Mẹ của nam sinh giành học bổng quốc tế: “Người ngoài có thể lo lắng khi thấy con ngủ nhiều, chơi nhiều, nhưng tôi thì rất yên tâm!”

Hồi đầu, thấy bạn bè đua nhau đi học thêm, chị cũng giục con đi học, nhưng con đã tự tin khẳng định mình có thể tự học ở nhà. Có lẽ vì thế, trong lúc người ngoài thì rốt ruột khi thấy con ngủ nhiều, chơi nhiều, người mẹ ấy vẫn yên tâm.

Mua thêm một bộ sách giáo khoa, tranh thủ học cùng con

Vượt qua nhiều ứng viên xuất sắc, Kiên Trung (dân tộc Tày), học sinh lớp 12A1 trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên (Hà Nội) đã dành tấm vé lớn vào ngôi trường hiện đại, tân tiến bậc nhất nước Mỹ. Trường đại học Wesleyan nằm trong top 17, có lợi thế đào tạo chuyên ngành Kinh tế, Tâm lý xã hội. Để đạt được suất học bổng toàn phần trị giá 350.000 USD (tương đương khoảng 8 tỷ đồng), là sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ của nam sinh.

Bên cạnh đó, không thể không kể đến sự đồng hành của gia đình trong suốt chặng đường học tập của Kiên Trung. Và người sát sao nhất có lẽ chính là mẹ!

Chia sẻ với phóng viên, chị Ma Thị Thu Loan (mẹ của Kiên Trung) cho biết: “Trước đây, tôi tốt nghiệp trường đại học sư phạm Việt Bắc (nay đổi tên thành trường đại học sư phạm - đại học Thái Nguyên) và từng giảng dạy tại một trường THPT trước khi trở thành Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Đó là một phần lý do khiến tôi rất quan tâm đến những vấn đề liên quan đến công tác giáo dục trong nhà trường và công tác giáo dục ngoài nhà trường, hay tìm hiểu về cách giáo dục con của cha mẹ...

Tôi luôn đồng hành cùng con qua tất cả những giai đoạn quan trọng trong quá trình học của con, tất nhiên mẹ thì không dạy như cô giáo được, nhưng có gì ở trường lớp con đều kể cho mẹ nghe, những tình huống khó cùng phân tích. Trước mỗi cuộc thi mà con tham dự, bố mẹ thường chỉ dặn con cố gắng hết khả năng của mình còn kết quả như thế nào cũng được.

278886426-424777929523943-5403077730853420348-n-1651820694.jpg
Mẹ luôn là người bạn đồng hành cùng con, đó là bí quyết để sát sao với chuyện học hành của con.

Nhưng Kiên Trung thì luôn tự tin và đối với con, việc học cũng như thi cử rất đơn giản, nhẹ nhàng.. chưa bao giờ gia đình tỏ ra lo lắng trước các cuộc thi, vì luôn coi đó là một sân chơi để giao lưu và học hỏi”.

Nhắc đến kỷ niệm ấn tượng nhất trong suốt hành trình học tập của con, chị Loan chia sẻ: “Tôi nhớ, có một kỷ niệm mà giờ nhắc lại cả nhà lại cười vui vẻ. Đó là khi con học lớp 5, mặc dù trường tiểu học nơi Kiên Trung theo học chưa đưa môn tin học vào giảng dạy nhưng Trung về nhà bảo con đăng ký tham dự cuộc thi “Tin học trẻ” cấp huyện nhé. Bố Kiên Trung cười bảo “Con ơi không phải thi điện tử trẻ đâu nhé. Tin học kiến thức rất khó đấy con đã học đâu mà đăng ký thi?”. Trung bảo “Còn hẳn một tuần nữa mới thi mà, con sẽ học được”...

Thế là bạn ý mày mò quên ăn quên ngủ luôn... đến phần vẽ tranh trên máy tính hỏi mẹ thì mẹ chiu, phải đưa đến nhà một cô giáo Tin học hướng dẫn một buổi tối. Bố mẹ thấy con say mê thì nghĩ cứ cho thi cho con vui, nhưng không ngờ con làm bài rất xuất sắc, đạt giải Nhất cấp huyện và tiếp tục tham dự giành giải Nhất cuộc thi “Tin học trẻ” cấp tỉnh.

Còn nhớ, hôm con lên tỉnh thi bố mẹ đều bận công việc nên con được thầy giáo đưa đi bằng xe máy. Kết thúc cuộc thi, con về đến sân đã reo lên “Mẹ ơi con đạt giải Nhất rồi... mỗi tội Giấy khen họ in nhầm tên bố thôi” (vì hai bố con tên ngược nhau một chút: Bố tên Hà Trung Kiên và con tên Hà Kiên Trung). Cả nhà hễ cứ nhìn lại giấy khen, đều cười vui vẻ”.

279302613-684597269484116-3839649926719793472-n-1651820694.jpg
Kiên Trung bên gia đình.

Để nói về bí quyết, tôi nghĩ rằng mình cũng không có gì quá đặc biệt, chỉ là cùng học, cùng chơi, rồi cùng vui khi con có kết quả tốt hay cùng động viên chia sẻ khi con có chuyện không như ý...

“Còn nhớ, khi Kiên Trung học tiểu học, tôi thường mua hai bộ sách giáo khoa, sau đó, một bộ dành cho việc học của con và một bộ mẹ giấu ở cơ quan, cứ tranh thủ hết giờ làm việc, mẹ lại mang ra học từng chút... để tối về nói chuyện về bài học với con. Sau này, khi con học lên cao, nhiều kiến thức mẹ không còn nhớ, thì lại chuyển sang tra mạng hoặc hỏi các thầy cô giáo để vẫn có thể bàn luận với con”, chị Loan không ngần ngại giãi bày.

Người ngoài sốt ruột vì thấy con ngủ nhiều, chơi nhiều, tôi vẫn yên tâm

Theo mẹ của nam sinh xứ Tuyên, mặc dù con trai có không dành nhiều thời gian “vùi đầu” vào sách vở giống nhiều bạn bè đồng trang lứa, nhưng cả gia đình vẫn rất yên tâm.

Chị kể: “Kiên Trung từ lớp 1 đến hết lớp 9 rất ít khi phải ngồi vào bàn học, vì vậy, con cũng không hề có góc học tập, hay những tủ sách chỉn chu như nhiều bạn học sinh khác.

Trung có khả năng tập trung cao và ghi nhớ rất nhanh, nên hầu như những kiến thức thầy cô giảng trên lớp, con đều đã hiểu và thuộc, các bài tập cô giáo giao thì Trung đã làm xong trên lớp. Thậm chí, có những hôm đi học về, con chỉ giở vở bài tập ra làm tầm 10 phút là lại gập sách vở, đứng dậy. Bạn ý giải thích: “Trên đường đạp xe về nhà, con đã làm sẵn bài tập trong đầu rồi, nên giờ chỉ cần vài phút ghi vào vở là xong...”.

Trung cũng không phải đi học thêm như nhiều bạn, mà chủ yếu tự học và tìm hiểu các kiến thức nâng cao qua mạng Internet.

Khi xuống Hà Nội học, thấy các bạn học sinh ở đó ngoài giờ học trên lớp là kín lịch chiều và tối học thêm, mẹ lo lắng giục con đăng ký học thêm, nhưng con vẫn tự tin bảo con tự học được. Thế nên, suốt 3 năm học THPT chuyên, Kiên Trung chỉ đi học ôn ngoài duy nhất Tiếng Anh để thi IESLT và SAT”.

“Mọi người nhìn vào chắc cũng lo lắng và sốt ruột vì Kiên Trung ngủ nhiều, chơi nhiều... Bố mẹ thì thấy bình thường vì từ nhỏ con đã vậy và kết quả học tập từ lớp 10 đến lớp 12 của con vẫn đạt trung bình 9,5- 9,6 nên cũng yên tâm”, chị Thu Loan nói thêm.

Có lẽ, không nhiều bậc phụ huynh có thể thực sự thấu hiểu và sẻ chia hết và giải tỏa kịp thời những áp lực học hành cho các con. Vì vậy, mẹ Kiên Trung cũng bày tỏ: “Thời gian qua, đã xảy ra một số vụ việc đáng tiếc ở lứa tuổi như con mình, tôi vẫn theo dõi và cảm thấy thật sự buồn cho các con xấu số, thương cho cha mẹ các con. Nhưng thực sự với một môi trường giáo dục phần nào vẫn coi trọng thành tích như hiện nay thì không chỉ riêng học sinh mà cha mẹ cũng vô cùng áp lực. Cũng không riêng gì thành phố đâu, kể cả ở miền núi như trên Tuyên Quang này, vẫn có nhiều gia đình lên lịch học thêm cho con kín cả ngày, thậm chí cả kỳ nghỉ hè, hoặc có chuyện buồn cười là đăng ký chỉ mỗi môn tiếng Anh mà học thêm ở tận 3 thầy cô khác nhau.

Trong số ấy, cũng có những bạn nhờ chăm chỉ học thêm mà luôn đứng đầu lớp, nhưng tôi nghĩ, đó không phải do tố chất mà do học sinh ấy đi học thêm bên ngoài và được học trước chương trình.

Tôi vẫn thường giải thích cho các bố mẹ là nếu con gánh được 15kg thì chỉ nên cho con gánh tầm 10-15 kg, con sẽ đi nhanh hơn là bắt con gánh đến 20-25kg sẽ khiến con đi chậm hoặc có thể không đi được. Việc chọn trường, chọn ngành nghề cho con cũng nên căn cứ vào năng lực, sở trường của con, chứ không phải do bố mẹ mong muốn hay yêu thích”.

Hạnh phúc khi thấy con biết giữ gìn bản sắc dân tộc

Không chỉ có thành tích nổi trội trong học tập, Kiên Trung còn gây chú ý khi thành lập một câu lạc bộ giao lưu và lưu giữ giá trị truyền thống. Chị Thu Loan cũng rất tự hào khi nhìn thấy con trai yêu thích và có mong muốn lan tỏa nét đẹp văn hóa dân tộc.

Chị tâm sự: “Kiên Trung người dân tộc Tày, con lớn lên đã rất gần gũi văn hóa các dân tộc của quê hương. Hằng ngày, theo dõi các thông tin nên con biết nét văn hóa các dân tộc, trong đó có dân tộc Tày của con sẽ bị mai một nếu không được duy trì. Có lẽ vì thế, khi cần học một nhạc cụ, con đã quyết định học đàn tính. Trung theo học một nghệ nhân được một thời gian rất ngắn rồi phải tự học ở nhà vì dịch Covid-19 bùng phát mạnh.

Lúc ấy, con chợt nảy ra, nếu chỉ có mỗi mình con học thì chưa thực sự hiệu quả, cần phải lan tỏa cho các em học sinh nhỏ cùng yêu thích và đam mê. Nói rồi, con chọn nhóm học sinh tại khu di tích lịch sử Quốc gia Tân Trào vì nơi đó còn lưu giữ nhiều nét văn hóa dân tộc Tày và có nhiều du khách trong nước và nước ngoài đến thăm.

Thấy con nêu ý tưởng, mẹ thấy vui lắm! Cả nhà bắt đầu lên kế hoạch chu đáo, và sau một tuần, lớp học được khai giảng.

279767801-957585688145042-2295281544552327094-n-1651820694.jpg
Kiên Trung và câu lạc bộ lan tỏa nét đẹp truyền thống qua học đàn tính và hát the.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Kiên Trung có lịch học tại trường nên phải về Hà Nội, con đã nhờ một chị trong câu lạc bộ Đàn tính - Hát then của một xã gần đó thay mình quản lý và dạy tiếp. Bản thân Trung, cứ mỗi thứ 7, Chủ nhật, lại đón xe từ Hà Nội về với lớp.

Toàn bộ kinh phí chi trả từ trang trí, in sách, bồi dưỡng cho người dạy đều do Kiên Trung trích từ tiền học bổng 3 năm học sinh giỏi xuất sắc và tiền công đi làm gia sư để chi trả...”.

“Dù chỉ là một hoạt động nhỏ, nhưng con đã biết góp sức cho quê hương, biết gìn giữ bản sắc của dân tộc mình. Nhìn con say sưa bên các em nhỏ với cây đàn tính, mẹ thấy vui và hạnh phúc vô cùng”, một nụ cười rạng rỡ nở trên gướng mặt người mẹ xứ Tuyên.

(Ảnh: NVCC).