Câu chuyện của bà Zhang Lei, 70 tuổi từng là bác sĩ khoa giải phẫu bệnh của một bệnh viện ở Bắc Kinh (Trung Quốc) là một câu chuyện đáng được nhắc đến trong cuộc chiến chống ung thư. Với tinh thần không chịu thất bại, bà đã chiến thắng căn bệnh và thậm chí còn giành huy chương đồng trong cuộc thi bơi lội. Bác sĩ Zhang Lei luôn tâm niệm: "Cách duy nhất để sống là bơi về phía trước".
Nhìn lại hơn 20 năm chống chọi với căn bệnh ung thư, bác sĩ Zhang Lei cho biết chính căn bệnh quái ác đã khiến bà cảm nhận được sự tươi mới của cuộc sống và niềm hạnh phúc được sống sâu sắc hơn.
Mắc hai bệnh ung thư, tỷ lệ sống sau 3 năm chưa đến 1/3
Nhìn hình ảnh bác sĩ Zhang Lei hiện tại, thật khó để tưởng tượng rằng bà đã nhiều lần đối mặt với sự tuyệt vọng. Bà cụ lạc quan, vui vẻ này hết lần này đến lần khác chống chọi với bệnh tật, không những kiên cường sống sót mà còn sống ngày càng tốt hơn.
Năm 40 tuổi, bác sĩ Zhang Lei được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến giáp. Sau ca phẫu thuật, bà tưởng mình đã thoát nạn. Không ngờ chỉ trong 5 năm, căn bệnh ung thư buồng trứng đã tìm đến ngưỡng cửa. Theo miêu tả của bác sĩ Zhang Lei, tình trạng lúc đó rất nghiêm trọng, là ung thư biểu mô tế bào rõ ràng với mức độ ác tính cao, cơ hội sống sót rất thấp, bác sĩ nói với bà rằng tỷ lệ có thể sống 3 năm chỉ là 1/3.
Bác sĩ Zhang Lei 2 lần mắc ung thư, được dự đoán có tỷ lệ sống sót rất thấp.
Đối mặt với tỷ lệ sống sót thấp, bác sĩ Zhang Lei đã không bỏ cuộc. Tuy nhiên, ung thư buồng trứng không dễ đối phó, bà đã phải trải qua ba cuộc phẫu thuật cùng nhiều đợt hóa trị khiến toàn thân sưng lên. Một năm sau khi hóa trị, các chỉ số khối u của bà bất ngờ tăng trở lại, cơ thể ho dữ dội, tế bào ung thư di căn đến phổi. Lúc này, bác sĩ cũng khuyên bà nên từ bỏ và ngừng "hành hạ" cơ thể.
Từ chiến binh ung thư thành vận động viên bơi lội
"Tôi rất hạnh phúc khi được sống, tại sao tôi phải từ bỏ?" Ngay cả khi kế hoạch điều trị khoa học gần như không còn hy vong, bác sĩ Zhang Lei vẫn tin rằng con người sẽ chiến thắng số phận.
Biết rằng một bệnh nhân ung thư vú đã từng phục hồi cơ thể nhờ bơi lội, bà đã quyết định nắm lấy "cọng rơm cuối cùng" đó là bơi lội. Dù biết bơi từ nhỏ nhưng việc gắn bó với bộ môn này không dễ.
Ban đầu, bà chỉ bơi được quãng ngắn, dần dần bơi xa hơn từ 300m lên 500m rồi lên đến 1000m, sau nửa năm bà có thể bơi 2000 mét mỗi ngày. Việc bơi lội có lúc mệt mỏi đến mức khiến bác sĩ Zhang Lei từng do dự, nhưng bà đã tâm niệm rằng "con đường sống duy nhất là bơi về phía trước".
Bà đã chọn bơi lội là "cọng rơm cuối cùng" để chiến đấu với căn bệnh ung thư và nhờ đó sống thêm 25 năm nữa.
Sau bao nỗ lực, việc bơi lội dường như đã mang lại cho bác sĩ Zhang Lei một phép màu, thể chất của bà dần được cải thiện. Lúc này, bà bắt đầu không coi bơi lội chỉ để rèn luyện sức khỏe mà còn tham gia các cuộc thi để kiểm tra trình độ của bản thân. Trong cuộc thi bơi lội dành cho người cao tuổi toàn quốc, bà đã giành được hai huy chương đồng.
Lan truyền năng lượng tích cực, giúp bệnh nhân chiến thắng ung thư
Bơi lội, thi đấu và kết bạn đã mở ra một thế giới hoàn toàn mới cho bác sĩ Zhang Lei. Câu chuyện của bà nhanh chóng lan truyền trong cộng đồng ung thư, hơn chục bệnh nhân đến xin lời khuyên, bà không tiếc công sức giúp đỡ và truyền cảm hứng để các bệnh nhân kiên cường chiến đấu.
Với sự động viên của bác sĩ Zhang Lei, một số bệnh nhân ung thư đã kiên trì tập luyện và cơ thể họ hồi phục, phản hồi này cũng là một huy chương lớn cho bà.
Hai huy chương mà bác sĩ Zhang Lei nhận được khi tham gia bơi lội.
25 năm trước, bác sĩ nói với Zhang Lei rằng bà khó có thể sống thêm 3 năm nhưng kết quả là bà chẳng những sống thêm 25 năm nữa mà còn đã bơi tổng cộng 10.000km. Bác sĩ Zhang Lei không bao giờ phàn nàn về những gì đã xảy ra với mình, chính tất cả những bất hạnh đã khiến bà nhận ra sự tươi mới của cuộc sống và niềm hạnh phúc khi được sống.
Tập thể dục có thể chống ung thư không?
Một nghiên cứu chung của các nhóm từ Đan Mạch, Thụy Điển, Đức và Mỹ công bố trên tạp chí Cell trong những năm gần đây, thông qua các thí nghiệm so sánh trên mô hình chuột, người ta thấy rằng tỷ lệ mắc ung thư da, ung thư phổi và các loại ung thư khác ở chuột tập thể dục giảm đáng kể và khối lượng khối u cũng giảm so với nhóm không tập thể dục.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tập thể dục bền bỉ có thể kích thích tần số của tế bào NK và tế bào NK có thể ức chế hiệu quả sự phát triển của tế bào khối u.
Bệnh nhân ung thư có thể lựa chọn đi bộ, chạy bộ, đi bộ nhanh, thái cực quyền, bơi lội và các môn thể thao rèn luyện sức khỏe khác tùy theo thể trạng và sở thích của bản thân.
Các chuyên gia nhận thấy việc tập thể dục có thể giảm nguy cơ ung thư và giảm kích thước khối u ở chuột. (Ảnh minh họa)
Công cuộc chống ung thư nhờ tập thể dục cũng đã được nhiều chuyên gia trong ngành ung bướu công nhận.
Bác sĩ Tang Zhaoyou, thành viên của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc và là một chuyên gia nổi tiếng về khối u, đã đề xuất rằng việc chống ung thư phải đồng thời "bài trừ" và "chuyển hóa", cần phải chuyển hóa cơ thể và nâng cao sức đề kháng của cơ thể, đồng thời kiên trì phát huy sức mạnh cơ thể để đối phó với căn bệnh ung thư còn sót lại.
Ông cũng tin rằng bơi lội là một phương thuốc chống ung thư khả thi, bơi lội vừa phải có thể tăng tiết dopamin và dopamin có thể ức chế khối u một cách hiệu quả.
Nghiên cứu y học cũng đã khẳng định, bơi lội có thể đóng vai trò sinh lý đối với cơ thể con người và kích thích quá trình sản xuất interferon trong cơ thể, từ đó giúp ngăn ngừa ung thư và tái phát khối u.
Cần lưu ý rằng bệnh nhân ung thư không nên tham gia các hoạt động thể dục thể thao quá sức, phạm vi nhịp tim của cường độ luyện tập nên được khống chế ở mức 50% đến 70% nhịp tim tối đa và tần suất tập luyện nên duy trì ở mức 3 lần một tuần, tối đa 4 lần. Những người có thể chất cường tráng có thể kiên trì tập luyện hàng ngày.
Bơi lội có thể kích thích quá trình sản xuất interferon trong cơ thể, từ đó giúp ngăn ngừa ung thư và tái phát khối u. (Ảnh minh họa)
4 kiểu người này nên cẩn thận khi tập thể thao
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Ung thư Quốc tế cho thấy tập thể dục nhịp điệu cường độ vừa phải vài lần một tuần sẽ giải phóng nhiều phân tử chống ung thư hơn trong cơ thể. Nhưng đối với 4 loại người này, trước khi tập nên tiến hành đánh giá sức khỏe rồi mới bắt đầu bài tập phù hợp với mình.
1. Bệnh nhân ung thư
Những bệnh nhân ung thư đã trải qua xạ trị và hóa trị nên đảm bảo rằng tình trạng của họ ổn định, không có di chứng và không di căn, sau đó mới bắt đầu tập thể dục. Bệnh nhân ung thư có khả năng miễn dịch thấp nên tránh tập thể dục ở những nơi công cộng.
2. Bệnh nhân mắc các bệnh về xương khớp
Hoạt động vừa phải có thể làm giảm sự khó chịu của khớp, trong khi vận động quá mức có thể làm mòn khớp. Do đó, bệnh nhân mắc bệnh khớp nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn trước khi tập thể dục và xây dựng kế hoạch tập thể dục theo tình trạng cá nhân.
3. Bệnh nhân cao huyết áp
Người bị huyết áp cao cần chú ý nguyên tắc tập luyện từ từ, tăng dần tần suất và cường độ tập luyện để đạt được hiệu quả hạ huyết áp. Trong quá trình tập nếu xảy ra hiện tượng đau tức ngực, tức ngực, đánh trống ngực… cần dừng tập ngay.
4. Bệnh tiểu đường
Bệnh nhân tiểu đường có thể tập thể dục trong 20-40 phút một giờ sau bữa ăn, giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Không nên tập thể dục khi bụng đói vào buổi sáng vì dễ dẫn đến hạ đường huyết và các bệnh tim mạch, mạch máu não cấp tính.
Tập thể dục là “đơn thuốc” chống ung thư không thể thay thế. Đừng từ bỏ cuộc sống, hãy không ngừng rèn luyện, biết đâu sẽ mang đến cho bạn một phép màu.