Lạng Sơn đề xuất biện pháp chấm dứt ùn tắc hàng hoá tại cửa khẩu

Chiều ngày 20/12, Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức buổi họp báo, thông tin về tình hình ùn tắc hàng hóa đang diễn ra tại các cửa khẩu xuất khẩu.

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Hồ Tiến Thiệu cho biết, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đang triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch quyết liệt khi có thông tin, một số lái xe chuyên trách chở hàng trong khu vực cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc dương tính với SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, trên bao bì một số loại hàng hóa, cơ quan chức năng nước bạn cũng phát hiện vi rút. Trong khi đó, tại các tỉnh thành Việt Nam, nông sản đang vào mùa thu hoạch và xuất khẩu khiến cho lượng xe vận chuyển hiện đang ùn tắc tại các cửa khẩu lên đến 4.598 xe container.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, hiện tỉnh đang có 2 cửa khẩu ngừng thông quan là Chi Ma và Tân Thanh, chỉ còn cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị hoạt động.

Sự kiện - Lạng Sơn đề xuất biện pháp chấm dứt ùn tắc hàng hoá tại cửa khẩu

Gần 4.600 container vận chuyển nông sản đang "nằm chờ" tại Lạng Sơn

Thông tin về tình hình thông quan tại các cửa khẩu đã được tỉnh Lạng Sơn liên tục cập nhật, tuy nhiên, chưa nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ các địa phương, doanh nghiệp khiến cho việc điều tiết hàng hóa trở lên khó khăn. Công tác quản lý, điều hành, bố trí chỗ ăn nghỉ cho lái, phụ xe…hiện đang tạo lên áp lực rất lớn cho các cơ quan chức năng của tỉnh. Việc một lượng lớn người lao động phải tập trung chờ đợi cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Để giảm thiểu áp lực, chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã phải bố trí nhiều khu vực dừng đỗ cho các phương tiện theo thứ tự nhằm phân tán áp lực cục bộ. Sau đó, điều tiết dần các xe vào khu vực cửa khẩu theo thứ tự lần lượt, ưu tiên cho phương tiện chuyên chở các mặt hàng nông sản không bảo quản lạnh như dưa hấu, mít, xoài…

“Chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm các quy định trong điều hành thông quan, xuất nhập khẩu”, Chủ tịch Lạng Sơn nhấn mạnh.

Chủ động hơn trong kế hoạch xuất khẩu

Nhằm sớm chấm dứt tình trạng ùn ứ trong xuất khẩu nông sản, trước mắt, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ NN-PTNT cần sớm trao đổi, thống nhất với các cơ quan chức năng phía Trung Quốc về phương án khử khuẩn, xét nghiệm và kiểm dịch thực vật đối với nông sản Việt Nam. Đẩy nhanh việc ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật, nhất là đối với các loại hoa quả tươi sống, nhằm rút ngắn thời gian thông qua, giảm thiểu thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.

Để đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu, ông Thiệu cho biết, chính quyền tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục đàm phán với giới chức Trung Quốc để phối hợp triển khai các giải pháp đồng bộ, nâng cao hiệu suất làm việc của lực lượng chức năng phía cửa khẩu Trung Quốc, tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa. Chính quyền tỉnh cũng sẽ huy động lực lượng, ứng trực 24/7 để tìm mọi biện pháp giải phóng hàng hóa ùn ứ.

"Lạng Sơn kiến nghị các địa phương, vùng sản xuất hàng hóa có lượng xuất khẩu lớn sang Trung Quốc cần tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn về quy định, tiêu chuẩn nhập khẩu phía nước bạn cho người dân, doanh nghiệp. Sớm chuyển sang loại hình xuất khẩu nông sản chính ngạch để giảm thiểu các thủ tục”.

Sự kiện - Lạng Sơn đề xuất biện pháp chấm dứt ùn tắc hàng hoá tại cửa khẩu (Hình 2).

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Hồ Tiến Thiệu

Về lâu dài, tránh lặp lại tình trạng ùn tắc trong công tác xuất khẩu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất Chính phủ, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trên phạm vi cả nước theo định kỳ hàng năm để có thể định hướng, khuyến cáo kế hoạch sản xuất cho người dân. Từ đó, chủ động được các phương án, giải pháp nếu xảy ra các tình huống bất ngờ.

Lãnh đạo Lạng Sơn cũng khuyến cáo người dân, doanh nghiệp cần thay đổi tập quán kinh doanh, xuất khẩu theo diện “bạn hàng quen”. Cụ thể hóa hoạt động mua bán bằng các hợp đồng thương mại với điều khoản rõ ràng để bảo vệ quyền lợi chính đáng.

Bên cạnh đó, cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.