Bác sĩ Bùi Văn Bình - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp 2 (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, thủng dạ dày là một cấp cứu ngoại khoa cấp tính, nếu không phát hiện, xử lý kịp thời sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Theo bác sĩ Bình, ai cũng có thể bị thủng dạ dày và do nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu thủng dạ dày cấp tính là do thói quen sinh hoạt.
Bác sĩ Bình vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân ở Hà Nội bị thủng dạ dày vào viện cấp cứu khi đã khá nặng. Bệnh nhân này có tiền sử bị viêm đau khớp nhiều năm, không sử dụng rượu bia. Tuy nhiên, trong 3 tháng trở lại đây bệnh nhân dùng thuốc giảm đau liên tục tại nhà.
Vài ngày trước, nam bệnh nhân đau bụng dữ dội vùng thượng vị nên đã vào bệnh viện tuyến huyện điều trị một ngày không đỡ, sau đó được chuyển tới BV Thanh Nhàn. Khi tới viện, bệnh nhân đã bị nhiễm trùng toàn thân, đau khắp bụng, được các bác sĩ chẩn đoán viêm phúc mạc do thủng dạ dày. Kíp trực cấp cứu đã hồi sức và phẫu thuật khâu lại lỗ thủng, lau rửa sạch ổ bụng và sử dụng kháng sinh điều trị tình trạng nhiễm trùng. Hiện người bệnh tỉnh táo, không đau, bụng không chướng, ăn uống sinh hoạt, đi lại bình thường, dự kiến sẽ được xuất viện trong thời gian tới.
Nam bệnh nhân bị thủng dạ dày đang được điều trị và theo dõi tại bệnh viện.
Theo bác sĩ Bình, có 2 nhóm nguyên nhân gây thủng dạ dày: viêm loét lành tính và ung thư. Trong đó, viêm loét lành tính thường do người bệnh bị stress kéo dài (căng thẳng thần kinh) dùng thuốc giảm đau chứa corticoid, lạm dụng rượu bia, ăn uống không khoa học…
Trong đó, việc người dân tự ý sử dụng các loại thuốc tây, thuốc nam có trộn corticoid là một trong số nguyên nhân gây đau và thủng dạ dày rất thường xuyên gặp, nhất là người đã có tiền sử bệnh lý dạ dày sẵn.
Một nguyên nhân khác cũng khiến nhiều người gặp vấn đề về dạ dày là ăn uống không khoa học, thiếu kiểm soát, nhất là hay ăn đồ cay nóng, đồ ăn nhanh, dùng nhiều rượu bia… “Thực tế, chúng tôi đã tiếp nhận một số học sinh cấp 2 bị thủng dạ dày vì thường xuyên dùng đồ ăn nhanh, thức khuya, cộng với áp lực học hành thi cử dẫn tới stress… Đây là vấn đề rất đáng cảnh báo trong xã hội hiện đại”, bác sĩ Bình cảnh báo.
Ngoài uống rượu bia, thói quen tự ý sử dụng thuốc, dùng đồ ăn nhanh và stress cũng là nguyên nhân gây viêm loét, thủng dạ dày.
Để tránh nguy cơ viêm loét, chảy máu và thủng dạ dày, bác sĩ Bình khuyến cáo mọi người cần có lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh, hạn chế rượu bia thuốc lá.
Trong đó, việc tránh stress cũng quan trọng bởi khi chúng ta luôn ở trong thái tâm lý căng thẳng, các hormone từ tuyến yên sẽ kích thích dạ dày tiết ra nhiều acid HCl hơn, đồng thời suy giảm miễn dịch tại chỗ (giảm dịch nhầy bảo vệ niêm mạc). Đây là điều kiện để acid HCl có trong dịch vị dễ dàng tiếp xúc và gây tổn thương niêm mạc dạ dày, hình thành các vùng viêm loét.
Ngoài ra, nhiều người dân Việt thường có thói quen tự "kê đơn thuốc" cho nhau, uống thuốc theo lời mách sẽ rất nguy hiểm. Việc uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày tá tràng, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ khuyến cáo người mắc bệnh lý dạ dày, tá tràng phải khám định kỳ, điều trị kịp thời, nếu không sẽ dẫn đến nguy cơ bị viêm phúc mạc toàn thể dẫn đến sốc nhiễm trùng, tử vong.