Sở dĩ lan phi điệp đột biến (lan var) có giá “khủng” và liên tục được săn lùng là bởi vẻ đẹp rất đặc sắc, độc đáo, hiếm có. Mặt hoa và màu sắc hài hòa, thanh tao. Mắt gọn, mũi trắng, họng trắng trong, phân thùy rõ nét, cánh bồng vai ngang… đã làm cho giới sành chơi hoa mê đắm. Hàng tấn lan rừng may chăng mới có được một cây đột biến gen, vì thế, lan đột biến từ lâu đã trở thành niềm ao ước của nhiều người.
Nhiều ý kiến nhận xét, chất lượng mặt lan phi điệp đột biến cấy mô từ Đài Loan không khác gì nhiều so với hàng phi điệp đột biến có giá trị cao đang gây sốt ở Việt Nam. Tuy nhiên, một bông lan phi điệp đột biến Việt đưa sang Đài Loan có thể được cấy mô, nhân ra hàng nghìn cây lan khác nhau và cho mặt hoa tương tự. Giá cả cũng vì thế mà rẻ hơn rất nhiều.
Qua tìm hiểu từ những người chơi lan var và các chủ vườn lan var lâu năm, hiện ở Đài Loan, người ta nhân bản phi điệp là hàng công nghiệp và trầm lai. Riêng về dòng này, nếu so sánh, lan cấy mô Đài Loan và lan var Việt Nam có một số điểm khác nhau như sau:
Công nghệ cấy ghép: Trầm lai Đài Loan được nhân bản công nghiệp, cấy mô bằng tế bào và nhân bản phôi trong phòng thí nghiệm nên trong cùng một khoảng thời gian, số lượng được nhân bản có thể rất nhiều. Còn lan var Việt thì trồng và nhân bản bằng chính thân mẹ, đẻ kei trên thân già của giò hoặc cắt khúc mắt thức mắt ngủ của thân già, thân mẹ để ươm nên số lượng rất ít. Mỗi mắt chỉ được một kei.
Về thân, lá: Trầm lai Đài Loan có thân rất mập và lá rất bóng, cây khỏe. Còn lan var Việt thân thanh mảnh, lá rất mỏng, vì thế rất “yếu” và nếu để bị mưa trực tiếp sẽ dễ bị thối lá, thối ngọn. Vậy nên người trồng luôn phải có chế độ chăm sóc đặc biệt.
Rễ lan: Rễ của trầm lai khá to. Và cũng vì là hàng công nghiệp được dùng thuốc nhiều trong quá trình nuôi cấy, chăm sóc nên rễ mọc rất nhiều. Trong khi đó, lan var Việt ít rễ hơn và kích thước cũng bé hơn nhiều.
Sắc thái mặt hoa: Màu sắc thần thái của mặt hoa lan phi điệp đột biến Việt khác hẳn so với trầm lai công nghiệp của Đài Loan. Cụ thể, trầm lai không có màu sắc sắc nét của var, không có hương thơm của một bông hoa rừng và nhất là không đẹp từng phần như lan var Việt. Không những thế, cánh lan var Việt mỏng manh và dài, đẹp cân đối. Còn cánh trầm lai ngắn và dày. Điểm này rất dễ để nhận dạng.
Giá cả: Do có thể nuôi cấy công nghiệp với số lượng hàng loạt nên hàng cấy mô và trầm lai của Đài Loan rất rẻ, giá chỉ khoảng vài trăm nghìn một chậu. Còn lan phi điệp đột biến Việt có giá đắt hơn, từ tiền triệu đến cả chục triệu/cm vì có dáng vẻ độc đáo, tự nhiên về màu sắc; thêm nữa, hình dạng hoa, độ dày của cánh còn mang đến sự hưng phấn cho người chơi./.
Tú Linh