Báo chí những ngày qua đang đăng tải thông tin về sự việc một nữ sinh lớp 9 tại Thanh Hóa bị ép quan hệ nhiều lần dẫn đến có thai với lớp trưởng, mà đáng giận hơn khi có hẳn một nhóm học sinh cùng lớp đã thông đồng với nhau dẫn nữ sinh này đến nhà và canh gác để lớp trưởng thực hiện hành vi.
Chưa hết, từ cách đó hai năm, khi gia đình nhiều lần phản ánh những hành vi sàm sỡ của bạn học đối với nữ sinh này, giáo viên chủ nhiệm lại không có một hành động kiên quyết nào để chấm dứt tình trạng trên, trái lại, dường như muốn “ém nhẹm” thông tin để giải quyết nội bộ.
Có thể thấy vụ việc là hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật, mang tính chất bạo lực, xâm hại giữa học sinh với học sinh. Điều này cũng cho thấy, do những học sinh này thiếu kiến thức pháp luật nên dẫn đến những hành vi như vậy, không chỉ là hành vi của riêng một học sinh với một học sinh, mà có dấu hiệu hành vi có tổ chức, sắp đặt nhiều thành viên cùng tham gia.
Vì đâu nên nỗi?
Trong suốt nhiều năm qua, thực trạng học sinh có những hành vi vi phạm pháp luật trong và ngoài trường học vẫn tồn tại như những “vết dầu loang”, trôi nổi giữa môi trường học đường. Đặc biệt, có những vụ sử dụng ma túy, hay chiếm đoạt tài sản, hoặc cố ý gây thương tích cho người khác, xử nhau bằng bạo lực dã man mà không lường trước được hậu quả, không hề biết mình đang phạm luật.
Thực trạng này đã dấy lên lo ngại về nguyên nhân lớn nhất, chính là do học sinh thiếu kiến thức về pháp luật. Chính những “lỗ hổng” trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật trong học đường đã vô hình dẫn lối cho những sai phạm của học sinh.
Bà Bùi Thị Hòa - Phó Chủ tịch Trung ương hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - cũng từng nhấn mạnh: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bao lực học đường nhưng phổ biến nhất vẫn là sự hạn chế trong nhận thức về pháp luật, về quyền trẻ em ở học sinh và cả cộng đồng”.
Trong khi phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường là một phần của nội dung chương trình giáo dục ở các cấp học, là một hoạt động thường xuyên của ngành GD&ĐT trong chương trình chính khóa hoặc được lồng ghép vào các môn học có liên quan về chính trị, đạo đức, lịch sử và xã hội...; thì ở nhiều nhà trường, đây lại là một khái niệm xa vời!
Đó là khởi phát của tình trạng phạm tội ở lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh ngày càng nhiều, trong đó, hành vi nguy hiểm hơn biểu hiện ở học sinh bậc học phổ thông do tâm sinh lý lứa tuổi có nhiều thay đổi, muốn thể hiện, khẳng định mình trước mọi người, dễ làm phát sinh những hành động bột phát, nông nổi.
Chính nhận thức, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, mơ hồ đã dẫn đến ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt, thậm chí là có những hành vi coi thường pháp luật. Chỉ đến khi bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý thì mọi sự đã muộn, những hậu quả đáng tiếc đã xảy ra. Nhiều thanh thiếu niên, học sinh đã phải trả giá rất đắt cho các hành vi nông nổi của mình.
Nhà trường không chỉ là nơi đào tạo về kiến thức mà còn là môi trường giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, mỗi nhà trường không thể lơ là trách nhiệm, chủ động nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh của từng lứa tuổi.
Đối với những trường hợp cá biệt, nhà trường phải dành sự quan tâm đặc biệt để chia sẻ, động viên tránh sự phân biệt đối xử, kỳ thị dễ dẫn đến hiện tượng mặc cảm với xã hội. Công việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh thực sự là một quá trình gian truân, đầy thử thách, cần sự nỗ lực, kiên trì và có sự phối hợp một cách chặt chẽ, hiệu quả giữa gia đình - nhà trường - xã hội.
Trong một số tình huống tương tự sự việc xảy ra với nữ sinh lớp 9 ở Thanh Hóa kia, những hậu quả đáng tiếc xuất hiện do một phần trách nhiệm không nhỏ của giáo viên. Nếu giáo viên có kiến thức pháp luật đầy đủ thì khi phát hiện những dấu hiệu, sẽ hiểu đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, phải thông báo với ban Giám hiệu và các cơ quan chức năng. Vậy nhưng, một phần vì thiếu hiểu biết pháp luật, một phần có thể do căn bệnh thành tích, giáo viên này đã chọn cách im lặng.
Rất nhiều vụ dâm ô, xâm hại học sinh trong học đường cũng bị các giáo viên “ngoảnh mặt làm ngơ” chỉ vì không đánh giá được đúng tính chất nghiêm trọng của sự việc, cũng như một phần sợ “va chạm”... Vì vậy, nhiệm vụ bổ sung kiến thức về bảo vệ trẻ em trong trường học cần phải làm mạnh mẽ hơn nữa và bắt đầu từ giáo viên để giáo viên truyền đạt hoặc tác động biện pháp đối tượng học sinh.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!