Khi trường học không còn chốn dung thân?

Qua câu chuyện "cô giáo cẩm khẩu" nhà văn Sương Nguyệt Minh đã phải lên tiếng. Phununews.vn xin trân trọng giới thiệu ý kiến của ông.
Cô giáo "cấm khẩu" dạy toán và vị hiệu trưởng ở lại, học trò phải ra đi! Em Phạm Song Toàn đã phải chuyển trường rồi. 

Chuyện rằng: Cô giáo dạy toán suốt 3 tháng trời "cấm khẩu", dạy học chỉ bằng... tay. Tay viết bảng. Học sinh nhìn những chữ, những con số mà học, mà làm bài tập. Cô không nói với trò. Trò chẳng nói với cô. 3 tháng trời lớp học im lặng như... "nhà mồ". Lạy trời! Mình mà ở lớp đó, học cô giáo dạy toán "cấm khẩu" đó thì mình... phát điên mất.

Chỉ khi em Phạm Song Toàn phản ánh ý kiến này đến Sở Giáo dục và Đào tạo thì hiệu trưởng mới biết, cả trường mới hay. Cô giáo bị kiểm điểm, xin lỗi và sửa sai sẽ mở mồm khi dạy học trò và vẫn đứng lớp. Hiệu trưởng không biết giáo giên dạy dỗ ra sao suốt 3 tháng liền vẫn yên vị thét ra lửa.
 
Tưởng chuyện đến đó là dừng, là "ta thắng địch thua'', cả nhà sum họp. Song, hoàn toàn không. Cô giáo lẽ ra phải tự giác làm đơn xin ra khỏi ngành, nhưng bị kiểm điểm qua quýt vẫn ở lại dạy; hiệu trưởng lẽ ra xin từ chức vì 3 tháng có chuyện dạy học phản sư phạm, mà không hề biết; lẽ ra các thầy cô và bạn học phải khen, phải chia sẻ, mừng vui cùng em Phạm Song Toàn.
 
Vậy mà, em Toàn hoàn toàn đơn độc trên con đường đi đến lẽ phải thông thường. Áp lực rất căng thẳng ở ngôi trường em đang học, như em là nguyên nhân để thanh danh của trường xấu đi. Rằng, sao em không "đóng cửa bảo nhau" mà nói cho cả thiên hạ biết.v.v.

Xin thưa! Em Toàn chưa nói thì hiệu trưởng và cô giáo dạy toán "cấm khẩu" đã... xấu rồi. 

Chả lẽ, tại em Toàn mà cái tên trường xấu đi, thầy hiệu trưởng bị mất uy tín, và cô giáo dạy toán tai tiếng? 

Chả lẽ, cái tốt, người tốt với lòng trung thực thẳng thắn không có đất sống ở cái mảnh đất hình chữ S lắm đau thương, nhiều nước mắt này?

Tại sao trường trung học Thới Bình không phát động một phong trào thi đua học tập, noi gương tấm lòng trung thực, thẳn thắn của em Phạm Song Toàn? Tại sao cái xấu vẫn nhởn nhơ tồn tại, còn cái tốt phải khổ sở nhọc nhằn, bị bao vây, cấm vận như thế? Sao người tốt khổ thế?

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.