Khoảnh khắc quyết định “sinh tử” của bác sĩ tại bệnh viện dã chiến

Bắt đầu nhận nhiệm vụ mới tại các phòng bệnh được trưng dụng từ tòa nhà tái định cư sau suốt 5 năm bỏ trống, các y bác sĩ bệnh viện dã chiến số 3 đã có những kỷ niệm khó quên với hành trình điều trị, chăm sóc hàng nghìn F0.

Những người “khai hoang” nơi bệnh viện dã chiến

Từ sau khi “làn sóng” Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại TP.Hồ Chí Minh, các bệnh viện dã chiến được khẩn trương thành lập, có nhiệm vụ thu dung, điều trị, chăm sóc toàn bộ số ca mắc mới phát hiện qua xét nghiệm tầm soát tại các khu nguy cơ cao trong cộng đồng và các trường hợp đang được cách ly theo dõi tại các trung tâm cách ly tập trung, F1 chuyển sang F0, điều trị, chăm sóc và cấp cứu bệnh nhân Covid-19.

Đầu tháng 7, bệnh viện dã chiến số 3 được thành lập với quy mô hơn 2.500 giường, đặt tại khu tái định cư Bình Khánh thuộc phường An Khánh (TP.Thủ Đức). Sau hơn 2 tháng chính thức hoạt động, tính đến sáng ngày 21/9, bệnh viện đã tiếp nhận gần 10.000 bệnh nhân Covid-19, trong đó, đã có hơn 7.200 trường hợp được ra viện.

Nói về những ngày đầu nhận nhiệm vụ mới, bác sĩ chuyên khoa I Lý Quốc Công (Trưởng khoa Lâm sàng, bệnh viện dã chiến số 3) vẫn còn nhớ như in: “Giữa lúc Sài Gòn đang ở trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, lãnh đạo của thành phố quyết định thành lập bệnh viện dã chiến số 3, trưng dụng các tòa nhà tái định cư làm phòng bệnh thu dung, điều trị cho những bệnh nhân không triệu chứng.

z2782486942890-a3a3fe0fe244fac3f6b155c50b30596e1-1632329847.jpg
Bác sĩ Lý Quốc Công chia sẻ về những ngày đầu “khai hoang” tại bệnh viện dã chiến số 3.

Những ngày đầu khi các y bác sĩ mới đến đây, vốn vẫn chỉ là tòa nhà tái định cư của thành phố, toà nhà này mới toanh, không có ai ở hết, cơ sở vật chất rất thiếu thốn, ngay cả bãi để xe cũng không có bảo vệ, tòa nhà bụi bặm suốt 5 năm bỏ trống. Chính vì thế, chính tay các y bác sĩ phải cải tạo lại từ đầu, từ hệ thống điện nước đến các trang thiết bị, có những phòng bị hư bóng đèn, ổ khóa, vòi nước..., tất cả đều được chúng tôi mua sắm và tự tay lắp đặt.

Chưa kể đến những thách thức khác, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn trong vấn đề xử lý rác thải y tế, bởi tòa nhà này thậm chí chưa có dân cư sinh sống, nên rác thải hay mọi vấn đề sinh hoạt khác đều chưa có đội ngũ dọn dẹp. Thời điểm đó, mỗi nhân viên y tế phải tự tay lo liệu 100%”.

“Đó giống như một cuộc “khai hoang” của các y bác sĩ!”, bác sĩ Lý Quốc Công hóm hỉnh đề cập.

z2779774933508-91db68803734f70d795a48f7c5456ca2-1632329846.jpg
Bên trong bệnh viện dã chiến số 3.

Theo vị bác sĩ Trưởng khoa, đến ngày 10/7, mọi thứ mới đi vào nền nếp. “Đêm đó, sau khi bệnh viện dã chiến số 3 bắt đầu “mở cửa” đón bệnh nhân, là ngay trong đêm đó, chúng tôi tiếp nhận 1.000 bệnh nhân. Khi đó, đội ngũ nhân viên y tế mới chỉ có 40 người, trong đó có 15 bác sĩ, còn lại là y tá. Vài ngày tiếp theo, lực lượng y tế từ các bệnh viện khác trên địa bàn thành phố mới được điều động đến tăng cường.

z2779779409713-24d142dfcc8f85faf8efe5b33d719166-1632329847.jpg
Ban đầu, cả bệnh viện chỉ có 40 y bác sĩ. Sau vài ngày, lực lượng y tế mới tiếp tục được điều động tăng cường.

Hồi đầu, bệnh viện dã chiến 3 được giao cho tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân nhẹ. Tuy nhiên, sau khoảng 5 ngày, bắt đầu có những bệnh nhân chuyển nặng, khi vào bệnh viện, F0 đã ở thời điểm ngày thứ 4 của bệnh, sau khi vào khoảng 4-5 ngày là đang ở ngày thứ 8-10 của bệnh, bắt đầu có triệu chứng suy hô hấp. Khi xuất hiện những ca bệnh nhân báo khó thở, suy hô hấp, chỉ số SpO2 dưới 90%, bác sĩ Trần Văn Khanh (Giám đốc bệnh viện) đã chỉ đạo phải thành lập khoa Cấp cứu ngay tại bệnh viện, để giảm áp lực cho tuyến trên.

Chúng tôi phải huy động mọi nguồn lực, trong bệnh viện, có cả các bác sĩ thẩm mỹ, bác sĩ chuyên răng hàm mặt..., nên phải gấp rút tập huấn cho các bác sĩ, từ hồi sức tích cực đến chăm sóc bệnh nhân và phòng ngừa chuẩn để tránh lây nhiễm.

z2785220499582-fc0ac96c6ce48492f0f84c1af5504af1-1632360321.jpg
Phòng cấp cứu luôn quá tải khi nâng tầng điều trị, nên bệnh viện đã thiết lập một trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 ngay tại hầm để xe.

Phòng cấp cứu và hồi sức ban đầu dự tính chỉ khoảng 25 giường. Thế nhưng xuất phát từ nhu cầu bức thiết của người bệnh cũng như tình hình thực tế, bệnh viện đã được nâng số giường thở oxy dần lên khoảng 70-100 giường.

Từ đó đến nay, bệnh viện cũng đã hoạt động được hơn 2 tháng, chúng tôi đã từng bước cùng nhau khắc phục những khó khăn”, bác sĩ Công chia sẻ.

Những khoảnh khắc quyết định “sinh tử”

Suốt nhiều ngày thực hiện sứ mệnh chăm sóc, điều trị cho hàng nghìn F0, các y bác sĩ ở đây cũng đã có không ít kỷ niệm.

Nhắc đến ca điều trị ấn tượng nhất, bác sĩ Công nhớ lại: “Thời điểm đó, có một ca bệnh nhân nữ (SN 1954), triệu chứng suy hô hấp, có chỉ định thở máy. Lúc này, phải tiếp cận một cách nhanh chóng, kịp thời và chuyên nghiệp mới có thể cứu sống được, nên chúng tôi đã quyết định điều trị theo phác đồ của bộ Y tế, dùng thuốc kháng virus, kháng viêm, kháng đông... kết hợp với thở máy oxy dòng cao (HFNC). Tuy nhiên, sau khi dùng máy thở HFNC chưa đầy 24 tiếng, tôi thấy ca này có vẻ rất “nguy”, bệnh nhân chuyển nặng, tiên lượng phải đặt nội khí quản. Tuy nhiên, sau giây phút đấu tranh, tôi đã quyết định duy trì cho bệnh nhân thở máy, không đặt nội khí quản. Thật may mắn, sau một thời gian, bệnh nhân đã dần dần hồi phục và có thể thở mũi.

Đến nay, nữ bệnh nhân đó cũng đã nhận kết quả xét nghiệm PCR âm tính và được xuất viện hơn một tuần. Phía bệnh viện cũng đã liên hệ và được biết, bệnh nhân đã khỏe trở lại, ăn uống được, nhưng lại có cảm giác... nhớ bác sĩ. Khi chúng tôi hỏi bệnh nhân tại sao lại nhớ, cô ấy dường như vẫn xúc động: “Vì lúc đó, cô nghĩ là cô đã chết rồi, giống như mình bị rơi xuống một vực thẳm, lại có người đưa tay chụp lại được, nên trong suy nghĩ lúc nào cũng nhớ đến bác sĩ, nhờ có bác sĩ mà cô mới sống được đến ngày hôm nay”.

Đó cũng là ca đầu tiên ấn tượng nhất tại bệnh viện dã chiến số 3! Bệnh nhân đã hồi phục một cách ngoạn mục mà trước đó, tôi không nghĩ là cô ấy có thể. Đến giờ, ban Giám đốc và toàn bộ y bác sĩ đều nhớ tên cô ấy…”.

z2783360676782-5fbd6f601cd828c868fe7d5fe760cae6-1632329909.jpg
Không riêng với bác sĩ Công, F0 điều trị nơi đây để lại những ấn tượng đặc biệt với toàn bộ đội ngũ y bác sĩ.

Ngừng lại một lát, bác sĩ Công tiếp tục trải lòng: “Và đó cũng là ca ấn tượng nhất trong suốt chặng đường tôi đi chống dịch. Còn nhớ, hôm đó, đứng trước chuyển biến nặng của nữ bệnh nhân này, trong ê-kíp có rất nhiều trợ lý, mỗi người lại đưa ra ý kiến khác nhau, chúng tôi đứng trước quyết định có đặt nội khí quản cho bệnh nhân hay không. Đó là một quyết định rất lớn! Và cuối cùng, tôi quyết định chỉ cho bệnh nhân thở oxy dòng cao, không đặt nội khí quản, nhờ thế, cô đã được xuất viện về chung vui với gia đình. Nghĩ lại, nếu lúc đó, chúng tôi đặt nội khí quản, có lẽ bệnh nhân đã không sớm khỏe lại như bây giờ.

Cũng có rất nhiều trường hợp mà bản thân các bác sĩ phải là người “ra quyết định” kịp thời để cứu bệnh nhân, đôi lúc là không thể trễ một giây nào. Đứng trước những khoảnh khắc như vậy, tôi chỉ nghĩ đơn giản một điều, ngay tại thời điểm đó, chỉ có mình, chỉ có bác sĩ phải quyết định cứu sống bệnh nhân bằng cách nào, phải quyết định ngay trong tích tắc, không thể chần chừ, nhưng cũng phải thật cẩn trọng, nếu lựa chọn sai thì bệnh nhân rất có thể sẽ mất cơ hội sống còn…

Với kinh nghiệm chống dịch hơn 2 năm qua, đứng trước những tình huống như vậy, tôi vẫn luôn nhắc mình phải thật bình tĩnh, bởi đó là lúc chúng tôi phải cân nhắc, phải nhạy bén, vì cơ hội của bệnh nhân mong manh, phải giúp bệnh nhân sống được”.

z2782483589834-91a65025fcf76979ef8066ef4650ca03-1632329846.jpg
Sự đồng lòng của cả đội ngũ sẽ giành giật lại sự sống cho bệnh nhân.

Khoảng thời gian hơn 2 tháng không chỉ ghi dấu ấn về những F0 đặc biệt, mà trong lòng mỗi nhân viên y tế nơi đây, cũng đong đầy kỷ niệm về những người đồng nghiệp luôn đồng lòng, chung sức, giành giật từng giây sự sống cho người bệnh.

Chia sẻ về những tình cảm ấm áp giữa “tâm dịch”, bác sĩ Lý Quốc Công không ngần ngại giãi bày: “Điều ấn tượng nhất trong tôi, có lẽ là mặc dù chúng tôi là những nhân viên y tế được quy tập từ các bệnh viện khác nhau, từ bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh, bệnh viện đa khoa Bưu điện, bệnh viện Lê Văn Thịnh, bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương…, nhưng lại đoàn kết và thương yêu nhau. Xuất phát từ các “ngôi nhà” khác nhau, nhưng khi đất nước chúng ta gặp khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covdi-19 như thế này, thì mọi y bác sĩ đều hợp lực, tất cả đồng lòng, chung tay góp sức để cứu chữa, tìm lại sự sống cho người bệnh. Trong quá trình làm việc, các y bác sĩ cũng xem nhau như người một nhà, xem đây như một gia đình thứ hai của mình”.

z2778134370164-78704fe743213296b49e313812e12bf9-1632330019.jpg
Những nhân viên y tế sớm đã coi nhau như một gia đình thứ hai. Những món quà Trung thu mang hương vị tình thân động viên các y bác sĩ sau chuỗi ngày biền biệt xa nhà.

Không chỉ cùng nhau đối mặt với những khoảnh khắc giúp bệnh nhân vượt qua ranh giới sinh tử, những nhân viên y tế còn có những phút chia sẻ, động viên và tham gia các hoạt động thể dục thể thao để “xả stress”.

“Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghề y, nên tôi cũng hiểu rõ nhiệm vụ, mình phải làm việc tích cực, từ cá nhân thì mới cùng nhau vượt qua đại dịch, không có lý do nào để khiến nỗi nhớ nhung gia đình trở nên quá lớn hay lấn át thời gian chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân. Nỗi niềm riêng xin đành “gác” lại…

z2782807886993-c52d987891a2146a8b369af11b8cc208-1632329848.jpg
Dù có bận rộn đến đâu, bác sĩ Công cũng cố gắng dành thời gian trấn am gia đình để yên tâm làm việc. Vị bác sĩ cũng động viên những người đồng nghiệp như vậy.

Các y bác sĩ ở đây cũng đã xa gia đình gần 3 tháng, mặc dù công việc bận rộn, các nhân viên y tế ở đây ai cũng luôn chân, luôn tay, nhưng tôi vẫn động viên các đồng nghiệp hãy dành thời gian, tranh thủ liên hệ với gia đình, trấn an tâm lý để gia đình không phải lo lắng. Gia đình khỏe mạnh thì các y bác sĩ mới khỏe mạnh và yên tâm công tác, và khi y bác sĩ khỏe mạnh, mới có thể chăm sóc và điều trị cho các F0 thật tốt.

Dù phải làm việc với công suất gấp 2-3 lần bình thường, nhưng tinh thần lãnh đạo đến nhân viên ở đây luôn vững vàng. Ai cũng xác định tinh thần “trực chiến” 24/24, “chạy đua với thời gian” để cứu người bệnh là quan trọng nhất!”, bác sĩ Trưởng khoa bộc bạch.

Giống như bác sĩ Công và các nhân viên y tế tại bệnh viện dã chiến số 3, tất cả lực lượng y tế tuyến đầu đều đã và đang “căng sức” từng ngày, giành lại sự sống cho các F0, họ đều chiến đấu hết lòng với hy vọng sớm ngày “đuổi” được virus Sars-CoV-2, trả lại những ngày bình yên cho “thành phố mang tên Bác”.

(Ảnh: NVCC).

Tuệ Linh