Ngoài bố mẹ, ông bà là người rất thương cháu nên cũng dễ hiểu khi ngày nay, nhiều cặp bố mẹ trẻ thường xảy ra bất đồng với ông bà, nhất là khi họ sống chung một nhà.
Mặc dù ở đời chồng đầu tiên, tôi không sống chung với mẹ chồng nên không phải rơi vào hoàn cảnh khó xử này. Tuy nhiên, điều đó cuối cùng cũng xảy ra, chỉ sau vài ngày tôi đưa con trai về quê chồng mới nghỉ hè lần đầu tiên.
Sự thật là dù không máu mủ ruột rà, và đứa trẻ là con riêng của tôi, nhưng tôi vô cùng cảm động, biết ơn vì bố mẹ chồng đón tiếp 2 mẹ con bằng cả tấm lòng và tình yêu thương. Thấy cháu trai lém lỉnh, đáng yêu nên ông bà nội thích lắm. Vả lại, đứa trẻ cũng được xem là cháu trai đầu tiên, vì chồng mới của tôi là con trai duy nhất trong nhà.
Ảnh minh hoạ
Gia đình bố mẹ chồng tôi không phải thuộc dạng giàu có, chỉ là một gia đình bình thường. Thế nhưng những ngày đầu đón mẹ con tôi, mẹ chồng liên tiếp chuẩn bị những bữa ăn rất thịnh soạn, toàn tôm hùm, cua ghẹ, thịt bò thượng hạng... Con trai tôi thích mê, nhưng thú thật từ khi thằng bé được sinh ra đến nay, tôi chưa bao giờ chiều con như thế. Không phải tôi tiếc tiền, mà tôi muốn con không hình thành thói quen “kén cá chọn canh”, nhất là với đồ ăn, đó là một tính xấu và nó cần được uốn nắn ngay từ nhỏ.
Quả thực, điều tôi lo lắng không bao giờ là dư thừa, những ngày đầu liên tiếp được bà đãi “cao lương mỹ vị”, rồi bất ngờ một hôm vì sợ cháu ngấy nên mẹ chồng tôi có đổi lại những món ăn bình thường hơn. Thế là, con trai tôi “mặt nặng mày nhẹ”, tỏ thái độ mè nheo, đòi hỏi ngay trong bữa ăn.
Trong khi tôi rất khó chịu, bình tĩnh khuyên dạy con thì mẹ chồng lại dỗ dành, thuận theo đòi hỏi của cháu trai, và ngay trong những bữa ăn sau đó, bà vẫn tiếp tục nấu những món ăn cực kỳ tốn kém. Tôi đã ra sức khuyên ngăn mẹ chồng, nhưng bà vẫn bỏ ngoài tai, thậm chí còn có ý trách ngược lại tôi khiến tôi vừa buồn vừa tức.
Ảnh minh hoạ
Vì không tìm được tiếng nói chung trong quan điểm nuôi dạy con, tôi đã quyết định đưa thằng bé về lại thành phố. Tôi nghĩ làm như vậy là cách phù hợp nhất trong hoàn cảnh này, bởi nó sẽ tốt cho cả con trai tôi và bố mẹ chồng. Tôi rất cảm kích và trân trọng tình cảm bố mẹ chồng dành cho 2 mẹ con tôi, nhưng nếu cứ để tình hình thế này, bà nội cưng chiều cháu vô tội vạ, quá mức sẽ dễ khiến đứa trẻ hư, về sau rất khó để mẹ dạy bảo.
Nếu phụ huynh nào cũng từng trong hoàn cảnh như vậy, tôi nghĩ mọi người sẽ hiểu được…
Tâm sự của độc giả hathuong…@gmail.com
Việc ông bà cưng chiều con cháu là một vấn đề phổ biến trong nhiều gia đình. Tuy nhiên, khi sự nuông chiều này trở nên quá mức, nó có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ.
Một trong những vấn đề lớn nhất là sự thiếu nhất quán trong cách nuôi dạy. Khi ông bà áp dụng những phương pháp khác biệt so với bố mẹ, trẻ em dễ rơi vào tình trạng bối rối và không biết nên nghe theo ai. Điều này có thể dẫn đến việc trẻ thiếu kỷ luật, không nhận thức được ranh giới giữa đúng và sai. Trẻ sẽ học được rằng chỉ cần thể hiện sự đáng yêu hoặc khóc lóc là có thể được thỏa mãn ngay lập tức, từ đó hình thành thói quen đòi hỏi mà không biết đến sự kiên nhẫn hay giá trị của nỗ lực.
Ngoài ra, sự cưng chiều quá mức từ ông bà có thể khiến trẻ trở nên phụ thuộc và thiếu tự tin. Khi mọi thứ đều được đáp ứng một cách dễ dàng, trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc đối mặt với thử thách và thất bại. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển các kỹ năng sống cần thiết, từ giải quyết vấn đề đến giao tiếp xã hội.
Hơn nữa, sự mâu thuẫn trong cách nuôi dạy giữa ông bà và bố mẹ có thể tạo ra căng thẳng trong gia đình. Các bậc phụ huynh có thể cảm thấy bị thách thức và không được tôn trọng khi sự dạy dỗ của họ không được hỗ trợ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa bố mẹ và ông bà, mà còn có thể tạo ra một môi trường không ổn định cho trẻ.
Để tránh những tác hại này, việc thiết lập một phương pháp nuôi dạy nhất quán giữa ông bà và bố mẹ là rất quan trọng. Sự hợp tác và giao tiếp mở giữa các thế hệ không chỉ giúp tạo ra một môi trường nuôi dưỡng tốt cho trẻ mà còn củng cố tình cảm gia đình, tạo nên một nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của trẻ.