Lăng kính chứng khoán 20/6: Khả năng giảm điểm của thị trường vẫn còn

Nhà đầu tư cần quan sát động thái hỗ trợ của dòng tiền để đánh giá trạng thái thị trường, đặc biệt là tại nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn và có cơ bản tốt.

Chịu sức ép từ nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, thị trường sau những phiên tăng mạnh lại lình xình giảm điểm, khối ngoại cũng đẩy mạnh bán ròng hơn 100 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/6, VN-Index giảm 9,82 điểm, tương đương 0,88% về 1.105,4 điểm. Toàn sàn có 113 mã tăng, 315 mã giảm và 45 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 1,92 điểm, tương đương 0,84% về 226,52 điểm. Toàn sàn có 59 mã tăng, 125 mã giảm và 47 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,07 điểm về 84,55 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 18 mã giảm giá.

Tổng giá trị khớp lệnh trong phiên đạt 17.033 tỷ đồng, giảm 34% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE đạt 14.317 tỷ đồng, giảm 36%. Tại nhóm VN30, thanh khoản đạt 5.444 tỷ đồng.

Nhận định đầu tư

Chứng khoán KBSV: VN-Index trải qua một nhịp giảm điểm giằng co trong phiên với biên độ mở rộng. Áp lực bán có phần suy yếu kết hợp với việc ngưỡng hỗ trợ gần 1.105-1.110 cho phản ứng đã giúp chỉ số tránh được một nhịp giảm sâu trong phiên. 

Mặc dù vậy, VN-Index vẫn đang tiếp tục đối mặt với rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh trong các phiên tiếp theo và kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ xa quanh 1.09x. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục áp dụng chiến lược trading quay vòng, nắm giữ một phần vị thế và kết hợp mua tại hỗ trợ - bán tại kháng cự theo từng mã riêng lẻ với phần vị thế còn lại.

Chứng khoán BOS: Về kỹ thuật, VN-Index tiếp tục giảm mạnh và thủng hỗ trợ MA10. Tuy nhiên điểm tích cực là volume đã suy giảm và nhỏ hơn mức trung bình 20 phiên, cho thấy tâm lý lo ngại phần nào được kiểm soát. Dự báo chỉ số sẽ điều chỉnh tiếp tục về vùng 1.090 - 1.100 điểm. Nhà đầu tư được khuyến nghị giữ tỉ trọng cổ phiếu ở mức thấp, ưu tiên các nhóm ngành giữ được sắc xanh trong phiên 19/6.

Chứng khoán Rồng Việt: Quán tính giảm giá vẫn tồn tại ở nhiều cổ phiếu nên khả năng giảm điểm của thị trường vẫn còn. Dự kiến thị trường sẽ kiểm tra lại vùng 1.095 – 1.100 điểm của VN-Index, tại vùng này có thể dòng tiền hỗ trợ sẽ tích cực hơn và giúp thị trường hồi phục trở lại. 

Do vậy, nhà đầu tư cần quan sát động thái hỗ trợ của dòng tiền trong thời gian tới để đánh giá trạng thái của thị trường, đặc biệt là tại nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn và có cơ bản tốt. Tạm thời vẫn nên thận trọng đối với nhóm cổ phiếu có tính chất đầu cơ cao.

Tin vắn chứng khoán

- Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 5, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 28,04 tỷ USD, tăng 0,6% so với tháng trước, nhập khẩu đạt 26,04 tỷ USD, tăng 3,3%. Lũy kế 5 tháng đầu năm, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 135,2 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 5 ghi nhận đạt mức 26,04 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu từ đầu năm đạt 125,5 tỷ USD, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái (tương ứng mức giảm 28,2 tỷ USD). Đây là mức giảm lớn nhất từ trước tới nay, cao hơn cả so với con số giảm hơn 14 tỷ USD của 5 tháng đầu năm 2009 là năm suy thoái kinh tế mạnh trên toàn thế giới.

Về nhóm hàng, có tới 8 nhóm hàng nhập khẩu có mức giảm trên 1 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm nay, gồm điện thoại các loại và linh kiện; sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; chất dẻo nguyên liệu, sắt thép các loại, kim loại, hóa chất. Cán cân thương mại hàng hóa trong 5 tháng vẫn đạt gần 10 tỷ USD, xấp xỉ mức cùng kỳ năm ngoái.

- IATA dự báo nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trên toàn cầu tăng vọt sẽ nâng lợi nhuận ròng của ngành này trong năm 2023 có thể đạt 9,8 tỷ USD, cao hơn gấp đôi so với dự báo 4,7 tỷ USD trước đó. Lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng vọt, tới 28,3%, từ mức 3,39 tỷ lượt người trong năm 2022 lên 4,35 tỷ lượt người trong năm 2023, quay lại gần mức của năm 2019 - trước khi đại dịch COVID-19 hoành hành.