Chiều 26/10, Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức buổi thảo luận “Một năm theo dõi tác động của Covid-19 tại Việt Nam và Châu Á”, với sự tham gia của các chuyên gia từ WB, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF).
Tại buổi thảo luận, bà Lydia Kim - chuyên gia của WB - đã trình bày một số tác động của Covid-19 đối với hộ gia đình ở Việt Nam trong năm đầu tiên của đại dịch; kết quả nghiên cứu được rút từ khảo sát qua điện thoại từ tháng 5/2020 đến tháng 3/2021.
Theo đó, tác động của đại dịch đối với hộ gia đình tại Việt Nam trong năm đầu không quá nghiêm trọng, chủ yếu do đại dịch ảnh hưởng ít đến nông thôn và sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn này.
Ngược lại với bức tranh chung của khu vực, nhóm thu nhập giàu nhất tại Việt Nam lại chịu ảnh hưởng lớn hơn về thu nhập trong giai đoạn này.
Ông Vincenzo Vinci từ UNICEF Việt Nam đã chia sẻ những nghiên cứu về tác động của Covid-19 đối với trẻ em tại Việt Nam. Theo kết quả khảo sát của UNICEF, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương và đồng thời chịu ảnh hưởng đa chiều từ đại dịch.
Thực tế này diễn ra chủ yếu do phải chia sẻ gánh nặng gia đình, đặc biệt khi cha mẹ mất việc làm/giảm thu nhập, dịch vụ xã hội quan trọng gián đoạn, ít năng lực đối mặt với hoàn cảnh thay đổi và ít được lắng nghe chia sẻ hơn. Nghèo đa chiều ở trẻ em vẫn ở mức khá cao, khoảng 14,5%.
Đồng thời, khoảng cách tồn tại giữa trẻ em tại khu vực đô thị, nông thôn và vùng sâu vùng xa trong việc học trực tuyến cũng là yếu tố đáng quan ngại khi việc học gián đoạn có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tâm lý và cơ hội sau này của các em.
Khảo sát của UNICEF cho thấy 67% trẻ em sống ở vùng sâu, vùng xa không tiếp cận được hình thức học trực tuyến, trong khi 37,9% trẻ em gặp vấn đề kỹ thuật khi học trực tuyến. Thu hẹp khoảng cách này sẽ cần trở thành một ưu tiên hàng đầu nhằm phát triển vốn con người cho Việt Nam.
Đồng thuận với quan điểm này, bà Judy Yang - chuyên gia kinh tế của WB - cho rằng cần quan tâm hơn đến ảnh hưởng về giáo dục và sức khỏe tâm lý của đại dịch đối với trẻ em. Do đó, chính sách an sinh xã hội cũng cần được nghiên cứu kỹ nhằm bao phủ cả những đối tượng và khía cạnh dễ bị "bỏ quên", trong đó có trẻ em.
Theo bà Đỗ Thị Thanh Huyền, chuyên gia chính sách công tại UNDP Việt Nam, từ góc độ quản trị công, quan ngại về đói nghèo giảm từ năm 2019 sang năm 2020, nhưng quan ngại về kinh tế và sức khỏe lại tăng.
Khi so sánh giữa người nhập cư và người thường trú, người nhập cư bị tác động nhiều hơn, có thu nhập thấp hơn, và nhìn chung dễ bị tổn thương hơn so với người có hộ khẩu thường trú. Khác biệt này cũng tồn tại ở khía cạnh tiếp xúc với công chức địa phương.
Về biện pháp ứng phó với thu nhập giảm, phần lớn người được khảo sát giảm chi tiêu cho cả hàng hóa thiết yếu (78%) và không thiết yếu (91%); 42% phải sử dụng khoản tiết kiệm và 27% phải vay mượn từ người thân hoặc bạn bè.
Tại buổi thảo luận, Tiến sĩ Nguyễn Thắng (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã nhắc lại sự thay đổi của tác động từ đại dịch khi đợt dịch thứ 4 diễn ra. Khác với năm 2020, đợt dịch thứ 4 trong năm 2021 đã làm đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng cả về nông nghiệp và công nghiệp. Thêm vào đó, các ngành dịch vụ cần tiếp xúc trực tiếp cao cũng bị ảnh hưởng nặng, làm thu nhập của lao động nhóm ngành này và tiêu dùng đều giảm sút.
TS. Nguyễn Thắng cũng lưu ý đến một đối tượng ông cho rằng cần được chú ý hơn - các cá nhân và hộ gia đình có thu nhập tương đối thấp nhưng chưa đủ điều kiện nhận hỗ trợ hộ nghèo. Đối tượng này dễ bị tác động và có thu nhập giảm sút do đại dịch, nhưng lại chưa được hỗ trợ tương xứng với mức độ cần thiết.
Đồng tình với nhận định trên, chuyên gia kinh tế từ WB Dorsati Madani và Judy Yang đều cho rằng trong tương lai Việt Nam sẽ tiếp tục là quốc gia dễ bị tổn thương từ các cú sốc kinh tế lớn, và do đó cần ghi nhớ những bài học rút ra được trong đại dịch lần này.
Theo Người Đưa Tin