Lăng kính chứng khoán 21/7: Chỉ số dự báo giao dịch quanh vùng 1.170

Nhà đầu tư được khuyến nghị nắm giữ danh mục với tỉ trọng cổ phiếu vừa phải; có thể giao dịch ngắn hạn với các cổ phiếu ngành Khai khoáng.

Nhóm vốn hoá lớn đồng loạt phân hoá cùng sức cầu yếu đã khiến VN-Index không thể bứt phá khỏi tham chiếu, thị trường dứt chuỗi 8 phiên tăng liên tiếp.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/7, VN-Index giảm 0,17 điểm, tương đương 0,01% về 1.172,81 điểm. Toàn sàn có 252 mã tăng, 201 mã giảm và 73 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 1,6 điểm, tương đương 0,69% lên 233,07 điểm. Toàn sàn có 99 mã tăng, 68 mã giảm và 71 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,52 điểm lên 87,65 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 13 mã tăng giá.

Tổng giá trị khớp lệnh trong phiên đạt 18.601 tỷ đồng, giảm 7,6% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE đạt 16.400 tỷ đồng, giảm 7%. Tại nhóm VN30, thanh khoản đạt 6.441 tỷ đồng.

Nhận định đầu tư

Chứng khoán BOS: Về kỹ thuật, VN-Index giảm nhẹ dưới tham chiếu với thanh khoản sụt giảm cho thấy áp lực bán đã giảm so với phiên trước. Tâm lý chung vẫn tỏ ra tích cực, thể hiện qua sự hồi phục nhanh vào cuối phiên. Tuy nhiên điểm số vẫn đóng cửa dưới MA5 khiến xác suất xu hướng trở thành đi ngang trở nên rõ ràng hơn.

Chỉ số được dự báo sẽ dao động trong vùng 1.165-1.180 trong các phiên tới. Nhà đầu tư được khuyến nghị nắm giữ danh mục với tỉ trọng cổ phiếu vừa phải; có thể giao dịch ngắn hạn với các cổ phiếu ngành Khai khoáng.

Chứng khoán Phú Hưng: Theo quan điểm kỹ thuật, VN Index có phiên giảm điểm trở lại. Khối lượng giao dịch gia tăng lên trên mức bình quân 20 phiên, hàm ý áp lực chốt lời có dấu hiệu gia tăng.

Nhìn chung, thị trường vẫn giữ được xu hướng phục hồi sau phiên giảm 19/7. Do đó, nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp rung lắc kỹ thuật để thực hiện các vị thế giao dịch lướt sóng, trong đó ưu tiên các cổ phiếu có cơ bản tốt, triển vọng kinh doanh tích cực, và đang thu hút được dòng tiền mạnh.

Chứng khoán TPS: VN-Index tiếp tục biến động giằng co với mẫu hình nến Doji cùng thanh khoản suy giảm phản ánh việc dòng tiền mua mới trở nên thận trọng hơn sau đà tăng kéo dài của chỉ số cùng việc chỉ báo Relative RSI đang có lần thứ 4 biến động trong vùng quá mua (overbought).

Với các diễn biến trên, thị trường nhiều khả năng sẽ xuất hiện những nhịp rung lắc để chỉ số tìm về những điểm cân bằng mới, từ đó thu hút dòng tiền mới tham gia. Ngược lại, nếu bên mua bất ngờ giành lại ưu thế giúp chỉ số tăng nhanh hướng đến mục tiêu là vùng 1.180-1.200 điểm (ngưỡng Fibonacci Retracement 78,6% cùng mục tiêu sóng 3 tăng) sẽ giúp kích hoạt dòng tiền mua mới trở lại khi nỗi lo đánh mất vị thế gia tăng.

Tin vắn chứng khoán

- Theo số liệu báo cáo mới nhất vừa được Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) công bố, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, sản xuất thép thành phẩm đạt 13,103 triệu tấn, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tiêu thụ thép thành phẩm đạt 12,481 triệu tấn, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Về nguyên nhân sản xuất và tiêu thụ thép sụt giảm, VSA cho rằng do nhu cầu tiêu thụ chậm. Hơn nữa, các doanh nghiệp thép trong nước còn phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá thép xuất khẩu. Dự báo, từ nay đến cuối năm, tình hình tiêu thụ thép vẫn kém và có thể còn nhiều đợt giảm giá nữa.

- Tháng 6/2023, xuất khẩu tôm đạt 328 triệu USD (-21% yoy). Mức giảm 21% trong tháng 6 đã thấp hơn so với mức giảm của các tháng trước đó (tháng 3, 4 và 5 ghi nhận giảm từ 28-35%). Về thị trường tiêu thụ, tháng 6/2023, xuất khẩu tôm sang các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc tiếp tục giảm 2 con số.

Đáng chú ý, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc & Hồng Kông đã lần đầu tiên ghi nhận tăng trưởng dương kể từ đầu năm nay. Mỹ và Trung Quốc, 2 thị trường này có xu hướng tương tự nhau trong 6 tháng đầu năm nay là kim ngạch xuất khẩu tháng sau cao hơn tháng trước đó và mức sụt giảm trong từng tháng cũng nhẹ dần.

PV