng.

Để ngừng cắn móng tay, các bác sĩ da liễu khuyến cáo:

- Cắt ngắn móng tay, vì khi có ít móng tay hơn sẽ ít cám dỗ bạn cắn móng tay hơn.

- Sơn móng tay có vị đắng lên móng tay. Bởi vị đắng của nó sẽ không khuyến khích bạn cắn móng tay.

- Làm móng tay thường xuyên, vì việc chi tiền để giữ cho móng tay trông hấp dẫn có thể khiến bạn ít cắn chúng hơn.

- Ngoài ra, cũng có thể dùng băng dính hoặc miếng dán để che móng tay hoặc đeo găng tay để tránh bị cắn.

- Hãy thay thế thói quen cắn móng tay bằng một thói quen tốt. Khi bạn muốn cắn móng tay, hãy thử chơi với một quả bóng chống căng thẳng hoặc khối bột ngộ nghĩnh. Điều này sẽ giúp bạn luôn bận rộn và tránh để tay gần miệng.

Một cách đơn giản khác giúp vừa giảm căng thẳng vừa hạn chế việc cắn móng tay là khi muốn đưa tay lên miệng, hãy ngừng lại một chút, hít vào thật sâu rồi chầm chậm thở ra. Lặp lại việc này vài lần có thể hữu ích với bạn.