Không chỉ có tuổi thọ cao, người Nhật ngay cả khi mắc ung thư cũng dễ sống thêm 5-10 năm, vì sao?

CTV
Ung thư vẫn được coi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Theo quy luật, tuổi càng cao, nguy cơ ung thư càng lớn. Vậy vì sao người Nhật sống thọ nhất thế giới lại ít chết vì ung thư? 

Tuổi thọ trung bình của Nhật Bản từ lâu đã đứng đầu thế giới. Theo thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, năm 2020 tuổi thọ bình quân ở nữ giới ở nước này là 87,74 tuổi và nam là 81,64 tuổi. Theo Japan-China Communication, cứ 4 người cao tuổi Nhật Bản thì có một người sống thọ hơn 90 tuổi.

Ngoài tuổi thọ cao, một chỉ số sức khỏe cũng rất ấn tượng ở người Nhật là tỷ lệ sống lâu sau khi được chẩn đoán ung thư. 

Một nghiên cứu do Trung tâm Ung thư Quốc gia Nhật Bản và một số tổ chức cùng thực hiện cho thấy tỷ lệ sống sót sau 10 năm của những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư từ năm 2005 đến năm 2008 là 58,9%, tăng so với giai đoạn trước đó. Tỷ lệ này cũng có xu hướng tăng lên cao nữa kể từ năm 2016, theo kết quả một nghiên cứu gần đây.

Cụ thể, người mắc ung thư tuyến tiền liệt có tỷ lệ sống sót cao nhất, 99,2%, tiếp theo là ung thư vú ở phụ nữ là 87,5%, ung thư đại trực tràng là 69,7% và ung thư dạ dày là 67,3%. Ung thư tuyến tụy có tỷ lệ sống sót thấp nhất, 6,6%.

Một cuộc khảo sát trên 71 quốc gia và khu vực được công bố vào đầu năm 2018 trên tạp chí y khoa The Lancet của Anh cũng cho thấy Nhật Bản cũng là nước có tỷ lệ sống sót sau 5 năm mắc ung thư cao nhất thế giới, nhất là đối với những người bị ung thư phổi và ung thư thực quản.

Kết quả này được rút ra sau khi Đại học London và một số tổ chức khác phân tích hồ sơ của khoảng 37,5 triệu bệnh nhân trên cơ sở dữ liệu ở mỗi quốc gia được chẩn đoán mắc bệnh ung thư trong 15 năm từ 2000 đến 2014.

Tiến sĩ - Bác sĩ Matsuoka Yoshinori, nhà sáng lập hệ thống y tế Emergency Medical Service tại Nhật Bản, đồng thời là chủ tịch hội đồng quản trị T-Matsuoka Medical Center (Việt Nam) cho biết, thực tế, yếu tố quan trọng nhất giúp người Nhật có thể sống lâu sau mắc ung thư là họ được chẩn đoán sớm. Việc này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng bởi thời điểm đó có thể áp dụng cách điều trị phù hợp và hiệu quả, cơ hội chữa khỏi hay sống lâu sau đó cao hơn rất nhiều. Với ung thư, nếu phát hiện muộn, thì dù hệ thống y tế có tốt tới đâu, cũng khó điều trị cho kết quả tốt.

Tiến sĩ - Bác sĩ Matsuoka Yoshinori được gọi là "siêu bác sĩ" tại Nhật Bản vì sở hữu tới 8 bằng chuyên khoa như Cấp cứu, Đột quỵ, Gây mê... Ảnh: BVCC.

Thực tế, tại Nhật, theo Nature, tỷ lệ sống thêm 10 năm theo từng giai đoạn mắc ung thư (với giai đoạn 1 là giai đoạn sớm nhất) cho thấy tầm quan trọng của việc phát hiện sớm và điều trị sớm. Ví dụ, tỷ lệ sống sót sau 10 năm của ung thư dạ dày giai đoạn 4 là 5,8%, trong khi ở giai đoạn 1, tỷ lệ này là 90,3%.

Bác sĩ Matsuoka Yoshinori cho biết, việc phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm là thành tựu từ cả chính sách của chính phủ cũng như ý thức quan tâm tới sức khỏe của người dân Nhật Bản. Thực tế, mỗi người dân Nhật từ sớm đã có ý thức bảo vệ sức khỏe bằng chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh. Họ cũng hiểu rõ tầm quan trọng của việc khám sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư để được phát hiện bệnh sớm và can thiệp kịp thời nên thực hiện rất nghiêm túc. Trong khi đó, chính phủ Nhật có những quy định cụ thể, khuyến cáo đặc biệt với người lớn tuổi cũng như hỗ trợ chi phí cho việc khám sức khỏe và sàng lọc ung thư. Các gói khám sức khỏe toàn diện có ở tất cả các phòng khám tại Nhật chứ không chỉ tại một vài cơ sở lớn. 

Theo bác sĩ Matsuoka Yoshinori, thực tế, hiện nay tỷ lệ ung thư ở Nhật khá cao. Đây là một thực trạng khó tránh khi tỷ lệ dân số già ngày càng lớn. Theo quy luật, tuổi càng cao, nguy cơ ung thư càng lớn. Quá trình lão hóa ở người lớn tuổi khiến sự phát triển và phân chia của tế bào dễ xảy ra sai sót, dẫn đến sự bất thường. Ngoài ra, sự thay đổi mô và các cơ quan bên trong cơ thể ở người già là môi trường thuận lợi cho tế bào ung thư phát triển. Cộng với hệ miễn dịch của người già suy yếu dần và giảm khả năng phục hồi để chống lại sự tấn công liên tục của vi trùng và vi khuẩn, ung thư cũng càng dễ phát sinh.

Trước thực trạng tỷ lệ ung thư cao đi liền với già hóa dân số, cách hiệu quả nhất giúp người dân kéo dài tuổi thọ và khả năng sống khỏe mạnh lâu là chăm sóc sức khỏe hằng ngày, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm và điều trị thích hợp.

Coi trọng lối sống để ngăn ngừa bệnh và khám sức khỏe định kỳ hàng năm là yếu tố giúp người Nhật sống thọ. (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Matsuoka Yoshinori cho rằng, hiện nay, dân số Việt Nam vẫn thuộc nhóm dân số trẻ, nhưng nếu không có sự chuẩn bị sẵn, khi số người tuổi cao ngày càng tăng, có thể gặp vấn đề tương tự như ở Nhật. Nếu người Việt vẫn duy trì thói quen ít khám định kỳ và tầm soát ung thư sớm, có thể đối mặt với nhiều nguy cơ và suy giảm chất lượng cuộc sống. 

Ngoài việc khám sức khỏe định kỳ, đây là các bí quyết giúp người Nhật có tuổi thọ cao, vượt bệnh tốt:

Chế độ ăn uống lành mạnh với lượng calo thấp và ít chất béo

Người Nhật thường ăn nhạt, và ít calo, ưu tiên các món hấp, luộc để giữ được hàm lượng dinh dưỡng lớn nhất từ thực phẩm, hạn chế các món nhiều dầu mỡ, gia vị. 

Người Nhật coi trọng bữa ăn gia đình với cách chế biến thực phẩm lành mạnh. (Ảnh minh họa)

Bữa ăn của người Nhật thường rất đa dạng thực phẩm, với món chính là cá và rau củ. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản khuyến khích việc ăn 30 loại thành phần thực phẩm mỗi ngày.

Khi ăn, người Nhật coi trọng việc thưởng thức hương vị tự nhiên của thực phẩm hơn là ăn cho no bụng. Họ thường chỉ nạp 80% độ chứa của dạ dày. Và để tăng số lượng loại thực phẩm cũng như kiểm soát khối lượng ăn vào, các gia đình Nhật thường có nhiều món trong một bữa nhưng mỗi món chỉ đựng trong bát đĩa nhỏ. Họ cũng thích tự nấu ăn để chủ động lên kế hoạch cho từng bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng với các nguyên liệu tốt cho sức khỏe. Học sinh, sinh viên và nhân viên văn phòng thường sử dụng các bữa trưa cân đối, do các chuyên gia dinh dưỡng tư vấn và thiết kế. 

Thói quen vận động hàng ngày

Người Nhật nói chung ít tập luyện thể dục thể thao nhưng họ lại thường đi bộ hoặc xe đạp, sử dụng phương tiện công cộng. Điều này giúp tỷ lệ béo phì ở Nhật rất thấp trong khi số người cao tuổi lại cao. 

Như vậy, có chế độ ăn ít calo, nguyên liệu tươi và đa dạng, ăn lượng vừa phải, vận động hằng ngày, có thói quen lắng nghe cơ thể, khám bệnh định kỳ để chữa ngay những vấn đề mới mắc phải… là những lý do giúp người Nhật sống thọ và khỏe mạnh lâu dài.