Không cần thế chấp, DOJI dễ dàng vay 600 tỷ với lãi suất thấp

Với sự thu xếp từ Chứng khoán Tiên Phong, Tập đoàn DOJI của ông Đỗ Minh Phú dễ dàng phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất thấp mà không cần tài sản thế chấp.

khong-can-the-chap-doji-cua-dai-gia-do-minh-phu-van-vay-thanh-cong-600-ty-dspl-1626936939.jpg

Tòa nhà Doji Tower tại số 5 Lê Duẩn. Ảnh: Báo Đầu tư

CTCP Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji (DOJI) vào ngày 24/5/2021 đã phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 60 tháng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo.

Được biết, đây là đợt phát hành trái phiếu lần thứ 2 trong năm 2021 của DOJI. Trước đó, ngày 24/4/2021, Tập đoàn này cũng đã phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu.

Như vậy, chỉ sau 1 tháng, DOJI đã phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu với mức lãi suất “ưu đãi” với 4 kỳ tính lãi đầu tiên là 8,75%/năm, các kỳ sau bằng mức tham chiếu cộng biên độ 2,5%/năm (trong mọi trường hợp không thấp hơn 8,75%/năm). Mức lãi suất này rất rẻ, so với mặt bằng chung từ 10-12%/năm hiện nay.

Lô trái phiếu của DOJI được một công ty chứng khoán trong nước mua vào dưới sự thu xếp của Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong.

DOJI cho biết, số tiền thu về sẽ được dùng để hợp tác đầu tư/kinh doanh với các công ty thành viên trực thuộc tập đoàn nhằm mở rộng hoạt động, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của tập đoàn trong lĩnh vực bất động sản.

Những năm qua, Tập đoàn DOJI của ông Đỗ Minh Phú đã định hướng chuyển sang mảng bất động sản với thương hiệu DOJILAND. Đây sẽ trở thành lĩnh vực chủ chốt trong chiến lược phát triển của DOJI, bên cạnh mảng truyền thống vàng bạc đá quý. DOJILAND được thành lập từ tháng 11/2014 với 100% vốn điều lệ nằm trong tay DOJI.

DOJI đã tạo dựng tên tuổi với không ít dự án nổi bật nằm ngay tại vị trí trung tâm các thành phố lớn như: Tòa nhà Doji Tower tại số 5 Lê Duẩn (Hà Nội) hợp tác với Hapro; tòa nhà Ruby Plaza số 44 Lê Ngọc Hân (Hà Nội); tòa nhà Ruby Tower tại số 81-83-85 Hàm Nghi (quận 1, TP.HCM); Dự án tổ hợp căn hộ cao cấp và condotel tại Trung tâm TP.Hạ Long (Quảng Ninh) mang tên The Sapphire Residence và Best Western Premium Sapphire Hạ Long với tổng diện tích 4,7 ha, tổng mức đầu tư lên tới 8.000 tỷ đồng; Khu đô thị Nam Vĩnh Yên có tổng diện tích 65,6 ha, tổng số vốn đầu tư 3.900 tỷ đồng; Dự án Khu Du lịch sinh thái Hồ Xạ Hương, Tam Đảo, Vĩnh Phúc gần 220 ha...

Ngoài ra, trước đây DOJI còn là chủ toà nhà văn phòng Opera View rộng 798 m2 tại 161 Đồng Khởi, thông qua sở hữu Công ty cổ phần xuất nhập khẩu hàng tiểu thủ Công nghiệp Sài Gòn (Artex Sài Gòn), tuy nhiên sau đó đã nhượng lại cho nhóm nhà đầu tư có nhiều liên hệ tới Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Bên cạnh đó, thông qua Chứng khoán Tiên Phong, DOJI từng chi 650 tỷ mua khu đất số 42-44 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM, rộng hơn 1.100 m2 để bổ sung vào danh mục bất động sản đồ sộ của mình. Tuy nhiên thương vụ sau đó đã bị hai bên huỷ bỏ.

Theo dữ liệu của PV, năm 2016, DOJILAND đạt doanh thu thuần chỉ khoảng 36 tỷ đồng, và lãi thuần là 270 triệu đồng. Tuy nhiên, năm 2019, DOJILAND đã phát triển vượt bậc với doanh thu thuần đạt trên 900 tỷ đồng và lãi thuần ở mức 41,5 tỷ đồng. Trong khi tổng tài sản cũng tăng mạnh từ 1901 tỷ đồng lên mức 3618 tỷ đồng.

Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của DOJI tới cuối tháng 6/2020 là 3.392 tỷ đồng, tổng tài sản 9.463 tỷ đồng, lãi sau thuế trong nửa đầu năm 2020 ở mức 45,5 tỷ đồng, tương đương tỷ suất lợi nhuận sau thuế/ vốn chủ sở hữu (ROE) chỉ ở mức 1,3%.

Giai đoạn 2016-2019, doanh thu của DOJI tăng nhanh, liên tục từ 47.389 tỷ đồng lên 88.920 tỷ đồng, lãi sau thuế cũng tăng từ 14,3 tỷ đồng lên 150,6 tỷ đồng.

Trong năm 2020, DOJI cũng mang toàn bộ 6.883.060 cổ phần/cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Tiên Phong để thế chấp tại VPBank.

Bạch Hiền - Người Đưa Tin Pháp Luật