Khuyến nghị của WHO về thuốc điều trị Covid-19

WHO khuyến nghị sử dụng thuốc kháng virus Paxlovid ngừa Covid-19 của Pfizer, tuy nhiên tổ chức này kêu gọi cần phân phối rộng rãi hơn và minh bạch hơn về giá.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo tại Geneva rằng họ đã đặc biệt khuyến cáo sử dụng nirmatrelvir và ritonavir, được bán dưới tên Paxlovid, cho những bệnh nhân mắc Covid-19 mức độ nhẹ và trung bình nhưng có nguy cơ nhập viện cao nhất.

Phát biểu trên tạp chí y khoa BMJ, các chuyên gia của WHO cho biết, thuốc Paxlovid của hãng dược Mỹ Pfizer là "sự lựa chọn tốt hơn" trong điều trị những người chưa tiêm vắc-xin, người già hay người không có khả năng miễn dịch với Covid-19.

WHO cũng khuyến nghị sử dụng có điều kiện thuốc kháng virus Remdesivir do hãng công nghệ sinh học Gilead của Mỹ sản xuất cho các bệnh nhân thuộc nhóm này.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia của WHO, thuốc Paxlovid ngăn ngừa nguy cơ nhập viện tốt hơn so với các loại thuốc có sẵn hiện nay, gây ít lo ngại so với thuốc Molnupiravir và dễ sử dụng hơn so với thuốc Remdesivir truyền vào tĩnh mạch và các kháng thể đơn dòng.

WHO đưa ra khuyến nghị trên dựa trên kết quả 2 cuộc thử nghiệm mới đây với sự tham gia của gần 3.100 bệnh nhân. Kết quả, thuốc viên dạng uống Paxlovid làm giảm nguy cơ nhập viện tới 85%. Kết quả thử nghiệm cũng cho thấy không có sự khác biệt lớn về số ca tử vong, trong khi có ít hoặc không có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng dẫn tới phải đình chỉ sử dụng thuốc.

Song WHO lưu ý, liệu pháp điều trị Covid-19 thành công cao phải được cung cấp cho nhiều người hơn, đồng thời kêu gọi phân phối rộng rãi hơn và minh bạch hơn về giá cả.

“Tình trạng sẵn có, thiếu minh bạch về giá trong các thỏa thuận song phương do nhà sản xuất thực hiện và yêu cầu kiểm tra nhanh chóng, chính xác trước khi sử dụng đang biến loại thuốc này trở thành một thách thức lớn đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình”, WHO cho biết.

Một trở ngại đối với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình là thuốc chỉ có thể được sử dụng khi bệnh ở giai đoạn đầu, nên việc xét nghiệm nhanh chóng và chính xác là điều cần thiết để có kết quả thành công.

Theo WHO: “Cải thiện khả năng tiếp cận với xét nghiệm và chẩn đoán sớm trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu sẽ là chìa khóa cho việc triển khai phương pháp điều trị này trên toàn cầu”.

Cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc lo ngại rằng khi tiếp cận, các nước nghèo hơn “sẽ lại bị đẩy xuống cuối hàng”, như đã xảy ra với vắc-xin phòng Covid-19.

Bên cạnh đó, sự thiếu minh bạch từ phía đơn vị sản xuất đang khiến các tổ chức y tế công khó có được cái nhìn chính xác về tình trạng sẵn có của thuốc cũng như những quốc gia nào tham gia vào các giao dịch song phương và những gì họ đang thanh toán.

Ngoài ra, thỏa thuận cấp phép giữa Pfizer và Tổ chức Bằng sáng chế Thuốc (MPP) do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn giới hạn số quốc gia có thể hưởng lợi từ việc sản xuất thuốc chung.

Paxlovid sẽ được đưa vào danh sách sơ tuyển của WHO trong ngày 22/4, nhưng các sản phẩm chung vẫn chưa có sẵn từ các nguồn đảm bảo chất lượng.

Sơ tuyển nghĩa là WHO đã đánh giá một loại thuốc và nó đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, do đó đủ điều kiện để mua sắm bởi các cơ quan y tế quốc gia.

Một số công ty, trong đó có nhiều công ty thuộc phạm vi điều chỉnh của thỏa thuận cấp phép, đang thảo luận với Cơ quan sơ tuyển của WHO nhưng có thể mất một thời gian để tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế để họ có thể cung cấp thuốc ra quốc tế.

WHO đã khuyến nghị Pfizer minh bạch hơn về giá cả và giao dịch. Hãng dược phẩm này cũng được khuyến khích mở rộng phạm vi địa lý của thỏa thuận cấp phép để nhiều nhà sản xuất thuốc generic (thuốc tương tự biệt dược gốc) có thể sản xuất thuốc và cung cấp thuốc nhanh hơn với giá cả phải chăng.