Luôn đồng hành bên con
Mặc dù trở thành thủ khoa khối D1 trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019, song, cô nữ sinh Nguyễn Thị Trà My (Đan Phượng, Hà Nội) lúc đó lại có phần e dè trước niềm vui lớn. Điều này cũng khiến chị Hoàng Thị Nhung (SN 1975), mẹ của My, phải lo lắng không ít.
Nhớ lại thời điểm ấy, chị Nhung cho biết: “Cô con gái thứ hai trở thành Thủ khoa chính là niềm vui đầy bất ngờ đối với cả gia đình. Lúc đi thi về, My cũng có nói là con làm được bài, nhưng không ai nghĩ đến con lại đạt được số điểm cao như vậy. Sau khi xem kết quả thi, cả nhà thấy điểm của con nhưng cũng chưa ai biết con trở thành Thủ khoa, chỉ đơn giản nghĩ rằng với điểm số đó chắc đã đủ để con có thể học ngành con yêu thích tại ngôi trường đã chọn. Ngay bản thân My cũng không để ý đến.
Đến khoảng 5h chiều, có người gọi đến và thông tin My trở thành Thủ khoa, cả nhà nhảy lên vì vui mừng và ôm chầm lấy nhau... Chuỗi ngày sau đó, các báo đài liên tục hỏi thăm và muốn phỏng vấn, thầy hiệu trưởng cũng giới thiệu phóng viên đến tận nhà...”.
“Tuy nhiên, Trà My lúc đó lại tỏ ra khá dè dặt với thông tin này. Bỗng chốc trở thành “tâm điểm” chú ý của nhiều người, con có lẽ không quen... Bố mẹ thì vui mừng, còn My lại cảm thấy áp lực, thậm chí hoang mang, khiến bố mẹ cũng lo lắng theo và phải liên tục từ chối báo chí muốn phỏng vấn. Tôi cũng lo con mới lớn, chuyện này có thể gây áp lực đến con. Vì vậy, một mặt, tôi từ chối bớt báo chí, một mặt, tôi chọn cách thủ thỉ với con rằng, đây là thành quả sau bao tháng ngày học tập của con, con nên tự hào về điều đó... Phải mất một thời gian, My mới bình tĩnh và vững vàng tâm lý hơn. Có người nói vui rằng My “tận hưởng” niềm vui muộn hơn một chút”, chị chia sẻ.
Đó cũng không phải lần đầu tiên Trà My phải đối mặt với những lo lắng của bản thân và cần có mẹ đồng hành bên cạnh.
Chị Nhung còn nhớ: “Hồi Trà My học lớp 8, lớp 9, có những thay đổi về tâm sinh lý, với những biểu hiện rất khác, chẳng hạn, về nhà, con ít nói hẳn đi, thỉnh thoảng lại cáu gắt, đôi khi là “nổi loạn” và thậm chí còn có dấu hiệu chán học mặc dù sức học chưa đến nỗi sa sút... Tôi thấy con là lạ, nên bắt đầu để ý nhiều hơn, đồng thời trò chuyện với giáo viên chủ nhiệm để tìm hiểu nguyên nhân.
Mặc dù, lúc đó, dưới Trà My vẫn còn hai em, tôi cũng khá bận rộn nhưng khi biết con gặp phải một số chuyện không thuận lợi ở trường, thậm chí, có chút tổn thương về tâm lý, người làm mẹ này cũng phải nhanh chóng tìm cơ hội tâm sự với con như hai người bạn, rồi nhờ cô giáo kết hợp để tư vấn thêm. Cuối cùng, sau một thời gian ngắn, con đã trở lại như xưa”.
Có lẽ, với sự quan tâm tỉ mỉ của mẹ, Trà My nhanh chóng vượt qua những giai đoạn “khủng hoảng” của bản thân để tìm lại sự tự tin trước mỗi cánh cửa mới.
“Đặc quyền” cho cô con gái trước mùa thi
Xuất thân trong một gia đình thuần nông tại ngoại thành, Trà My sớm ý thức được tầm quan trọng của tri thức nên chú tâm vào học tập ngay từ khi còn nhỏ. Bên cạnh đó, mẹ cũng thường nhắn nhủ cô con gái chăm chỉ đổi tri thức lấy tương lai.
“My nhìn bố mẹ nhiều khi làm ăn lận đận, chăn nuôi, thu hoạch không thuận, nên cũng rất thương bố mẹ... Tuy nhiên, tôi luôn vỗ về con rằng, bố mẹ vất vả cũng muốn các con học hành tử tế. Nếu con thương bố mẹ, thì hãy học chăm chỉ, sau này không phải lao động tay chân cực khổ như bố mẹ. Bố mẹ cũng chỉ biết hết sức tạo điều kiện để con có thể học tập tốt nhất... Có lẽ con hiểu được những lời tôi nói, nên lúc nào cũng nỗ lực và tận dụng mọi thời gian để học”, chị Nhung nhớ lại.
Khi được hỏi về bí quyết nuôi dạy con, chị Nhung vui vẻ cười xòa: “Bố mẹ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, lại cũng chẳng biết nhiều kiến thức để dạy con. Hồi My còn học những năm đầu tiểu học thì vợ chồng tôi thỉnh thoảng còn kèm con học được chứ lên đến lớp 4 thôi là tôi đã coi như “chịu”, chẳng theo kịp chương trình của các con mà chỉ. Từ lúc này, chủ yếu phải dựa vào tinh thần tự tìm tòi, học hỏi của con. My cũng khá nhanh nhẹn, con mang những phần kiến thức chưa hiểu lên lớp, tranh thủ đầu hoặc cuối giờ học để nhờ thầy cô chỉ thêm”.
Nhìn lại kỳ thi năm 2019, Trà My cho biết, cô không bao giờ ép mình phải thức quá khuya để ôn bài, vì cho rằng đó không phải là cách học hiệu quả. Thay vào đó, Trà My thường dậy sớm khoảng từ 4h sáng để bắt đầu mở ra những trang kiến thức chào ngày mới.
Và để đồng hành cũng cô con gái thứ hai trước kỳ thi quan trọng, chị Nhung cũng thức dậy sớm hơn để chuẩn bị đồ ăn sáng cho có đủ năng lượng cho ngày mới.
Nhắc đến mẹ, cô nữ sinh Trà My không ngại bày tỏ: “Chắc chắn, cũng có những lúc em hư sẽ khiến mẹ phải nghiêm khắc, nhưng đó đều là vì mẹ muốn tốt cho em. Còn lại, mẹ dành trọn vẹn thời gian “trở thành người mẹ tâm lý”. Cả năm lớp 12 đến khi em ôn thi THPT Quốc gia, mẹ cho em một ưu tiên, đó là không phải nấu cơm, làm việc nhà, chủ yếu tập trung vào ôn tập. Đó cũng là dịp em được ăn cơm mẹ nấu thỏa thích, mẹ nấu là ngon số 1 luôn! Đến hiện tại, em đang học đại học mà cuối tuần nào cũng phải chạy xe về với mẹ để được ăn cơm mẹ nấu”.
Nhẹ nhàng vuốt tóc cô con gái với nụ cười rạng rỡ, chị Nhung không khỏi xúc động: “Không phải tôi nuông chiều con, nhưng tôi cũng xác định năm lớp 12 là một gia đoạn quan trọng với con, tôi muốn con không cần quá bận tâm đến nhiều thứ, chỉ tập trung vào mục tiêu của bản thân phía trước... Từ đó tới giờ, các con muốn học gì, theo nghề gì, phát triển đam mê gì, tôi cũng luôn ủng hộ. Không quan trọng là con phải thi được điểm cao hay phải đạt giải này giải kia, chỉ cần con đủ yêu thích để theo đuổi ước mơ của mình, vậy là đủ. Trước kỳ thi, thấy trên báo chí cũng chia sẻ những câu chuyện về áp lực thi cử, tôi chỉ nhẹ nhàng nói với con rằng, dù kết quả thi của con có thế nào, thì đó cũng là thành quả phía sau sự nỗ lực của bản thân... Tôi luôn cho rằng, mình không đặt áp lực gì lên con và tin tưởng con thì con sẽ thoải mái tâm lý và làm tốt hơn”.