Mẹ trẻ hướng dẫn cách ăn tôm giúp con nhận nhiều canxi nhất, chuyên gia nhìn qua đã thốt lên “quá sai lầm”

Tôm tốt cho sức khỏe, chứa nhiều canxi và chất dinh dưỡng khác, tốt cho trẻ nhỏ và cả người trưởng thành. Tuy nhiên, không ít người đang gặp phải những sai lầm khi chế biến và sử dụng.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin chia sẻ của một bà mẹ trẻ cho rằng, việc chế biến tôm giúp con hấp thu được nhiều canxi nhất không phải ai cũng biết. Theo người mẹ trẻ này, khi sơ chế tôm, mọi người chỉ nên bỏ chất bẩn trên đầu và đường chỉ trên lưng tôm, còn lại lấy toàn bộ phần tôm còn lại.

Phần thịt tôm sẽ cung cấp nhiều protein, còn phần vỏ và đầu tôm chứa rất nhiều canxi, vì thế việc bỏ phần vỏ, đầu và chân đi, chỉ ăn phần thịt là mất đi lượng canxi lớn. Đó là lý do vì sao, nhiều mẹ rất chăm cho con ăn tôm nhưng đi khám con vẫn bị thiếu canxi”, người mẹ này chia sẻ.

Theo tư vấn, phần vỏ và đầu tôm khó ăn, nên mọi người hãy xay nhuyễn lọc lấy nước rồi nấu cháo cho trẻ, với trẻ lớn hơn có thể xay rồi lấy nước nấu canh. Còn phần thịt tôm có thể băm, xay nhỏ nấu cháo hoặc chế biến tùy thích vì phần thịt này mềm, trẻ dễ ăn.

Đầu và vỏ tôm chỉ là lớp bảo vệ, không nhiều canxi như mọi người vẫn nghĩ. Ảnh minh họa. 

Trước thông tin trên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về Công nghệ sinh học và Thực phẩm cho rằng, đây là cách làm quá sai lầm, nhưng được rất nhiều người thực hiện. Ông Thịnh cho biết, phần vỏ ngoài của tôm, hay thậm chí là đầu tôm không có nhiều canxi như mọi người vẫn nghĩ. Việc ăn vỏ tôm hay xay nhuyễn để lấy nước nấu, với hy vọng cơ thể hấp thu được nhiều canxi là điều vô nghĩa.

Đây thực chất là lớp vỏ bảo vệ tôm, không giàu canxi như mọi người vẫn nghĩ. Hơn nữa, khi ăn trực tiếp vào cơ thể khó tiêu hóa, vì lớp vỏ này khá cứng và thô ráp”, ông Thịnh khuyến cáo và cho biết thêm rằng: “Phần nhiều canxi nhất chính là thịt tôm”.

Theo ông Thịnh, phần đầu tôm cũng có một số dinh dưỡng nhất định, nhưng không nhiều canxi bằng phần thịt, hơn nữa nó chứa nhiều chất bẩn, dễ tồn dư kim loại nặng nên khi xay nhuyễn nấu ăn nguy cơ nhiễm là khá cao.

Vị chuyên gia này tư vấn thêm rằng, hiện cũng có không ít thông tin cho rằng, tôm biển tốt hơn tôm đồng, điều này là không chính xác. Theo ông Thịnh, tùy vào kinh tế mỗi gia đình mà có sự lựa chọn sao cho phù hợp, vì giá trị dinh dưỡng hai loại tôm này không chệnh lệch nhau nhiều. Thậm chí, tôm đồng có nhiều canxi hơn cả tôm biển.

Thịt tôm mới là nơi chứa nhiều dinh dưỡng và canxi tốt cho cơ thể nhất. Ảnh minh họa. 

Theo bảng thành phần dinh dưỡng Việt Nam (Viện dinh dưỡng Quốc Gia), trong 100g tôm đồng có 76.9 g nước, 90 Kcal, 18.4g protein, 1,8g lipid, 1120mg canxi, 2.20 mg sắt, 42 mg magie, 150mg photpho, 316mg kali, 0.02 vitamin B1, 0.03 vitamin B2 và một số vitamin và khoáng chất khác.

Còn trong thịt của 100g tôm biển có 79.2g nước, 82 Kcal, 17.9g protein, 0.9g lipid, 79mg canxi, 1.60mg sắt, 37mg magie, 184mg photpho, 185 kali, 0.04mg vitamin B1, 0.08mg vitamin B2 và một số vitamin và khoáng chất khác.

Một số lưu ý khi ăn tôm được PGS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo như sau:

- Với tôm lớn không nên ăn phần vỏ tôm, với tôm nhỏ vỏ mềm có thể ăn được nhưng cần ăn ít để thử phản ứng cơ thể, vì nhiều người có thể bị dị ứng với vỏ tôm.

- Không nên ăn đầu tôm vì dễ nhiễm kim loại nặng, vi khuẩn và chất thải của tôm.

- Không nên ăn đường chỉ trên lưng tôm vì đó là ruột, mùi tanh làm giảm chất lượng món ăn.

- Không ăn tôm tái sống vì tiềm ẩn nguy cơ nhiễm ký sinh trùng.

- Không nên ăn quá nhiều, cần ăn thêm đa dạng thực phẩm khác để cơ thể nhận được nhiều nhóm chất và nguồn dinh dưỡng khác nhau.

LÊ PHƯƠNG.