Kiểm soát chặt, xử lý nghiêm những người vi phạm quy định phòng, chống COVID-19

Dịch COVID-19 trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp. Nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại ở nước ta là rất lớn. Người dân ở một số nơi vẫn có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch bệnh.

Ngày 2/12/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện khẩn số 1699/CĐ-TTg về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch COVID-19. Tiếp đó, các bộ, ngành cũng ban hành các văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc tuyệt đối không lơ là, chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh, tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Một số địa phương yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài, chẳng hạn TP Hồ Chí Minh có quy định bắt buộc người dân đeo khẩu trang, có biện pháp xử phạt trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh số đông người dân đã thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, vẫn còn không ít người dân thờ ơ với việc phòng, chống dịch. Dịp lễ Giáng sinh và kỳ nghỉ Tết dương lịch, nhiều tụ điểm vui chơi, mua sắm tập trung rất đông người, nhưng hầu hết mọi người không quan tâm giữ khoảng cách an toàn theo quy định. Tại các công viên, vườn hoa, nhiều người không đeo khẩu trang và vẫn vô tư tụ họp, trò chuyện.

Nhiều người dân không đeo khẩu trang khi tham quan tại khu vực Nhà thờ Lớn, Hà Nội

Thực tế thời gian qua đã xuất hiện những “lỗ hổng” tại các khu cách ly, chẳng hạn để người được cách ly tiếp xúc với đối tượng khác nhưng không tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Trước đó, tại Hà Nội, hai nhân viên Khách sạn Mường Thanh Grand Centre (quận Hoàn Kiếm) đã trở thành F1 do chủ quan, không tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch khi tiếp xúc gần với người đang cách ly là BN 1203. Sau sự việc này, TP Hà Nội đã yêu cầu những người phục vụ trong khu cách ly khi tiếp xúc với người nhập cảnh, dù không bị nhiễm COVID-19, vẫn phải bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là phải mặc đồ bảo hộ khi cần tiếp xúc. Theo kết quả giám sát, kiểm tra của ngành chức năng, thời gian qua có thực tế đối tượng nhập cảnh hợp pháp, trong đó có chuyên gia, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài, người Việt Nam từ vùng dịch chưa được quản lý chặt chẽ sau thời gian 14 ngày cách ly tập trung, trong khi thực tế có người phát bệnh ở ngày thứ 20 sau khi nhập cảnh, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Gần đây lực lượng chức năng các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Lạng Sơn, An Giang cũng đã phát hiện một số người nhập cảnh trái phép vào nước ta. Cụ thể, ngày 10-12, tại khu vực trạm thu phí cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn phát hiện một chiếc ta-xi chở bốn người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Cũng trong ngày 10/12, Công an tỉnh An Giang phát hiện, bắt giữ hai đối tượng tổ chức đưa sáu người nhập cảnh trái phép. Tiếp đó, ngày21/12, Công an TP Đà Nẵng đã phát hiện một ô-tô chạy trên quốc lộ 1A, đoạn qua hầm Hải Vân, chở sáu người Trung Quốc nhập cảnh trái phép.

Việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các cơ sở cách ly, người nhập cảnh cách ly, nhất là tại các cơ sở có thu phí, việc tuân thủ nghiêm các quy trình, quy định cách ly và giám sát y tế đối với người nhập cảnh sau khi hoàn thành cách ly tập trung là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó cần tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời các trường hợp nhập cảnh trái phép, đề nghị xử lý nghiêm và yêu cầu thực hiện cách ly theo quy định.

Hiện nay, miền bắc nước ta đang là mùa đông. Theo cảnh báo của các chuyên gia y tế, mùa đông xuân với đặc điểm thời tiết lạnh ẩm là môi trường thuận lợi cho vi-rút phát triển, gây bệnh. Tất cả người dân, cơ quan, tổ chức phải nêu cao tinh thần không lơ là, không chủ quan, không mất cảnh giác với COVID-19. Cục trưởng cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn cho rằng, những đô thị lớn, mật độ dân cư đông, người qua lại nhiều cần áp dụng biện pháp buộc người dân phải đeo khẩu trang và xử phạt nếu vi phạm. Kiểm soát chặt chẽ nguồn lây bệnh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm trong phòng dịch COVID-19 là biện pháp quan trọng trong tình hình hiện nay.

Đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc-xin tiêm chủng trong cộng đồng, cho nên biện pháp quan trọng phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 vẫn là đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, vệ sinh môi trường, giữ khoảng cách, tránh tụ tập đông người.

TS, BS Nguyễn Văn Thịnh - Bệnh viện Bưu điện

Theo điểm a khoản 1 điều 12 Nghị định 117, từ ngày 15/11/2020, hành vi không đeo khẩu trang ở nơi công cộng bị xử phạt từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng, mức phạt tăng gấp 10 lần so với quy định trước đây. 

Luật sư Thu Hoài - Đoàn Luật sư Hà Nội