Theo Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII nhận định đến 2030, nguồn vốn để đầu tư, xây dựng dự án điện dự kiến khoảng 135 tỷ USD. Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2030.
Cụ thể, tỷ lệ đóng góp của nguồn điện năng lượng tái tạo là: “Khoảng 5% vào năm 2020; khoảng 25% vào năm 2030 và khoảng 45% vào năm 2050”. Mục tiêu này đặt ra bài toán về thu hút nguồn vốn cho quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
Cùng giải bài toán này, các quốc gia trên thế giới đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, từ can thiệp chính sách và biện pháp tài chính để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng và hệ thống công nghiệp, cho đến cải thiện hiệu quả năng lượng, giải quyết ô nhiễm môi trường, bảo vệ và bổ sung vốn tự nhiên.
Nhiều chính phủ đang áp dụng phương pháp tiếp cận “cây gậy và củ cà rốt”, bao gồm thuế xanh đối với các hoạt động gây hại cho môi trường, các quy định chặt chẽ hơn, các tiêu chuẩn và chứng nhận môi trường mới về hiệu suất năng lượng, khí thải và chất gây ô nhiễm.
Bên cạnh đó, các chính phủ cũng triển khai các khoản vay và trợ cấp cho đầu tư xanh vào nông nghiệp bền vững, các nguồn năng lượng tái tạo hoặc ít carbon, các tòa nhà tiết kiệm năng lượng, lối đi công cộng và đường dành cho xe đạp và cơ sở hạ tầng cho xe điện.
Đơn cử như, Đức cam kết đầu tư 2,5 tỷ Euro vào cơ sở hạ tầng xe điện và trợ cấp 9.000 Euro cho mỗi xe để khuyến khích sử dụng phương tiện này. Tại Thâm Quyến, Trung Quốc, ba hãng xe buýt lớn đã được khuyến khích chuyển sang xe điện thông qua khoản trợ cấp hàng năm là 75.500 USD cho mỗi xe.
Trong khi đó, tại Việt Nam, việc lắp đặt công suất điện mặt trời trên mái nhà đã tăng 2.435% kể từ đầu năm 2019, chủ yếu nhờ chương trình trợ giá điện mặt trời. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang thảo luận Luật Điện lực sửa đổi nhằm tạo hành lang pháp lý để thu hút đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
Bà Sunita Dubey, Đại diện quốc gia của Liên minh Năng lượng toàn cầu vì con người và hành tinh (GEAPP) cho rằng, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong quá trình chuyển đổi năng lượng, những vẫn đang phải đối mặt với một số thách thức trong việc mở rộng công suất năng lượng tái tạo.
Và một trong số đó là sự không chắc chắn về quy định, chính sách gây ra sự do dự trong các nhà đầu tư. Ngoài ra, việc bảo đảm đủ nguồn tài chính cho các dự án quy mô lớn và cấp cộng đồng vẫn là một rào cản đáng kể.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham Việt Nam), Tổng giám đốc Schaeffler Việt Nam, phát biểu tại Diễn đàn hỗ trợ pháp lý đầu tư năm 2024 với chủ đề “Thu hút đầu tư đối với các dự án năng lượng tái tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh” diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh ngày 20/9/2024 đã nhấn mạnh rằng, một trong những khó khăn của doanh nghiệp khi đầu tư lĩnh vực này là sự chậm trễ trong ban hành các quy định, hướng dẫn thực hiện. Điều này gây bế tắc cho nhà đầu tư đang vận hành các dự án năng lượng mặt trời sau năm 2020, tạo sự e ngại cho nhà đầu tư muốn triển khai các dự án mới.
Theo bà Sunita Dubey, để giải quyết những thách thức này, Việt Nam phải xây dựng các khuôn khổ pháp lý rõ ràng, lộ trình đầu tư có thể dự đoán để tạo niềm tin và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Khoảng cách tài chính có thể được giải quyết thông qua các mô hình tài chính hỗn hợp, trái phiếu xanh và quan hệ đối tác với các tổ chức khác nhau để giảm rủi ro đầu tư. Đồng thời, thu hút đầu tư thông qua các chính sách sử dụng đất chủ động và các kế hoạch toàn diện cũng rất quan trọng để xây dựng lòng tin và giảm sự chậm trễ trong phát triển.
Bằng cách liên kết các nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải cách chính sách và các chiến lược toàn diện, Việt Nam có thể vượt qua những thách thức, thu hút vốn hiệu quả và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo.