Khoảnh khắc “thót tim” của nữ chiến sĩ mang quân hàm xanh

Những nữ cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh với những hy sinh thầm lặng đã đóng góp một phần không nhỏ trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới giữa thời bình.

Ước mơ quân hàm xanh từ niềm tự hào của bố

Trở thành quân nhân, có lẽ là ước mơ mà Đại úy Nguyễn Thị Minh Huệ (SN 1983, nhân viên kiểm thể, đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai) đã ấp ủ ngay khi còn thơ bé, được gieo cảm hứng từ chính những câu chuyện về những năm tháng hoạt động ở chiến trường của bố.

Nhắc đến khoảng trời của bố, Đại úy Nguyễn Thị Minh Huệ vẫn không khỏi bồi hồi như khi chính bản thân được nghe câu chuyện từ hàng chục năm trước đó: “Bố tôi năm xưa cũng đi bộ đội, chiến đấu ở chiến trường Campuchia, nên đối với ông, hình ảnh người lính vẫn luôn là một niềm tự hào. Mặc dù trong gia đình, cả ba chị em tôi đều là nữ, nhưng ngay từ nhỏ, bố vẫn thường xuyên kể về những ký ức đẹp đã vượt qua cùng đồng chí, đồng đội.

img-9945-1643190060.JPG
Đại úy Nguyễn Thị Minh Huệ (nhân viên kiểm thể, đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai).

Bố kể, môi trường khi đó của bộ đội rất khắc nghiệt, khổ cực, tuy mọi điều kiện đều thiếu thốn, nhưng ai nấy đều yêu thương nhau, sẵn sàng san sẻ cả tinh thần lẫn vật chất. Bố may mắn được trở về bên gia đình, trong khi có biết bao đồng chí, đồng đội đã “nằm lại” chiến trường để bảo vệ cuộc sống bình yên. Và thẳm sâu phía sau những câu chuyện của bố, tôi nhìn thấy một niềm mong mỏi, trong các con, sẽ có người trở thành chiến sĩ.

Vậy là, không biết từ khi nào, trong lòng tôi cũng nhen lên ước mơ trở thành một quân nhân, khoác lên mình bộ quân phục màu xanh và góp một phần sức vào nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”.

“Khi biết tôi muốn trở thành bộ đội, hơn ai hết, bố tôi là người vui nhất, mừng nhất. Bố tự hào lắm, tự hào vì bố yêu màu xanh áo lính, yêu hình ảnh đạp của người chiến sĩ vô cùng. Đến tận bây giờ, mỗi lần có dịp hai bố con ngồi trò chuyện, khi thì bố dò hỏi về những thử thách trong nhiệm vụ để động viên tôi, khi lại gợi cho tôi chia sẻ về những câu chuyện ấm áp cùng đồng chí, đồng đội... Thỉnh thoảng, bố lại thủ thỉ nhờ tôi hỏi xem trong đơn vị có ai dư bộ quân phục cũ nào, xin lại để khoác lên người”, chị không ngần ngại giãi bày.

sdgg-1643191400.jpg
Đại úy Nguyễn Thị Minh Huệ nhận danh hiệu Sứ giả hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc năm 2016. (Ảnh: NVCC).

Những khoảnh khắc “thót tim” vì nhiệm vụ

Thừa nhận bản thân trước đây từng là một cô gái thiếu tự tin và hay sợ sệt, nhưng trải qua những tôi luyện, rèn giũa, giờ đây, Đại úy Nguyễn Thị Minh Huệ đã trở thành một “bông hồng thép” cứng rắn và đầy bản lĩnh.

Vậy mà cũng có không ít phen, người phụ nữ đầy bản lĩnh ấy đã phải “thót tim” khi thực hiện nhiệm vụ.

Nhiệm vụ của Đại úy Nguyễn Thị Minh Huệ ở đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai chính là tiến hành kiểm thể đối với các đối tượng nữ tình nghi, khi nhận thấy khai báo không trung thực; đồng thời, phối hợp với tổ trinh sát tham gia vào các vụ án liên quan đến nữ, chủ yếu về ma túy, chuyển tiền trái phép... Bên cạnh những biện pháp đấu tranh của các chiến sĩ khác, chị cho rằng, việc mềm mỏng, cảm hóa  đối tượng cũng đóng góp một vai trò không nhỏ.

nguoi-phu-nu-gan-60-tuoi-mua-ban-trai-phep-chat-ma-tuy-1-16327429661791379503814-0-99-1080-1827-crop-1632742971437577456236-1643191400.jpg
Đại úy Nguyễn Thị Minh Huệ trong một lần dẫn giải đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy. (Ảnh: NVCC).

Chia sẻ về quá trình công tác, chị nhớ lại một kỷ niệm: “Trong một lần đi cùng các đồng chí trinh sát của tỉnh đến bắt giữ, khám xét tại nhà của một đối tượng nữ, tôi chúng kiến một tình huống rất bất ngờ. Khi đối tượng “vào đường cùng” thì thường bất cần, chuyện gì cũng dám làm.  

Khi chúng tôi đang tiến hành khám xét tại bếp, đối tượng đột ngột vùng dậy, lao đến nhặt một con dao lên, có thể là định chống cự hoặc tự sát. Ngay lập tức, tôi và một đồng chí nữa đã kịp thời khống chế được đối tượng. Thực sự cũng “thót tim”, trong tình huống như vậy, nếu không kịp thời ngăn chặn, không biết có chuyện gì có thể xảy ra”.

Đặc biệt nhất, phải kể đến một lần làm nhiệm vụ, đối mặt với phạm nhân nữ nguy hiểm. “Cách đây 2-3 năm, khi bên tổ trinh sát có bắt giữ các đối tượng trong một chuyên án có liên quan đến phụ nữ buôn bán ma túy, tôi cũng được điều động ra phối hợp nhận nhiệm vụ. Khi bị bắt, đối tượng cũng đang trong tình trạng “lơ mơ”, không tỉnh táo.

Đến khi đưa đối tượng về đồn, nhận thấy lời khai không trung thực, nên chúng tôi phải tiến hành kiểm thể. Với những đối tượng như vậy, thường là bất cứ ở chỗ nào, cũng có thể giấu ma túy, càng là chỗ kín thì càng hay giấu. Đối tượng là nữ nhưng có dấu hiện nghiện hút đã lâu, bị bệnh, trên cơ thể xuất hiện “hoa”, lở loét, thậm chí rỉ nước rất kinh khủng.

Một mình đối mặt trong gian phòng với một đối tượng nguy hiểm, tôi cũng bắt đầu có chút lo lắng, nhưng rồi cũng phải tự mình trấn tĩnh để hoàn thành nhiệm vụ. Trong quá trình kiểm thế, mặc dù tôi có đeo đến hai găng tay, nhưng thực sự vẫn ám ảnh. Cho đến thời điểm hiện tại, khi nhắc lại, tôi vẫn còn sợ trường hợp đó. Khi mà kiểm tra xong xuôi, tôi cũng nổi hết gai ốc lên...”, nhắc đến đây, chị Huệ như vẫn còn có chút run run trong giọng nói.

Bên cạnh những nhiệm vụ, Đại úy Nguyễn Thị Minh Huệ cũng thường xuyên dành thời gian để trau dồi vốn ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Trung để phục vụ công việc. Chị cho biết, mặc dù đơn vị cũng có phiên dịch riêng, song, chị cũng tự học thêm để chủ động trong giao tiếp khi làm nhiệm vụ.

Vì nhiệm vụ đặc thù, nên mặc dù chị được ưu ái về với gia đình, song, điện thoại vẫn luôn phải đảm bảo liên lạc. “Có những hôm đang ngủ, khoảng 2-3h sáng, điện thoại reo, nhận tin “Có phạm!” là phải ngay lập tức lên đường. Vì lẽ đó mà điện thoại của tôi vẫn luôn mở 24/24, không bao giờ dám tắt”, chị bộc bạch.

“Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là khi được đồng chí, đồng đội ưu ái rất nhiều trong đơn vị. Bởi lẽ, số lượng “bông hồng” trong lực lượng cũng không phải là nhiều, nên tôi cùng các chị em luôn được quan tâm, tạo điều kiện.

z3037654570711-fc9f98327a296d19f7ce1c7109ec2845-1643191400.jpg
Vì là một trong những “bông hồng” hiếm hoi của đơn vị, nữ Đại úy luôn nhận được sự quan tâm, sẻ chia. (Ảnh: NVCC).

Về phía gia đình, tôi cũng may mắn khi có người chồng luôn thấu hiểu. Có những giai đoạn, vì diễn biến phức tạp của dịch bệnh mà tôi phải vắng nhà nhiều ngày, một mình ông xã lo cho các con. Thêm nữa, tôi trở thành quân nhân, không chỉ là niệm tự hào của bố, mà còn là niệm tự hào của các con tôi.

Đặc biệt, đứa lớn thấy mẹ trong màu áo bộ đội còn xuýt xoa, bày tỏ ước ao mai sau lớn lên sẽ được khoác trên mình màu áo ấy”, nữ Đại úy tâm sự.