Lời đề nghị ngây ngô của kẻ lừa đảo tự xưng là Đại đức Thích Tâm Phúc

Trong phần thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Minh Phúc thừa nhận hành vi phạm tội. Đồng thời, Phúc ngây ngô xin HĐXX trả lại cho mình các giấy tờ giả về làm... kỉ niệm.

Làm giả giấy tờ nhằm mục đích lừa đảo

Sáng 6/8, TAND huyện Củ Chi (Tp.Hồ Chí Minh) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Minh Phúc (tự xưng là Đại đức Thích Tâm Phúc, 41 tuổi, ngụ huyện Củ Chi) về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Lời đề nghị ngây ngô của kẻ lừa đảo tự xưng là Đại đức Thích Tâm Phúc - Ảnh 1.

Bị xác định có hành vi lừa đảo và làm giả nhiều tài liệu, người tự xưng Đại đức Thích Tâm Phúc bị tuyên mức án cao hơn VKS đề nghị.

Theo cáo trạng, năm 2021, bà L.T.H.T. (50 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, Tp.Hồ Chí Minh) mua một thửa đất có diện tích 420,3m2 tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi với giá 2,4 tỷ đồng.

Do có ý định tách thửa đất nói trên thành 2 thửa, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng nên ngày 7/10/2022, thông qua L.V.V. (33 tuổi, trú huyện Củ Chi), bà T. quen biết Nguyễn Minh Phúc và nhờ Phúc làm thủ tục tách thửa đất nói trên.

Dù không có khả năng làm thủ tục tách thửa và cũng không có mối quan hệ nào để làm thủ tục tách thửa nhưng Phúc vẫn đồng ý nhận làm thủ tục tách thửa đất theo yêu cầu của bà T.. Theo thỏa thuận, bà T. đồng ý trả cho Phúc 135 triệu đồng để lo trọn gói thủ tục tách thửa.

Sau đó, bà T. chuyển trước cho Phúc 70 triệu đồng. Nhận được tiền, Phúc không liên hệ cơ quan chức năng để tách sổ cho bà T. mà lên mạng xã hội đặt làm giả 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà T..

Khi nhận được 2 giấy chứng nhận giả, Phúc đưa cho bà T. một giấy. Còn một giấy giả và một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thật của bà T., Phúc cất vào két sắt, đợi khi nào bà đưa hết số tiền 65 triệu đồng còn lại mới đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả thứ hai.

Kiểm tra giấy chứng nhận do Phúc đưa, bà T. thấy thiếu nhiều dữ liệu như tọa độ, diện tích…nên đã yêu cầu Phúc cập nhật bổ sung. Lúc này, Phúc tiếp tục làm giả 6 giấy chứng nhận khác và mất phí 30 triệu đồng.

Do nghi ngờ tính pháp lý của giấy chứng nhận đã tách thửa (hình dấu rõ so với các giấy khác, không có tọa độ, không đóng thuế thổ cư…) nên bà T. đã mang đến Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Củ Chi kiểm tra. Nghi ngờ giấy chứng nhận mà Phúc đưa là giả mạo nên Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai và bà T. đến công an tố giác hành vi của Phúc.

Sau khi hành vi bị phát hiện, Phúc trốn sang Thái Lan. Một thời gian sau, Phúc nghĩ mọi chuyện đã "êm" nên trở về Việt Nam và bị Công an huyện Củ Chi triệu tập đến làm việc.

Xác định Phúc có hành vi vi phạm pháp luật hình sự nên Công an huyện Củ Chi đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Phúc đề điều tra.

Quá trình điều tra, Nguyễn Minh Phúc giao nộp thêm 1 giấy chứng nhận tăng ni, thể danh: Thích Tâm Phúc; 1 bằng Thạc sĩ Luật kinh tế và 1 bằng Tiến sĩ ngành Luật tôn giáo; 1 giấy chứng nhận điệp thọ... Theo kết luận giám định các giấy chứng nhận này đều là giả.

Xin nhận lại giấy tờ giả để làm kỷ niệm

Bị áp giải đến phiên tòa sáng 6/8, bị cáo Nguyễn Minh Phúc tỏ ra lo lắng. Bị cáo Phúc thừa nhận cáo trạng truy tố mình là đúng. Phúc cho rằng trước đó ông V. có vài lần đến chùa. Khi ông V. nói đưa tiền để nhờ làm giấy tờ đất thì bị cáo đồng ý.

Sau khi nhận tiền, bị cáo lên mạng tìm kiếm dịch vụ làm giấy tờ đất đai chứ không biết đây là hành vi làm giả giấy tờ.

"Bị cáo không có học hành nên không biết những giấy tờ nhà đất khi làm phải được đo vẽ", bị cáo Phúc nói.

"Tại sao không nhờ cơ quan có thẩm quyền tách thửa để làm mà tìm trên mạng?", chủ tọa truy vấn. Bị cáo Phúc đáp: "Vì bị cáo tin tưởng trên mạng. Nhiều thứ bị cáo tìm trên mạng nên nghĩ việc làm giấy tờ trên mạng là đúng".

Về các giấy tờ mà cơ quan điều tra thu thập được và bằng Tiến sĩ mà Phúc nộp trong quá trình điều tra, bị cáo Phúc đồng ý với kết luận giám định các giấy tờ này là giả. Tuy nhiên, Phúc nói muốn xin lại các giấy tờ này để làm kỉ niệm.

Trong phần luận tội, đại diện VKSND huyện Củ Chi nhận định, căn cứ vào toàn bộ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, đủ cơ sở khẳng định bị cáo Phúc có hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Hành vi của Phúc đã xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác, gây hang mang tâm lý người dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội…nên cần có mức án tương xứng với hành vi bị cáo đã gây ra.

Về mức án, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Phúc từ 3-4 năm tù về tội Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và 2-3 năm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp hình phạt đề nghị đối với bị cáo Phúc là 5-7 năm tù về 2 tội danh.

Nói lời sau cùng, bị cáo Phúc mong được khoan hồng vì đã nhận ra lỗi lầm, xin được tuyên án thấp để sớm được trở về nuôi dưỡng mẹ già.

Sau khi nghị án, HĐXX cho rằng, hành vi của Phúc đủ yếu tố cấu thành tội danh Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi này cần được nghiêm trị, nhằm có tác dụng giáo dục riêng với bị cáo, và răn đe, phòng ngừa chung đối với xã hội.

Quá trình lượng hình, HĐXX cũng cân nhắc nhiều tình tiết như bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối hận…để làm căn cứ xem xét giảm cho bị cáo một phần hình phạt.

Cuối cùng, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Phúc tổng mức án 8 năm tù về các tội Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Người đưa tin