Loại cá xưa chỉ cho mèo ăn nay thành đặc sản có tiền cũng khó mua, có nhiều công dụng cho cả nam và nữ

CTV
Loại cá này trước đây được khuyên không nên mua khi đi chợ, đánh bắt được cũng chỉ để cho mèo ăn, nhưng nay trở thành đặc sản, có nhiều tác dụng với sức khỏe.

Cá diếc là loại cá bản địa, trước đây có rất nhiều, nhất là ở vùng đồng chiêm trũng. Cá diếc từng được ít người sử dụng, thậm chí người xưa còn truyền tai nhau câu nói “thịt không mua thịt cổ, cá không mua cá diếc”, vì thế loại cá này trước chỉ dùng để cho mèo ăn hoặc làm thức ăn chăn nuôi.

Hiện nay, do tác động từ môi trường, loại cá này ngày càng khan hiếm, vì thế có giá khá đắt đỏ, dao động 60-80.000/kg. Ở các thành phố lớn, cá diếc còn là đặc sản “hiếm có, khó tìm”, không phải lúc nào cũng có thể mua được. Cá diếc cũng được coi là thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe.

TS.BS Từ Ngữ, Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết, sở dĩ người xưa không thích ăn và ít mua cá diếc vì loại cá này rất nhiều xương, thời gian nấu khá lâu. Trong khi những loại cá khác như cá quả (lóc), cá chép, cá rô ít xương hơn, nhất là loại xương dăm.

Cá diếc kho rục xương và ăn cả xương sẽ cung cấp nguồn canxi tốt cho sức khỏe. 

Ông Ngữ cho rằng, với những loại cá nhỏ như cá diếc, nếu chế biến kỹ lưỡng, nhất là kho kỹ ăn rất ngon. “Nếu kho kỹ rục xương, khi ăn có thể ăn được cả phần xương này. Đây là nguồn cung cấp canxi tự nhiên tốt cho cơ thể”, ông Ngữ nói.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong cá diếc có 17,7g protid, 1,8g lipid, 70mg Ca; 0,8 mg sắt và các vitamin, axit amin khác. Đặc biệt, khi kết hợp với một số thực phẩm khác, cá diếc còn là vị thuốc hỗ trợ điều trị một số bệnh, tăng cường sức khỏe.

Nhà khoa học, lương y Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, cá diếc có tính vị bình hòa, không độc, tác dụng bổ tỳ vị, hành thủy, tiêu thũng, chỉ khát, là vị thuốc dùng tốt cho người cơ thể suy nhược, gầy yếu, ăn uống kém, người bệnh dạ dày, đại tràng, phụ nữ có thai, sau đẻ thiếu sữa…

Cá diếc không chỉ là món ăn ngon mà còn là bài thuốc tốt cho cả nam và nữ. Ảnh minh họa. 

Ông Sáng cho biết, nam giới thường xuyên ăn cá diếc sẽ giúp hỗ trợ sinh lý. Hơn nữa, cách chế biến cũng không quá cầu kỳ, có thể kết hợp từ những thực phẩm hàng ngày.

Cá diếc 250g có thể kết hợp với bí đao 100g, sinh địa hoàng 10g, gừng, hành, gia vị đủ dùng. Cá diếc làm sạch, ướp gia vị khoảng 30 phút, bí đao rửa sạch, để nguyên vỏ, cắt khúc. Cho bí đao vào nồi hấp, sau đó đặt cá lên trên, thái gừng và hành đem hấp tới khi cá chín. Nước hấp cá cho sinh địa hoàng vào đun sôi, bắc ra dùng.

Có thể dùng cá diếc hấp hạt sen, dâm dương hoắc cũng rất tốt cho sinh lý nam giới. Dùng một con cá diếc, hạt sen 20g, thịt nạc thăn 50g, dâm dương hoắc, đỗ trọng 8g, gia vị, rượu đủ dùng. Cá làm sạch, thịt nạc thăn rửa sạch, thái nhỏ, thịt nạc và các vị thuốc trên rửa sạch, buộc kín trong túi vải cho vào bụng cá, đặt cá vào nồi hấp khoảng 30 phút là dùng được.

Ngoài tốt cho nam giới, cá diếc cũng có nhiều công dụng cho phụ nữ, nhất là với người bị băng huyết, sau sinh ít sữa. Với người bị băng huyết, dùng cá diếc 1 con khoảng 200g, bỏ ruột rồi thêm 10g đương quy, 3g huyết kiệt, 3g nhũ hương. Nướng tồn tính, tán bột. Mỗi lần uống 3g với rượu vang, ngày 2 lần.

Phụ nữ ít sữa sau sinh có thể dùng cá diếc 1 con làm sạch, móng giò chân trước 1 cái, hầm ăn ngày một thang, ăn liền 2-3 thang. Nấu canh, nấu cháo hoặc hầm nhừ để ăn cũng cho tác dụng tương tự.

Cá diếc nhiều xương nên khi dùng làm thực phẩm, hay kết hợp làm vị thuốc cần chú ý khi ăn, hoặc hầm mục xương càng tốt.