Có vai trò tiếp sức để nâng khống?
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Văn phòng luật sư Kết nối, đoàn luật sư TP.Hà Nội) phân tích từ câu chuyện Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros - FLC Faros có thể nâng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng (từ năm 2014-2016) đã cho thấy rất nhiều vấn đề đáng nói, từ vai trò giúp sức, đồng phạm đến lỗ hổng trong công tác quản lý vốn doanh nghiệp hiện nay.
Trước hết, thời điểm xảy ra vụ việc trên từ năm 2014 -2016 nên sẽ áp dụng Nghị định số 58/2012/NĐ-CP và Luật chứng khoán 2006 sửa đổi năm 2010. Theo đó, để trở thành công ty đại chúng và phát hành cổ phiếu phải có 2 điều kiện là: Báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán bởi một công ty kiểm toán độc lập; Ngày trở thành công ty đại chúng được tính từ ngày hoàn thành việc góp vốn đầy đủ và số cổ đông được ghi nhận từ 100 nhà đầu tư trở lên.
Như vậy, Báo cáo tài chính có kiểm toán là tài liệu rất quan trọng để doanh nghiệp đủ điều kiện trở thành công ty đại chúng và lên sàn chứng khoán. Nhà đầu tư sẽ căn cứ tài liệu này và tình hình thực hiện các dự án, kế hoạch kinh doanh để đánh giá về năng lực tài chính, khả năng phát triển của công ty.
Để làm được Báo cáo tài chính có kiểm toán sẽ có vai trò rất lớn của Kế toán trưởng, bộ phận kế toán FLC Faros và Kiểm toán - Công ty kiểm toán độc lập. Vậy câu hỏi rất lớn trong trường hợp này đó là vai trò của các bên Kế toán trưởng và Công ty kiểm toán sẽ như thế nào? Có hay không việc "giúp sức" để FLC Faros có thể "nâng khống" được số vốn lớn như vậy?
Lưu ý rằng, số tiền 4.300 tỷ đồng ở thời điểm 2014 - 2016 là con số rất lớn đối với doanh nghiệp lúc bây giờ. Để hợp thức hóa được hồ sơ, tài liệu, lập khống tài liệu để "ghi nhận" FLC Faros có số tiền trên là điều cực kỳ khó. Chính tỏ rằng, các đối tượng đã phải dùng rất nhiều thủ đoạn tinh vi, gian dối mới có thể làm được.
Trong khi đó Cơ quan điều tra - Bộ công an đang quy kết về thủ đoạn nâng khống vốn từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ của FLC Faros, tức là tập trung vào các thủ đoạn, hành vi liên quan trực tiếp các tài liệu lập khống, khiến cho nhà đầu tư, cơ quan nhà nước "tin tưởng" rằng FLC Faros đang có 4.300 tỷ đồng (tức đã góp đủ vốn).
Nếu như công ty Kiểm toán thực sự làm đúng trách nhiệm, công tâm, tuân thủ pháp luật thì liệu FLC Faros có thể lập khống được hồ sơ làm giả số tiền đã nộp 4.300 tỷ hay không?
Theo quy định của Luật kiểm toán độc lập năm 2011: “Hoạt động kiểm toán độc lập nhằm góp phần công khai, minh bạch thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị được kiểm toán và doanh nghiệp, tổ chức khác; làm lành mạnh môi trường đầu tư; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng; phát hiện và ngăn chặn vi phạm pháp luật…
Điều 13 Luật Kiểm toán độc lập năm 2011 quy định các điều cấm: Thông đồng, móc nối với đơn vị được kiểm toán để làm sai lệch tài liệu kế toán, báo cáo tài chính, hồ sơ kiểm toán và báo cáo sai lệch kết quả kiểm toán; Giả mạo, khai man hồ sơ kiểm toán;...
Hiện tại, hồ sơ đang trong quá trình điều tra, chắc chắn sẽ biết được rõ những đối tượng có vai trò "giúp sức" trong vụ án này là ai? Họ sẽ phải gánh chịu vai trò "đồng phạm" với các bị can đã bị khởi tố.
Lỗ hổng về quản lý vốn doanh nghiệp
Cũng theo phân tích luật sư Hùng, việc FLC Faros có thể tăng vốn điều lệ gấp 2.867 lần trong thời gian rất ngắn, chúng ta mới thấy tình trạng chung về Doanh nghiệp Việt Nam liên quan đến việc góp vốn thành lập, hoạt động doanh nghiệp.
Vấn đề lâu nay chúng ta hay tranh cãi đó là vốn thật với vốn đăng ký và vốn kinh doanh của doanh nghiệp. Rất nhiều câu hỏi đặt ra là: Đâu vốn thật của Doanh nghiệp? Hay đây là lỗ hổng của Luật về vấn đề vốn điều lệ?
Thực tế Luật Doanh nghiệp quy định vốn điều lệ các bên có trách nhiệm góp đủ trong vòng 90 ngày, kể từ thời điểm thành lập công ty hoặc tăng vốn điều lệ. Nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều không góp vốn đủ như cam kết, và để vốn ảo rất nhiều.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp coi vốn điều lệ như tài sản riêng cá nhân, tự ý rút ra sử dụng không đúng mục đích. Đây cũng là vấn đề khiến cho nhiều doanh nghiệp bị thất thoát, mất vốn.
Nhiều doanh nghiệp sử dụng vốn vay, không đóng vốn điều lệ, sau đó kinh doanh thua lỗ và tuyên bố phá sản, giải thể, không trả được nợ…Về nguyên tắc, trong trường hợp này nếu có hành vi chiếm dụng vốn điều lệ, sử dụng sai mục đích vốn điều lệ của các cổ đông/thành viên công ty thì hoàn toàn có thể khởi tố hình sự về hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" như thế mới đảm bảo việc hoạt động bình thường của doanh nghiệp, đảm bảo các nghĩa vụ thanh toán của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, dù luật Doanh Nghiệp có quy định việc góp vốn qua hình thức chuyển khoản, nhưng nhiều chủ doanh nghiệp lại lợi dụng việc quản lý vốn sau khi đóng góp (chủ yếu chuyển sang quỹ "tiền mặt") để chuyển vốn và rút ra nhiều lần (hay gọi là "chạy dòng tiền") để cho đủ số tiền góp vốn điều lệ. Thực tế trong tài khoản ngân hàng không hề có đủ tiền như cam kết vốn điều lệ để hoạt động doanh nghiệp. Đây là "chiêu trò" mà rất nhiều doanh nghiệp hay làm.
Hay Luật kế toán có nhiều quy định bắt buộc các giao dịch từ 20 triệu trở lên phải qua hình thức "chuyển khoản" vậy thì việc rút tiền mặt lớn và không kiểm soát lượng tiền mặt và tình trạng sử dụng sai mục đích tiền mặt nhiều như thế có phải tình trạng báo động của Doanh nghiệp Việt Nam hay không? Có dấu hiệu của việc trốn doanh thu, trốn thuế hay không? Tại sao chúng ta lại không quy định hạn mức tối đa quỹ tiền mặt của công ty? Bắt buộc phải để lại tiền "vốn điều lệ" công ty, hạn chế tối đa tình trạng sử dụng sai mục đích vốn điều lệ, hạn chế tình trạng góp vốn ảo?
“Mặc dù thực tiễn, quy định pháp luật về vốn góp còn nhiều bất cập. Tuy nhiên, nếu các đơn vị Kiểm toán độc lập còn tiếp tay, còn bỏ sót hồ sơ, còn thiếu trách nhiệm thì tình trạng khai khống vốn ảo, sử dụng sai mục đích và khai khống hồ sơ công ty để đưa lên sàn chứng khoán sẽ còn diễn ra phức tạp, khó lường, gây hệ lụy rất lớn cho Nhà nước và các nhà đầu tư”, vị luật sư nhấn mạnh.
Đặng Thủy