"Siêu doanh nghiệp" đăng ký vốn khủng 500.000 tỷ đồng
Ngày 31/12/2022, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh- người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu (Auto Investment Group) đã có thông báo gửi Phòng Đăng ký kinh doanh TP.HCM về việc giải thể doanh nghiệp sau 6 tháng thành lập.
Lý do giải thể là các cổ đông không thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua như nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký lần đầu.Đây là doanh nghiệp gây chú ý của dư luận hồi tháng 5/2021 khi đăng ký vốn siêu khủng lên tới 500.000 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 20/5/2021, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh thành lập Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn Cầu (Global Auto Technology Investment Group - GATIG) với số vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng, tương đương gần 22 tỷ USD.
Trụ sở của Công ty Toàn Cầu trên giấy phép ở tòa nhà Bitexco (2 Hải Triều, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM). Ngành nghề chính doanh nghiệp này đăng ký kinh doanh là lập trình máy vi tính.
Với con số 500.000 tỷ theo đăng ký, Toàn Cầu là doanh nghiệp có vốn điều lệ "siêu khủng" lớn nhất Việt Nam, vượt xa PVN (281.500 tỷ đồng), EVN (194.100 tỷ đồng), Formosa Hà Tĩnh (183.300 tỷ đồng), Viettel (141.000 tỷ đồng), thậm chí cao hơn nhiều so với tổng vốn điều lệ của 10 ngân hàng lớn nhất Việt Nam (hơn 444.000 tỷ đồng).
Tại thời điểm đó, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh khẳng định công ty của ông không phải là doanh nghiệp starup, mà là doanh nghiệp vận hành theo cơ cấu mới, hiện đại, tiên phong trên thế giới.
Số vốn đăng ký đã được doanh nghiệp cân nhắc rất kỹ trước khi ra quyết định nên số vốn đăng ký thậm chí còn ít, chứ không có sự nhầm lẫn.
"Siêu doanh nghiệp" đăng ký vốn 144.000 tỷ đồng
Theo thông tin từ cục Quản lý đăng ký kinh doanh- bộ Kế hoạch Đầu tư, trong ngày 17/1/2020, có một doanh nghiệp (DN) đã đăng ký thành lập với vốn điều lệ lên đến 144.000 tỷ đồng, chiếm 53,9% tổng vốn đăng ký thành lập mới của doanh nghiệp cả nước trong tháng.
Doanh nghiệp này là CTCP Tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (USC Interco), có địa chỉ tại ngõ 234 đường thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội. Tên người đại diện theo pháp luật là Trần Gia Phong, sinh năm 1979.
Công ty này có 3 cổ đông, bao gồm ông Trần Gia Phong và bà Kim Thị Phương mỗi người góp 30%, tương ứng 43.200 tỷ đồng cùng ông Nguyễn Hoàn Sơn góp 40%, tương ứng 57.600 tỷ đồng.
Thông tin nói trên khiến dư luận không khỏi xôn xao bởi số vốn đăng ký của doanh nghiệp mới thành lập này vượt xa nhiều doanh nghiệp "tên tuổi".
Tuy nhiên, tại buổi họp báo công bố sách trắng hợp tác xã và doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 diễn ra vào sáng ngày 28/4/2021, ông Nguyễn Bích Lâm- Tổng cục trưởng Thống kê, cho biết Công ty USC Interco đăng ký thành lập ngày 17/1 với số vốn 144.000 tỷ đồng, tương đương 6,3 tỷ USD hiện không còn tồn tại.
Tổng cục trưởng Thống kê cho hay luật quy định khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, sau 90 ngày (thời hạn góp vốn), doanh nghiệp phải thực hiện góp vốn đúng theo cam kết. Tuy nhiên, đã 90 ngày từ 17/1, USC Interco chưa góp đủ vốn.
Trước đó, khi thực hiện thống kê, Tổng cục Thống kê đã nhận thấy dấu hiệu bất thường khi công ty đăng ký kinh doanh, vì 144.000 tỷ đồng là số vốn quá lớn, bằng tổng vốn điều lệ của 4 ngân hàng lớn nhất Việt Nam cộng lại.
“Trong báo cáo, chúng tôi đã để một ghi chú: Nếu không kể doanh nghiệp này thì vốn đăng ký sẽ là bao nhiêu và vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp là bao nhiêu?”, ông Lâm nói.
Đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng trường hợp về doanh nghiệp đăng ký vốn 144.000 tỷ đồng là điểm cần rút kinh nghiệm trong quá trình đăng ký doanh nghiệp, để loại trừ những doanh nghiệp tạm gọi là “doanh nghiệp ma”.
Cuối tháng 2, sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội xác nhận cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho một doanh nghiệp ở Hoài Đức có vốn điều lệ là 144.000 tỷ đồng trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng.
Khi cấp giấy chứng nhận, cán bộ đăng ký kinh doanh thấy bất thường vì số vốn quá lớn. Tuy nhiên, doanh nghiệp khẳng định là không nhầm và cam kết sẽ góp đủ số vốn điều lệ này trong vòng 90 ngày theo đúng quy định.
Công ty USC Interco đăng ký trụ sở chính tại huyện Hoài Đức, Hà Nội. Doanh nghiệp này đăng ký 59 ngành nghề kinh doanh, với vốn đăng ký là 144.000 tỷ đồng (tương đương 6,3 tỷ USD). Ba cổ đông sáng lập sống tại Hà Nội và Bắc Ninh.
Siêu doanh nghiệp vốn 128.000 tỷ đồng
Tháng 8/2021, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu (Công ty Toàn Cầu) thu hút sự chú ý không nhỏ của dư luận khi "ít tên tuổi", gần như không có hoạt động gì lại có vốn điều lệ "khủng" lên tới gần 128.000 tỷ đồng.
Theo thông tin trên Cổng thông tin đăng ký về doanh nghiệp, Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này là ông Bùi Văn Việt (SN 1953, trú tại xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
Đáng chú ý, theo thông tin trên Người Lao Động, ông Bùi Văn Việt cùng gia đình đang sinh sống tại địa phương, có làm ăn kinh doanh nhưng nhỏ lẻ, không đến mức vốn quá lớn (buôn bán tạp hoá).
Công ty Toàn Cầu đăng ký thành lập năm 2018 với số vốn điều lệ 132 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là ông David Aristotle Phan (ở Mỹ) góp vốn 52,8 tỷ đồng.
Tháng 6/2019, doanh nghiệp này công bố tăng vốn điều lệ lên 127.902 tỷ đồng (tương đương 5,5 tỷ USD), vượt xa so với tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam là Vingroup hoặc vốn điều lệ của một loạt ngân hàng thương mại lớn cộng lại. Theo như đăng ký, cổ đông nước ngoài David Aristotle Phan góp 51.161 tỷ đồng.
Công ty CP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng nhà không để ở, cụ thể là dịch vụ xây dựng nhà xưởng, bệnh viện, trường học, nhà làm việc, khách sạn, cửa hàng, nhà hàng, trung tâm thương mại, bãi đỗ xe.
Theo thông tin từ cục Thuế Hà Nội, "siêu doanh nghiệp" nói trên không phát sinh doanh thu, không nộp thuế VAT, không sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế và chỉ đóng thuế môn bài theo quy định (3 triệu đồng/năm).