Loại gia vị là linh hồn của hàng loạt món đặc sản Hà Nội, thiếu thì mất ngon nhưng ăn thừa là gây bệnh

Với một số món ăn, gia vị chính là điểm nhấn tạo nên hương vị riêng và sức hút đối với thực khách, thế nhưng nếu sử dụng không đúng cách nguy cơ gây bệnh là hoàn toàn có thể xảy ra.

Khi nghĩ đến ẩm thực Hà Nội, có rất nhiều món ăn được nhắc đến theo nhiều cách khác nhau, đó có thể là phở bò, bún chả hoặc bún ốc, hay đôi khi bún đậu cũng rất hút khách du lịch và cả người bản địa. Với những món ăn này, mỗi loại đều có những gia vị đặc trưng để tạo nên sự đặc sắc. Trong đó với các món như bún ốc hay bún đậu thì mắm tôm luôn được cho là linh hồn của món ăn.

Ngoài ra, mắm tôm cũng là gia vị ăn kèm với rất nhiều món ăn đặc sản theo mùa khác như nộm sứa, hay trong bữa cơm gia đình có thể ăn kèm với một số thực phẩm như thịt chó hoặc cà pháo cũng làm nên hương vị vô cùng độc đáo.

Mắm tôm là gia vị của rất nhiều món ăn đặc sản, mang hương vị truyền thống.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia về công nghệ thực phẩm cho biết, mắm tôm có thể coi là một loại gia vị và cũng có thể coi là món ăn truyền thống, được nhiều người sử dụng. Ông Thịnh cho rằng, ngày nay khi kinh tế phát triển, mắm tôm dùng để làm gia vị là phổ biến. Trước đây, mắm tôm là thực phẩm được dùng rất nhiều, đơn giản vì chúng vừa mang lại giá trị dinh dưỡng, vừa giúp tiết kiệm vì có vị mặn, khi ăn sẽ đỡ tốn.

Về giá trị dinh dưỡng, mắm tôm được làm chủ yếu từ hai nguyên liệu chính là tôm (tép) nhỏ và muối biển. Sau khi trải qua quá trình lên men tạo mùi vị và màu sắc đặc trưng, nó có thể có 3 dạng đó là đặc, sệt và lỏng. Do được làm từ tôm nên loại mắm này có giá trị dinh dưỡng khá cao, hay nói cách khác tôm có những dinh dưỡng gì thì mắm tôm cơ bản có những loại đó.

Cụ thể mắm tôm rất giàu protein, canxi, sắt, selen, vitamin A và các yếu tố dinh dưỡng khác. Có một chất dinh dưỡng rất quan trọng khác trong mắm tôm là astaxanthin, đây là chất giúp chống oxy hóa mạnh nhất, được gọi là siêu vitamin E và nếu tiêu thụ với lượng vừa phải thì rất có lợi cho cơ thể.

Về vấn đề an toàn thực phẩm, cơ bản mắm ít bị hư hỏng nếu ở môi trường nguyên chất và bảo quản tốt. Lý do là do chúng quá mặn, khó có vi khuẩn nào sống được ở môi trường đó. Tuy nhiên, khi đã được lấy ra để sơ chế, pha chế cùng các gia vị khác thì môi trường đã bị biến đổi, tạo điều kiện rất thuận lợi cho vi khuẩn phát triển dễ dàng.

Do mắm tôm rất mặn vì thế nếu lạm dụng ăn quá nhiều sẽ gây hại cho cơ thể. (Ảnh minh họa)

Do vậy, việc lựa chọn mắm tôm đảm bảo chất lượng là rất quan trọng, nếu mua phải hàng đã pha chế, không có nguồn gốc rõ ràng thì nguy cơ bị ngộ độc rất cao. Cụ thể, mắm tôm dễ bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh đường ruột, Ecoli hoặc các vi khuẩn có bào tử sống yếm khí nếu quá trình vệ sinh không sạch sẽ. Do đó, vị chuyên gia khuyên mọi người nên lựa chọn sử dụng mắm tôm ở các cơ sở sản xuất trong nước có nhãn mác, có cơ sở sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng…

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) thì cho rằng, với mắm tôm nếu ai có sở thích thì hoàn toàn có thể sử dụng được, nhưng phải chọn loại đảm bảo an toàn. Có một điều bác sĩ Hưng đặc biệt lưu ý, đó là mắm tôm cực mặn, hàm lượng muối rất cao, với chỉ một thìa cà phê mắm tôm là đã đủ, thậm chí thừa lượng muối cho cả ngày. Vì thế, khi ăn mọi người nên chấm nhẹ tay, không ăn thường xuyên vì như vậy chắc chắn cơ thể sẽ thừa muối và đây là nguyên nhân gây ra hàng loạt các bệnh lý không lây nhiễm như bệnh thận, tăng huyết áp, tim mạch…

LÊ PHƯƠNG.