“Hồi sinh” từ ví dặm

Nhắc đến xứ Nghệ là đã nghe vang trong lòng câu ví dặm. Ví dặm sinh ra từ đồng ruộng, từ những người nông dân yêu đất, yêu làng và cho đến ngày nay ví dặm vẫn đang nuôi dưỡng tâm hồn của những con người bình dị ấy. Hơn thế, tình yêu với ví dặm đã làm hồi sinh những tâm hồn tưởng như tuyệt vọng trước cuộc đời.

Ánh sáng đến từ ví dặm

Cứ mỗi sáng thứ 7 hàng tuần, căn nhà nhỏ của gia đình chị Hoàng Thị Hoa ở xóm Tây Xuân, xã Giang Sơn Đông (Đô Lương, Nghệ An) lại vang lên những câu hát nghĩa tình. Trong khoảng không nhỏ trước sân nhà, hai chiếc chiếu được trải ra, ở giữa là những cốc chè xanh nóng hổi. Mọi người quây quần quanh một người phụ nữ nhỏ xíu như đứa trẻ lên mười. 

Chị Hoa ngồi khó khăn trên chiếc ghế nhựa thấp có ghế tựa bởi tay chân và cơ thể chị bị teo lại. Hơi thở đứt quãng và giọng nói rất nhỏ, chị vẫn hướng dẫn các thành viên của câu lạc bộ dân ca ví dặm Giang Sơn Đông tập đến hết bài. Câu lạc bộ này được chị Hoa thành lập cách đây gần 3 năm.

Chị Hoa dạy mọi người tập hát dân ca

Chị Hoa kể, thấy quê mình nhiều người hát hay nhưng không có nơi cùng chia sẻ đam mê, chị quyết tâm thành lập câu lạc bộ. Từ vài ba người ban đầu, đến nay câu lạc bộ đã có trên 30 thành viên. Họ đến với nhau cùng hát, cùng say câu ví dặm và chung lòng khâm phục một người phụ nữ khuyết tật với tài năng, nghị lực hơn người.

Bà Trần Thị Lan ở xóm Đồng Xuân nói: “Cháu Hoa thì tàn tật, ngồi một chỗ nhưng mà có tài, giỏi nữa. Sáng tác, tự học mà giỏi rứa thì chúng tôi già rồi vào câu lạc bộ một phần để động viên cháu, rồi là cũng học hỏi thêm ở cháu nữa". Chị Lê Thị Hà (một thành viên đến từ xóm Nguyễn Tạo) chia sẻ thêm: “Chị Hoa sáng tác những bài hát rất mạnh mẽ, đi sâu vào lòng người. Với nghị lực phi thường của chị, có những người không phải là thành viên trong câu lạc bộ, nhưng thỉnh thoảng họ vẫn đến để tham gia".

Chị Hoa là con đầu trong gia đình có 5 anh em, bố mẹ là cựu chiến binh chống Mỹ. Ông trời đã ban tài năng bẩm sinh nhưng dường như cũng lấy đi của chị nhiều thứ.

Khi sinh ra, Hoàng Thị Hoa cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Từ những ngày còn rất nhỏ, được nghe bà nghe mẹ hát dân ca, chị cảm thấy thân thương kỳ lạ, tình yêu với ví dặm cứ lặng thầm nảy nở trong lòng chị. Dân ca là cuộc sống, là huyết mạch đang chảy trong cơ thể chị.

Chị Hoa cho biết: “Cũng không biết từ mô mà thích dân ca, tự nhiên từ khi nhỏ cảm thấy nghe hát dân ca nó nôn nao trong người, có một cái gì đó nó bâng khuâng rất là khó tả. Nhiều lần mơ ước nếu mà mình mạnh khỏe, bình thường như mọi người, mình có thể trở thành một cô giáo, một người dạy dân ca".

Bệnh tật, đau đớn không ngăn nổi tình yêu dân ca của chị

Nhưng những di chứng chất độc da cam từ người bố từng vào sống, ra chết trên chiến trường máu lửa đã tước đi của chị mong muốn tưởng như bình dị đó. Chị buộc phải giã từ trường học từ năm lớp 7, rồi càng lớn, tay chân lại càng teo nhỏ, không thể đi lại được. Đó là những năm tháng dài, chị đau đớn, dằn vặt vì thấy mình vô dụng. Bản thân chị chán nản, nhiều lần tính uống thuốc tự tử, nhưng rồi cuộc đời còn nhiều duyên nợ nên cố sống.

Trong tuyệt vọng, những làn điệu dân ca đã an ủi chị, thôi thúc chị sống một cuộc sống mới. Với năng khiếu trời ban, lại được kế thừa tình yêu văn nghệ của người bố (đã mất năm 2005) là một nhạc công quân đội, cùng với sự nỗ lực của bản thân, chị đã từng bước trở thành một người sáng tác thơ, một bậc thầy về dân ca ví dặm xứ Nghệ. Hình ảnh vùng quê Giang Sơn Đông, tình làng nghĩa xóm, tình cảm gia đình… tất cả đi vào tác phẩm của chị mộc mạc mà lay động lòng người. 

Từ lúc nắm vững các làn điệu ví dặm, chị bắt đầu tập viết lời mới, các tiểu phẩm, hoạt cảnh dân ca với bút danh Quỳnh Hoa. Những đêm dài trong căn phòng nhỏ, vượt qua cơn đau nhức, nỗi mệt mỏi, chị miệt mài sáng tác ngay cả khi chỉ có thể nằm trên giường viết bằng điện thoại. Sau gần 20 năm, những tác phầm lần lượt chào đời, chị cũng không còn nhớ nổi đã có bao nhiêu “đứa con tinh thần” do mình đứt ruột đẻ ra.

Chị Hoa luôn nặng lòng với câu hò điệu ví

“Còn sống là còn hát – còn sức còn cống hiến”

Biết đến tài năng người phụ nữ tật nguyền, mỗi dịp lễ hội, Tết đến xuân về các ban ngành, đoàn thể, đơn vị ở địa phương lại đến nhờ chị viết. Tác phầm của chị còn được nhiều câu lạc bộ dân ca ví dặm từ các địa phương khác biểu diễn trong các cuộc thi. Tháng 7/2018 màn diễn xướng: “Tình kẹo trao duyên” do câu lạc bộ dân ca ví dặm thị trấn Đô Lương biểu diễn đạt giải A, liên hoan dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh.

Ông Nguyễn Khắc Sơn (cán bộ trung tâm văn hóa huyện Đô Lương) người trực tiếp đạo diễn, dàn dựng tác phẩm đánh giá: “Chị Hoa là một người giàu nghị lực, có những lúc mưa gió trở trời với những cơn đau nhức. Nhưng chính niềm đam mê là động lực luôn thôi thúc chị, chị cố gắng nhờ người đưa xuống làng kẹo ở Vĩnh Đức (thị trấn Đô Lương) xem người ta làm kẹo để về sáng tác một tác phẩm, một màn diễn xướng – tình kẹo trao duyên. Trong cái nghề tôi làm việc 30 năm thì tôi thấy màn diễn xướng của chị Hoa là một tác phẩm có tính chất văn học rất cao, mà sau khi tác phẩm diễn xong, tiếng vỗ tay rầm rầm".

Những năm qua, chị không chỉ sáng tác mà còn nhiệt tâm trao truyền dân ca ví dặm cho nhiều người. Ngoài duy trì hoạt động của câu lạc bộ, vào những ngày nghỉ, chị thường dạy hát cho các bạn đoàn viên thanh niên trong xã, mùa hè thì dạy hát cho các em học sinh (trước đây, chị còn dạy văn hóa cho các em nhỏ trong xóm). Các chiến sĩ ở Trung đoàn 1, sư đoàn 324 đóng tại địa phương cũng đến nhà chị để dàn dựng, tập luyện những tác phẩm mà chị viết.

Hai năm trở lại đây, chị không thể tự ngồi, cầm bút như trước, mà chỉ nằm ngửa viết trên điện thoại. Lúc xoay trở thân mình ở trên giường hay trên ghế cũng phải nhờ đến người thân. Mỗi lần sinh hoạt câu lạc bộ, cơ thể lại đau nhức, chị phải uống thuốc giảm đau từ đêm hôm trước. Hát hay chưa đủ, chị còn cảm thấy cần phải sửa đổi cách luyến láy, cách nhấn nhả âm cho phù hợp, chị lên mạng để xem cách dạy hát dân ca. Cùng với đó, để tiếp tục “nuôi” dân ca, chị Hoa đã liên lạc với các nghệ nhân nổi tiếng về dạy hát cho chị và các thành viên câu lạc bộ. Chị đã dành một phần tiền trợ cấp hàng tháng của bản thân để mua nhạc cụ (đàn, sáo, nhị, trống… ) phục vụ cho việc tập luyện, ca hát. Chị vẫn tích cực viết và dạy hát dân ca với mong muốn “Góp phần gìn giữ cái hay cái đẹp của ví dặm” và “để sống có ích cho đời”.

Hai năm trở lại đây, chị không thể ngồi viết, mà chỉ nằm viết trên điện thoại

Chị Hoa tâm sự: “Mình gửi gắm cả tâm hồn, cả tình thương, cả nỗi đau vào trong dân ca. Mình mong muốn được truyền lửa niềm đam mê cho nhiều người để không làm mai một đi giá trị văn hóa tinh thần quý báu ấy. Mong muốn ví dặm Nghệ Tĩnh sẽ được lan tỏa hơn nữa, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ".

Một ước mơ lớn nữa của chị là cùng với câu lạc bộ tổ chức thật nhiều đêm nhạc ví dặm thiện nguyện. Nhằm kêu gọi sự ủng hộ từ các nhà hảo tâm, các cơ quan đoàn thể để có thể giúp đỡ những người già neo đơn, trẻ em mồ côi và đặc biệt là những nạn nhân chất độc màu da cam như chị. Chị muốn có thật nhiều thuốc chữa bệnh cho mọi người, mong muốn mọi người khỏe mạnh, không phải chịu nhiều đau đớn do bệnh tật. Mong muốn bản thân có thể góp một phần sức nhỏ, truyền động lực cho mọi người có thể lạc quan và mạnh mẽ vươn lên trong cuộc sống.

Dân ca đã giúp chị vượt qua những ngày tháng đau khổ nhất và giờ đây tiếp tục là hạnh phúc, là nguồn sống mỗi ngày. Từ ngôi nhà nhỏ, giọng hát cứ ngân nga mãi như tấm lòng của chị, thiết tha yêu con người, yêu câu hát quê hương. Những người như chị đã và đang làm sống mãi dân ca ví dặm, dòng sông mẹ trong ngần, nuôi dưỡng tâm hồn xứ Nghệ ngàn năm.