Người phụ nữ 32 tuổi đến Bệnh viện Da liễu Trung ương thăm khám với gương mặt đầy nốt sần trắng sau 2 tuần tiêm chất làm đẹp da miễn phí ở một spa.
VietNamNet thông tin, tuần trước, một người phụ nữ 32 tuổi ở Quảng Ninh đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương. Bệnh nhân kể với bác sĩ, chị là khách quen của một spa gần nhà. Đầu tháng 4, chị được tặng một buổi tiêm tinh chất meso miễn phí với lời quảng cáo giúp da căng bóng, trắng hồng. Nhân viên spa nói rằng, nếu thấy hiệu quả khách hàng sẽ mua gói liệu trình để tiếp tục sử dụng gói.
Thế nhưng, 2 ngày sau khi tiêm, gương mặt bệnh nhân bất ngờ thâm đỏ, nổi nhiều u hạt sần cứng như vỏ mít tại vùng tiêm. Quay lại cơ sở làm đẹp, người bệnh được nhân viên spa cho uống thuốc kháng dị ứng, điện di máy da và dùng kim để gẩy, khêu để các nốt sần trên mặt xẹp đi. Tình trạng tổn thương không đỡ sau 2 lần điều trị, mặt vẫn dày đặc nốt sần, bệnh nhân đã đến bệnh viện khám.
Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Quang Minh - Phó trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, tại thời điểm thăm khám, các vết sần trên da mặt bệnh nhân đã bớt đỏ nhưng vẫn chi chít các sốt sần trắng. Bác sĩ Minh nói thêm, các nốt sần khi nặn ra không phải mủ mà là dạng bột hạt dưới da.
Đáng chú ý, bệnh nhân kể từng hỏi cơ sở về chất được tiêm vào mặt nhưng nhân viên spa không tiết lộ với lý do "là bí quyết độc quyền". Bác sĩ Minh nhận định, qua khám tổn thương trên da, rất có thể bệnh nhân đã được tiêm loại hợp chất trộn nhiều thành phần, phương pháp, không loại trừ là loại serum cấy phấn meso đang được quảng cáo trên mạng xã hội.
"Hiện sản phẩm này chưa được cấp phép ở Việt Nam, phương pháp này cũng chưa được bác sĩ khuyến cáo sử dụng để làm đẹp hay nâng tông cho da", bác sĩ Minh thông tin, đồng thời cho hay đây là một trong số rất nhiều bệnh nhân bị biến chứng làm đẹp đến khám và điều trị tại bệnh viện này.
Đặc điểm chung của nhiều người bệnh khi đến khám là đã đi chăm sóc da mặt tại một spa hoặc cơ sở làm đẹp không phải do bác sĩ thực hiện và tư vấn. Nhiều bệnh nhân chia sẻ, sau khi nghe những lời quảng cáo về phương pháp tiêm meso đơn giản, không đau lại giúp trẻ hóa làn da hay nhanh chóng, thậm chí "chỉ 1 lần tiêm meso bằng cả năm dưỡng da"… nên đã sẵn sàng thực hiện.
Với phương pháp tiêm tinh chất làm đẹp da, bác sĩ Minh cảnh báo có một tỷ lệ lớn người bệnh biến chứng đến thăm khám, điều trị là chỉ định sai đường dùng. Có những chất chỉ được thoa bôi, lăn kim, điện di, nhân viên spa lại sử dụng dưới dạng tiêm cho khách hàng.
Ngoài ra, có một trào lưu trộn lung tung các hoạt chất để tạo thành sản phẩm độc quyền của cơ sở. Do vậy, khi bệnh nhân bị phản ứng dị ứng, bác sĩ cũng không đánh giá được ngay thành phần dị ứng do nguyên nhân nào.
"Hiện nay nhiều trang web và mạng xã hội đang quảng cáo quá mức về công nghệ làm đẹp. Mới đây, cá nhân tôi và một bác sĩ khác của bệnh viện đã tham dự 2 hội nghị quốc tế cập nhật những phương pháp và công nghệ làm đẹp mới nhất hiện nay thì không có liệu pháp ít xâm lấn nào là đẹp tức thì.
Kể cả khi thực hiện đúng quy trình, sản phẩm được cấp phép, đầy đủ nguồn gốc xuất xứ thì làn da cũng không thể căng bóng, săn chắc tức thì sau 1-2 ngày tiêm. Với những can thiệp ít xâm lấn như tiêm meso thì thời gian để lành vết thương cũng từ 3-5 ngày sau đó, các hoạt chất meso mới có tác dụng nên không có chuyện sau tiêm da trắng tinh, căng bóng... như hứa hẹn", báo Người Lao Động dẫn lời bác sĩ Minh.
Được biết, Bệnh viện Da liễu Trung ương từng điều trị cho rất nhiều trường hợp da bị hư hại vì tiêm, cấy những chất chưa được kiểm chứng khoa học khiến mặt sưng phù, biến dạng. Các chất nguy hại đó không chỉ làm tổn thương, hoại tử da mà còn có thể đi vào máu gây nhiễm trùng máu, suy gan, suy thận, ảnh hưởng tới tính mạng.
Vì thế, trước khi dùng bất cứ biện pháp can thiệp làm đẹp nào, khách hàng cần có sự tham khảo ý kiến từ các bác sĩ chuyên khoa hoặc cơ sở uy tín đảm bảo điều kiện vô trùng khi thực hiện thủ thuật.
Đinh Kim (T/h)