WHO đánh giá nguy cơ lây lan bệnh đậu mùa khỉ
Đến ngày 26/5, tổng cộng 257 trường hợp được xác nhận và 120 ca nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ đã được ghi nhận ở 23 quốc gia. Các nước này vốn không phải là nơi lưu hành của virus. Hiện chưa có ca tử vong nào.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đậu mùa khỉ có "nguy cơ trung bình" đối với sức khỏe cộng đồng ở cấp độ toàn cầu.
Cụ thể WHO cho biết: “Rủi ro với sức khỏe cộng đồng có thể trở nên cao nếu loại virus này lợi dụng cơ hội để xác lập là mầm bệnh ở người và lây lan sang các nhóm có nguy cơ trở nặng như trẻ nhỏ và những người bị ức chế miễn dịch”.
Đến nay, hầu hết các ca nhiễm được ghi nhận tại châu Âu và Bắc Mỹ, trong đó Mỹ ghi nhận 12 ca tính đến ngày 27/5.
“Hiện nay, nguy cơ toàn cầu được đánh giá ở mức trung bình, dựa trên việc đây là lần đầu các ca nhiễm và cụm lây nhiễm được ghi nhận tại các khu vực địa lý khác nhau của WHO”, WHO cho biết.
Trong số 5 nước châu Phi ghi nhận căn bệnh này, WHO cho biết đã nhận được báo cáo lên đến 1.365 ca với 69 ca tử vong vì virus này trong những giai đoạn khác nhau từ cuối tháng 12/2021 đến cuối tháng 5/2022.
WHO cảnh báo rằng bệnh đậu mùa khỉ sẽ gây nguy cơ cao nếu virus lợi dụng cơ hội để lây lan sang các nhóm dễ bị nhiễm như trẻ em và người miễn dịch suy giảm.
Ngoài ra, WHO kêu gọi ngành y tế theo dõi sát sao các triệu chứng như mẩn đỏ, sốt, sưng hạch bạch huyết, đau đầu, đau lưng, đau cơ, mệt mỏi, và xét nghiệm người có các triệu chứng này.
Biểu hiện bệnh đậu mùa khỉ là gì?
Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm thường có triệu chứng nhẹ và là dịch lưu hành ở các vùng phía tây và trung Phi. Bệnh lây lan khi tiếp xúc gần, vì vậy có khả năng được ngăn chặn tương đối dễ dàng thông qua các biện pháp như tự cách ly và giữ gìn vệ sinh.
Hầu hết các ca bệnh trong đợt bùng phát mới được phát hiện ở Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc cho biết: “Phần lớn các trường hợp cho đến nay đều không có mối liên hệ tới các khu vực lưu hành dịch bệnh”.
Biểu hiện chính của đậu mùa khỉ là phát ban bắt đầu từ một đến ba ngày sau khi sốt. Các nốt đỏ to dần, biến thành mụn chứa đầy mủ, đóng vảy và bong trong 2-4 tuần. Ban thường bắt đầu trên mặt và lan sang các bộ phận khác như bàn tay, bàn chân và bộ phận sinh dục.
Ở người, virus lây truyền qua vết cắn của động vật hoặc tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể, vết thương trên da và các giọt đường hô hấp của động vật nhiễm bệnh.
Hiện tại, chưa có vắc-xin đặc hiệu cho đậu mùa khỉ. Vắc xin ngừa bệnh đậu mùa đã được chứng minh có khả năng bảo vệ 85% đối với đậu mùa khỉ.
Dù vậy, vắc-xin đậu mùa đời đầu không còn được phân phối rộng rãi. Một số quốc gia đã hoặc đang có các chính sách cung cấp vắc xin cho các đối tượng có nguy cơ cao.
WHO cũng dự báo sẽ còn có nhiều ca mắc bệnh đậu mùa khỉ nữa trong bối cảnh tổ chức y tế đa phương này đang giám sát diễn biến dịch tại những nước ghi nhận và không ghi nhận căn bệnh này là đặc hữu.