Các nhà khoa học đã báo cáo trường hợp một người phụ nữ 31 tuổi ở Tây Ban Nha mắc COVID-19 hai lần trong vòng 20 ngày. Đây được coi là khoảng thời gian tái nhiễm ngắn nhất từ trước đến nay được báo cáo ở bệnh nhân COVID-19, The Guardian đưa tin.
Các nhà nghiên cứu ở Tây Ban Nha đã cung cấp thông tin chi tiết về bệnh nhân là nhân viên chăm sóc sức khỏe, được phát hiện mắc COVID-19 vài ngày trước Giáng sinh vào tháng 12/2021 và tái nhiễm vào tháng 1/2022. Trường hợp này là bằng chứng thêm cho thấy biến thể Omicron có thể tránh được khả năng miễn dịch.
Người phụ nữ 31 tuổi đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ và được tiêm nhắc lại 12 ngày trước đó. Cô nhận kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 qua xét nghiệm sàng lọc PCR tại nơi làm việc vào ngày 20/12. Cô không có bất kỳ triệu chứng nào và đã tự cách ly trong vòng 10 ngày trước khi quay trở lại làm việc.
Vào ngày 10/1, chỉ 20 ngày sau khi mắc COVID-19, cô có biểu hiện ho, sốt, cảm thấy không khỏe. Cô làm xét nghiệm PCR và phát hiện mình đã tái nhiễm COVID-19.
Theo The Guardian, kết quả giải trình tự gen cho thấy bệnh nhân đã nhiễm 2 biến thể COVID-19 khác nhau. Lần đầu tiên cô nhiễm biến thể Delta và lần thứ hai là Omicron - loại biến thể được biết đến là có khả năng lây nhiễm cao hơn.
Các nghiên cứu trước đó cũng cho thấy khả năng "thoát miễn dịch" và lây lan vượt trội của Omicron so với Delta. Bệnh nhân từng nhiễm Delta có nguy cơ tái nhiễm Omicron thấp hơn trong những tháng đầu sau khi bệnh, tuy nhiên vẫn có một tỉ lệ nhỏ tái nhiễm sớm.
Tiến sĩ Gemma Recio thuộc Viện Català de Salut (Tarragona, Tây Ban Nha) cho biết: “Trường hợp này làm nổi bật tiềm năng của biến thể Omicron trong việc tránh khỏi khả năng miễn dịch trước đó có được từ nhiễm trùng tự nhiên với các biến thể khác hoặc từ vaccine".
"Người từng nhiễm COVID-19 không thể cho rằng họ sẽ không tái nhiễm ngay cả khi được tiêm phòng đầy đủ. Tuy nhiên, cả việc từng nhiễm các biến chủng khác và việc tiêm chủng trước đây đều giúp bảo vệ một phần chống lại bệnh nặng và nhập viện ở những người nhiễm Omicron", đài CNBC dẫn lời tiến sĩ Gemma Recio.
Trước đó, một trường hợp tái nhiễm COVID-19 được ghi nhận ở Anh nhưng khoảng thời gian giữa 2 lần nhiễm là 90 ngày. Các số liệu chính thức cho thấy gần 900.000 người đan ở Anh có khả năng tái nhiễm COVID-19 tính đến đầu tháng 4.
Tuy nhiên, con số này không chính xác vì chỉ giải trình tự toàn bộ bộ gen mới có thể xác định được liệu nhiễm virus có phải do các biến thể khác nhau gây ra hay không và không phải tất cả các trường hợp bệnh nhân đều được báo cáo.
Paul Hunter, giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia, cho biết: “Trường hợp này không có gì đặc biệt và đáng ngạc nhiên, mặc dù khoảng thời gian giữa hai lần nhiễm là rất ngắn. Biến thể Omicron với các đột biến của nó đã làm cho khả năng tái nhiễm cao hơn".
Hiện tại, Omicron đang chiếm phần lớn các ca bệnh, có thể việc nhiễm biến thể Omicron trước đó sẽ khiến cho việc tái nhiễm ít có khả năng xảy ra hơn. Trước đây, các nhà khoa học đã dự đoán rằng khi COVID-19 chuyển sang giai đoạn trở thành bệnh "lưu hành", các đợt tái nhiễm có khả năng diễn ra trong khoảng từ 3 tháng đến 5 năm.
Giáo sư Hunter cho biết: "Chúng ta cần chuẩn bị cho những đợt lây nhiễm tiếp theo, đặc biệt là vào mùa đông, ngay cả khi không xuất hiện các biến thể mới. May mắn thay, khả năng miễn dịch đối người mắc bệnh nặng mạnh hơn với bệnh nhân thông thường. Vì vậy, mặc dù tình trạng tái nhiễm sẽ tiếp tục diễn ra trong nhiều năm nhưng theo thời gian, chúng ta sẽ thấy ngày càng ít các ca bệnh nặng và tử vong".