Làm rõ những nút thắt gây đình trệ thúc đẩy kinh tế - xã hội

Những tồn tại, yếu kém từ nội tại nền kinh tế ngày càng bộc lộ rõ, nhất là liên quan đến thị trường BĐS, trái phiếu doanh nghiệp, khả năng chống chịu còn hạn chế.

Sáng 9/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Thừa uỷ quyền Thủ tướng báo cáo tóm tắt nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khái quát, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng năm 2023 đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Điều hành chính sách tiền tệ sẽ khó khăn hơn

Chính phủ đã đánh giá chi tiết tình hình triển khai thực hiện, từ đó rút ra 9 nhóm kết quả đạt được, 4 nhóm hạn chế, khó khăn chủ yếu trong 4 tháng đầu năm, phân tích nguyên nhân, bối cảnh và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm.

Phần kết quả, nội dung đầu tiên được Bộ trưởng đề cập là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý.

Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, chủ động điều hành chính sách tiền tệ hỗ trợ giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định tỉ giá phù hợp với diễn biến thị trường; bảo đảm an toàn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Các cân đối lớn cơ bản được đảm bảo; giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh. Tiếp tục nghiên cứu, xác định phương án điều chỉnh giá điện phù hợp để hạn chế tối đa tác động cộng hưởng của việc điều chỉnh giá điện đến lạm phát, chi phí sản xuất, sinh hoạt của người dân, đồng thời bảo đảm nguồn lực đầu tư các dự án nguồn điện, lưới điện cho doanh nghiệp trong nước. Bảo đảm nguồn cung xăng dầu, điện, giữ vững an ninh năng lượng, an ninh lương thực trong nước.

Kinh tế vĩ mô - Làm rõ những nút thắt gây đình trệ thúc đẩy kinh tế - xã hội

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khái quát tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng 2023 tại phiên họp (Ảnh: Media Quochoi).

Về khó khăn, hạn chế, Chính phủ nhìn nhận hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI… vẫn còn gặp khó khăn.

Tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế tiếp tục khó khăn. Mặt bằng lãi suất cho vay dù đã giảm 0,41 điểm % so với cuối năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao, bình quân là 9,56%/năm.

Theo Chính phủ, áp lực điều hành kinh tế vĩ mô gia tăng. Tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra; sản xuất, kinh doanh, đầu tư gặp nhiều khó khăn, xuất nhập khẩu giảm… khả năng sẽ tác động đến thu ngân sách Nhà nước ngay trong quý II và cả năm.

“Điều hành chính sách tiền tệ có thể khó khăn hơn, nhất là trong bối cảnh chính sách tiền tệ của Mỹ, EU sẽ phức tạp, khó dự báo hơn. Xuất nhập khẩu, thu hút FDI gặp nhiều thách thức khi hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn suy yếu, dòng vốn FDI toàn cầu thu hẹp, áp lực cạnh tranh gia tăng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.

Khó khăn tiếp theo được Chính phủ nhìn nhận là điều hành giá chịu áp lực lớn hơn trước nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong mùa nắng nóng sắp tới, cùng với việc dự kiến điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế và các mặt hàng do Nhà nước kiểm soát giá, điều chỉnh chính sách tiền lương có thể tạo áp lực lên đến lạm phát.

Loạt nút thắt cần tháo gỡ

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, tăng trưởng GDP quý I/2023 rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch Covid-19 và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước, các trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước đã có mức sụt giảm hoặc tăng không đáng kể cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là vô cùng khó khăn.

Kinh tế vĩ mô - Làm rõ những nút thắt gây đình trệ thúc đẩy kinh tế - xã hội (Hình 2).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra (Ảnh: Media Quochoi).

Trong bối cảnh nền kinh tế, doanh nghiệp khó khăn, số liệu về lao động, việc làm lại có những cải thiện với tỉ lệ thất nghiệp, tỉ lệ thiếu việc làm giảm, thu nhập tăng, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện hơn tình hình lao động, việc làm trong quý I/2023 và làm rõ nhận định tình hình lao động, việc làm có mâu thuẫn với số liệu về tình hình kinh tế, sản xuất công nghiệp, hoạt động doanh nghiệp hay không?

Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, bên cạnh những khó khăn từ môi trường kinh tế thế giới và trong nước, doanh nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến công tác quản lý Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tình trạng ùn tắc đăng kiểm phương tiện giao thông, thị trường xăng dầu đôi lúc còn điều hành, phối kết hợp chưa kịp thời, dẫn đến thiếu cục bộ, việc tăng giá điện gần đây cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho đời sống người dân và hoạt động doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân vẫn ở mức cao và tín dụng tăng trưởng thấp, cho thấy những khó khăn trong khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Những khó khăn, thách thức mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt đến từ cả yếu tố bên ngoài và bên trong, có nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Ở trong nước, những tồn tại, yếu kém từ nội tại nền kinh tế ngày càng bộc lộ rõ ràng, nhất là liên quan đến thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; khả năng chống chịu, thích ứng với các tác động bên ngoài còn hạn chế...

“Đây chính là những nút thắt gây đình trệ các hoạt động kinh tế - xã hội”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh và đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ, nhất là nguyên nhân, trách nhiệm để có giải pháp phù hợp.