Chấm dứt chuỗi 8 quý thua lỗ
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL; MCK: HAG) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2021 với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 17%, đạt 538 tỷ đồng.
Trong đó, doanh thu trái cây giảm mạnh từ 527 tỷ (quý II/2020) xuống mức 193 tỷ đồng, nguyên nhân do không còn hợp nhất kết quả kinh doanh với CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, MCK: HNG).
Đặc biệt, mảng chăn nuôi heo sau 1 năm tuyên bố đầu tư chính thức ghi nhận doanh thu với 190 tỷ đồng, ngang ngửa với mảng doanh thu cốt lõi là mảng trái cây.
Cùng với đó, doanh thu bán hàng hoá đóng góp 77 tỷ và các dịch vụ khác thu về 78 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, HAGL không còn doanh thu bán mủ cao su do không còn hợp nhất với HNG.
Khấu trừ giá vốn, mảng trái cây đạt lợi nhuận gộp 46 tỷ. Trong khi đó, mảng chăn nuôi heo gấp đôi mức lãi gộp với 94 tỷ đồng.
Kết quả, HAGL có lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh gần 234 tỷ đồng, con số đáng ghi nhận so với mức lỗ hơn 1.268 tỷ cùng kỳ. Khấu trừ chi phí, công ty của ông Đoàn Nguyên Đức (còn gọi bầu Đức) lãi sau thuế hơn 87 tỷ, cùng kỳ lỗ đến 1.329 tỷ đồng.
Đại diện của HAGL lý giải về nguyên nhân biến động khiến công ty bất ngờ có lãi chủ yếu do khoản dự phòng liên quan đến các khoản công nợ tồn đọng trong quá khứ giảm mạnh so với cùng kỳ. Cùng với đó, lợi nhuận gộp chủ yếu đến từ bán heo, lãi từ thanh lý các khoản đầu tư vào nhóm các công ty HAGL Agrico và chi phí lãi vay giảm cũng là nguyên nhân khiến giúp HAGL có lãi trong quý này. Đây cũng là quý giúp HAGL chấm dứt chuỗi 8 quý liên tiếp báo lỗ.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu 823 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ. Khấu trừ chi phí, HAGL lãi 18 tỷ, cùng kỳ lỗ 1.397 tỷ đồng.
Giảm dư nợ vay tài chính
Về tình hình tài chính, tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của HAGL là 18.150 tỷ đồng, giảm 266 tỷ so với cuối quý I nhưng giảm một nửa so với đầu năm do không còn hợp nhất với HAGL Agrico từ ngày 8/1.
Nợ phải trả của HAGL cũng giảm mạnh còn 12.975 tỷ đồng, trong khi đó hồi đầu năm 27.238 tỷ. Trong đó, tổng dư nợ vay còn 8.279 tỷ đồng, tức giảm đến 10.000 tỷ đồng so với đầu năm. Cụ thể, nợ vay ngắn hạn giảm mạnh từ 8.772 tỷ xuống còn 1.485 tỷ, nợ vay dài hạn cũng giảm từ 9.330 tỷ xuống còn hơn 6.794 tỷ đồng.
Đặc biệt, HAGL đã tất toán hết 1.233 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tại ngân hàng BIDV.
Liên quan đến khoản nợ của HAGL tại BIDV, trong thông báo từ Thagrico - CTCP Nông nghiệp Trường Hải mới đây phản ánh giấy tờ đất của các Công ty TNHH MTV An Đông Mia, Công ty TNHH Cao su Hoàng Anh Quang Minh, CTCP Hoàng Anh Đắk Lắk và Công ty TNHH MTV Bò sữa Tây Nguyên đang được thế chấp tại ngân hàng.
Mặc dù Thagrico đã mua lại 4 công ty trên, tuy nhiên vẫn chưa lấy được giấy tờ từ BIDV để huy động vốn thực hiện kế hoạch phát triển. Được biết, tổng diện tích 4 công ty trên vào mức 20.744 ha tại Koun Mon (Campuchia) và tại Đắk Lắk, Gia Lai.
Từ đầu năm 2021 đến nay, HAGL đã liên tục bán cổ phiếu HNG với số lượng lớn. Hiện tại, tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông Hoàng Anh Gia Lai tại HAGL Agrico chỉ còn 16,3. Số tiền thu về, HAGL đã dùng để tất toán trước hạn khoản nợ 930 tỷ đồng tại HDBank.
Trong thông báo mới nhất, HAGL có dự định tiếp tục hạ tỷ trọng tại HNG xuống mức 11%. Tuy nhiên, sau khi phía Thaco đưa ra thông tin dừng đầu tư sở hữu 714,4 triệu cổ phiếu HNG của HAGL Agrico, HAGL đã cam kết sẽ dừng việc bán cổ phiếu HNG.
Hiện nay, các chủ nợ của HAGL gồm ngân hàng Sacombank (524 tỷ), Eximbank (678 tỷ), Ngân hàng Liên doanh Lào Việt (262 tỷ), TPBank (192 tỷ),...
Bên cạnh đó, HAGL vay 6.481 tỷ đồng từ trái phiếu, trong đó 5.876 tỷ trái phiếu phát hành cho BIDV và CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam; 350 tỷ trái phiếu phát hành cho TPBank và 300 tỷ trái phiếu phát hành cho Công ty TNHH Chứng khoán ACB.
Dương Thị Thu Nga - Người Đưa Tin Pháp Luật