Được làm nên từ đôi bàn tay và khối óc của những bậc thầy người Bahnar về kiến trúc nhà Rông cổ, và điều đặc biệt là các “kiến trúc sư” dù không biết chữ vẫn dựng lên mái nhà Rông lớn nhất Tây Nguyên.
Điệu xoang Bahnar dưới mái nhà Rông Kon Sơ Lăl.Ảnh: gialai.gov
Là một trong những ngôi làng xa nhất của huyện Chư Păh, làng Kon Sơ Lăl thuộc xã Hà Tây (Gia Lai) cách thành phố Pleiku chừng 50km. Dân làng Kon Sơ Lăl có một tài sản quý giá, to đẹp hơn cả chính là ngôi nhà rông kỳ vĩ giữa làng. Đó là tất cả tâm tư, tình cảm là máu thịt, mồ hôi của cả dân làng từ già, trẻ, gái, trai cùng chung tay, góp sức. Phải mất hơn 2 năm để chuẩn bị và mất hơn 4 tháng ngày công để hoàn thành công trình lịch sử của làng.
Một góc làng Kon Sơ Lăl cũ. Ảnh: Tiến Thành
Mái nhà rông Kon Sơ Lăl cũ được xây dựng từ năm 1960 trước khi bị lửa thiêu rụi. Ảnh: Thiên Thư
Kon Sơ Lăl xưa vốn nổi tiếng là một trong những ngôi làng Bahnar cổ nhất dãy Trường Sơn Đông còn giữ được những nét văn hóa truyền thống trong đời sống thường ngày. Làng Kon Sơ Lăl cổ vốn nằm giữa đại ngàn núi rừng nơi ít có người ghé đến. Người Bahnar vẫn thường gảy đàn goong đón khách quí, Pơtual (người làm trò hề) vẫn bôi một lớp đất sét màu vàng nhạt và gắn thêm chiếc đuôi nhảy điệu “xoang prim” (múa hề) trong lễ bỏ mả. Tất cả những sinh hoạt tâm linh đều được diễn ra dưới mái nhà rông “cái”.
Pơtual (người làm trò hề) nét văn hóa đặc sắc của người Bahnar. Ảnh: Tiến Thành
Sở dĩ gọi là làng Kon Sơ Lăl cổ vì từ năm 2002, các hộ dân trong làng đã lần di dời và định cư ở làng Kon Sơ Lăl mới cách đó 3km. Sau đó, ngôi làng “thuần” Tây Nguyên chỉ còn vài người già vì nuối tiếc nền văn hóa của tổ tiên mà ở lại “giữ làng”. Đến giữa năm 2015, vào một ngày trời mưa gió bão bùng, mây đen phủ khắp làng Kon Sơ Lăl cũ. Sét đánh trúng mái nhà tranh khiến lửa bốc lên ngùn ngụt. Lửa theo gió lan sang hàng chục mái nhà khác. Lửa cũng nuốt trọn ngôi nhà rông sừng sững trong sự bất lực của dân làng.
11 ngôi nhà sàn và mái nhà rông cổ hóa thành tro bụi sau vụ cháy làng Kon Sơ Lăl cũ vào năm 2015. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Nhà rông cũ cháy, dân làng Kon Sơ Lăl bàn nhau làm nhà rông mới để thay thế. Sau gần 4 tháng thi công trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn về nguyên vật liệu như: cỏ tranh, tre, gỗ... ngày 24.8.2017, nhà rông Kon Sơ Lăl hoàn thành. Nhà rông mới có tổng diện tích 279m², hai mái lợp tranh, chiều cao tính từ mặt đất lên đến đỉnh là 20m, theo kiểu mẫu truyền thống, họa tiết, hoa văn rất tinh xảo. Đây được coi là ngôi nhà rông lớn nhất Tây Nguyên tính đến thời điểm hiện tại (trước đó, nhà rông Kon Klor ở Kon Tum được biết đến là ngôi nhà rông lớn nhất)
Những bậc cao niên trong làng chia sẻ, nhà rông ẩn chứa rất nhiều bí ẩn mà nếu dành hết cả đời, họ cũng chưa khám phá hết. Bởi, nhà rông là hiện thân của nền văn hóa cả một dân tộc. Nhà rông luôn vút cao giữa đồi như một con gà mẹ giữa bầy gà con là các nhà sàn của người dân quây quần xung quanh. Ảnh: Ngô Mạnh Tùng
Điều thú vị là ngôi nhà rông mới này được xây dựng nhanh chóng dù không hề có một bản vẽ thiết kế. Già làng Sôn – vị “kiến trúc sư trưởng” tiết lộ: sở dĩ nhà rông vững chãi như vậy là nhờ vào nguyên tắc đối xứng và chính xác tuyệt đối khi dựng nhà, chỉ cần dùng một sợi dây để đo đạc và đánh dấu vị trí. Thú vị hơn là ông không hề biết chữ và cũng không biết đếm số.
Mái nhà rông được lợp bằng cỏ tranh và buộc bằng lạt trông rất mong manh nhưng có thế trường tồn với thời gian qua cả trăm năm nếu không bị con người phá hủy.
Theo Phạm Ly/Lao Động