Bệnh được phát hiện lần đầu tiên ở người vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo, sau đó lây lan chủ yếu ở một số quốc gia Tây và Trung Phi.
Tháng 5 năm nay, dịch bệnh bắt đầu lây lan nhanh chóng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới đã kêu gọi công chúng hỗ trợ tham vấn để đưa ra một tên gọi ít kỳ thị hơn cho căn bệnh đậu mùa khỉ. Trong nhiều tuần qua, WHO đã bày tỏ lo ngại về tên gọi của căn bệnh này.
Người phát ngôn của WHO Fadela Chaib nói với truyền thông rằng “bệnh đậu mùa ở người đã được đặt tên trước khi có các quy trình tốt nhất như hiện nay trong việc đặt tên”. Bà nói thêm rằng WHO thực sự muốn tìm một cái tên không gây kỳ thị và tổ chức này đã tiến hành một cuộc tham vấn công chúng về việc đổi tên căn bệnh thông qua một trang web với đường link: https://icd.who.int/dev11.
Nói về tên gọi bệnh đậu mùa khỉ, giới chuyên gia cảnh báo rằng tên này có thể gây kỳ thị đối với loài linh trưởng trong khi loài động vật này lại không liên quan nhiều với sự lây lan của bệnh tại châu Phi. Chẳng hạn như mới đây tại Brazil đã có báo cáo về các vụ người dân tấn công khỉ do lo sợ dịch bệnh.
Ngày 13/8 vừa qua, giới chuyên gia đã đồng thuận trong việc đổi tên các biến thể của virus gây bệnh đậu mùa khỉ bằng cách sử dụng chữ số La Mã thay vì khu vực địa lý. Theo đó, chủng virus trước đây được gọi là chủng Congo Basin gây bệnh đậu mùa khỉ đặc hữu ở Trung Phi nay gọi là Chủng I (Clade I), trong khi chủng virus trước đây gọi là chủng Tây Phi nay gọi là Chủng II (Clade II). Chủng II gồm 2 dòng phụ được gọi là Chủng IIa và Chủng IIb, trong đó Chủng IIb là nhóm biến thể chính lưu hành trong đợt bùng phát năm 2022.
Giới khoa học đã đặt tên virus gây bệnh đậu mùa khỉ do virus ban đầu được xác định trên những con khỉ vốn được nuôi để nghiên cứu ở Đan Mạch vào năm 1958. Tuy nhiên, bệnh này lại được tìm thấy ở một số loài động vật, chủ yếu là ở loài gặm nhấm.