Trong bối cảnh giá thịt lợn tăng cao, kết quả kinh doanh quý 1 của công ty Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan - VSN) cho thấy doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt hơn 1.453 tỉ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2019 và lãi sau thuế 46,5 tỉ đồng, tăng 19%. Trong đó, doanh thu thịt tươi sống chiếm gần 669 tỉ đồng, tăng 20% và doanh thu thực phẩm chế biến chiếm gần 742 tỉ đồng, tăng 22%.
Giá heo tăng phi mã đẩy giá thịt lợn tăng cao
Theo giải trình của Vissan, lợi nhuận tăng phát sinh từ hoạt động chăn nuôi heo tại chi nhánh. Đồng thời, công ty không trích lập lợi thế kinh doanh trong kỳ do đã thực hiện đủ trong năm 2019. Trên sàn, cổ phiếu VSN của Vissan sau khi sụt giảm trong tháng 3 thì tháng 4 đã tăng liên tục và hiện ở mức 27.600 đồng/cổ phiếu.
Thừa thắng xông lên, năm 2002, Vissan đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 5.580 tỷ đồng, tăng 12% so với 2019, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 180 tỷ đồng.
Trong khi đó, Tập đoàn Dabaco Việt Nam vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng dự kiến với lợi nhuận sau thuế kỷ lục 744 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, lãi ròng của Dabaco gấp gần 50 lần. So với kế hoạch năm, đại gia trong lĩnh vực cung cấp thịt lợn hoàn thành 163% chỉ tiêu lợi nhuận chỉ sau 1/2 thời gian.
Với triển vọng lợi nhuận năm nay, Dabaco đặt kế hoạch chi trả cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng tiền và 10% bằng cổ phiếu.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DBC hưởng ứng tích cực trước thông tin kết quả kinh doanh đột biến. Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/7, cổ phiếu DBC ở mức 45.800 đồng/cp, gấp gần 2 lần so với đầu năm nay.
Công ty Cổ phần Chăn nuôi Mitraco trong quý I cũng ghi nhận doanh thu tăng mạnh 33% lên 93 tỷ đồng. Đặc biệt, với giá vốn thấp hơn cả cùng kỳ năm trước, Mitraco báo lãi sau thuế 22 tỷ trong khi quý I/2019 chịu lỗ 7 tỷ đồng.
Năm nay, công ty chăn nuôi lợn của Hà Tĩnh lạc quan đặt mục tiêu lợi nhuận lên tới 40 tỷ đồng, tăng trưởng đột biến so với kết quả lỗ 11 tỷ năm 2019 dù doanh thu dự kiến chỉ tăng 7%.
Về phần Masan MEATLife, trong quý I/2020, mảng thịt và chăn nuôi của Masan MEATLife đạt doanh thu thuần 453 tỷ đồng, tương đương gần 5 tỷ mỗi ngày, tăng 85% so với quý IV/2019.
Năm 2020, Masan MEATLife đặt mục tiêu doanh thu tăng mạnh lên 16.000-18.000 tỷ đồng so với mức 14.600 tỷ của năm trước. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ dự kiến dao động 200-500 tỷ đồng. Chỉ tiêu này cùng kỳ 2019 là 115 tỷ.
Masan MeatLife đặt mục tiêu sẽ tăng tỷ trọng đóng góp của mảng thịt lên 20% tổng doanh thu vào cuối năm nay. Tập đoàn này kỳ vọng đến năm 2022, các sản phẩm thịt có thương hiệu sẽ đóng góp 50-70% doanh thu của công ty với con số 1 tỷ USD.
Theo nghiên cứu thị trường của Masan, thị trường thịt Việt Nam trước khi xảy ra dịch tả châu Phi có giá trị khoảng 10 tỷ USD (235.000 nghìn tỷ đồng) mỗi năm. Sau khi dịch xuất hiện, quy mô còn khoảng 6 tỷ USD (140.000 tỷ đồng).
Lý giải về việc giá thịt lợn tăng cao chóng mặt, trao đổi với báo Tiền phong, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, cho biết: “Lợi nhuận một số công ty chăn nuôi rất lớn, theo phản ánh bán một con lợn hơi tại cửa chuồng với giá 75.000 – 80.000 đồng/kg, họ đã lãi 2-3 triệu đồng/con. Đây là mức lợi nhuận rất cao nên khó chấp nhận”.
Theo ông Phú, cả đất nước 100 triệu dân mà chỉ có 15 doanh nghiệp lớn cung ứng thịt lợn - ở đây có dấu hiệu độc quyền theo nhóm.
Ngoài ra, ông Phú cho rằng, mỗi kg thịt lợn hiện cõng 6-7 khâu trung gian, mỗi khâu “ăn” một ít khiến giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng cao.
Theo thống kê từ Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, Việt Nam nhập khẩu khoảng 70.000 tấn thịt lợn, tăng 300% so với cùng kỳ năm 2020. Việc chính thức cho nhập khẩu lợn sống về giết mổ thương phẩm lần này của Bộ NN&PTNT là một trong những biện pháp nhằm tăng nguồn cung, đồng thời giúp mặt hàng thịt lợn trong nước hạ nhiệt.