Mẹ trẻ làm lồng đèn trung thu độc lạ bằng gáo dừa cho con khiến ai cũng muốn quay về tuổi thơ ngay lập tức

Ngày Trung thu đã cận kề, đứa trẻ nào cũng nôn nao có một chiếc lồng đèn để xách đi chơi. Những chiếc lồng đèn độc đáo được làm từ gáo dừa cũng bắt mắt chẳng thua kém gì lồng đèn điện tử.

Còn một tuần nữa là đến Trung thu, những chiếc đèn lồng đủ màu sắc lại xuất hiện ở khắp nơi. Nếu những đứa trẻ ngày xưa miệt mài ngồi làm đèn lồng đèn khung tre giấy kiếng, thì thế hệ sau lại mê mẩn trước dàn lồng đèn điện tử đủ kiểu dáng treo đầy nơi các cửa hàng. Nhưng dù có cải tiến bao nhiêu, những chiếc lồng đèn vẫn luôn là thứ gắn liền với tuổi thơ của bất kỳ đứa trẻ nào vào mỗi dịp Trung thu.

Những chiếc lồng đèn làm từ gáo dừa

Chị Khương Thủy (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: "Mình sinh ra vào những năm đầu thập niên 90, vì vậy may mắn là vẫn còn được trải nghiệm ít nhiều không khí Trung thu năm xưa, khi mà các sản phẩm điện tử chưa xuất hiện tràn lan như bây giờ. Hồi ấy, để chuẩn bị cho Trung thu, bọn trẻ con (trong đó có mình) thường phải chuẩn bị từ trước 1-2 tháng, nào là tìm tre vót thành nan tre để làm đèn ông sao, rồi thu gom hạt bưởi phơi khô để đốt, háo hức và hồi hộp chờ đến ngày Rằm. Mọi thứ lũ trẻ đều tự làm từ những thứ tìm được quanh nhà và sự hỗ trợ của người lớn.

Có lẽ cũng vì có nhiều kí ức tuổi thơ chơi đùa bên bụi tre, khóm chuối, cây dừa mà mình rất có cảm tình với các sản phẩm từ thiên nhiên, vì vậy mà khi sinh con, mình cũng chủ trương cho con được tiếp xúc với thiên nhiên ngay từ khi còn nhỏ bằng việc cho bé hàng ngày cùng mẹ, cùng bà ra vườn hái rau, nhổ cỏ.

Riêng về đồ chơi cho con, mình cũng hiếm khi mua đồ chơi nhựa, đồ chơi phát ra âm thanh điện tử lại càng không bởi theo thông tin mình tiếp cận được thì các âm thanh ồn ào đó không chỉ ảnh hưởng đến khả năng tập trung, nhận thức, phát triển trí tuệ của trẻ mà mình thấy nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc của trẻ nữa. Những em bé tiếp xúc nhiều với những âm thanh tivi, tiếng ồn điện tử thường dễ cáu gắt và nặng hơn là những hạn chế về khả năng diễn đạt ngôn ngữ".

Những chiếc lồng đèn khiến nhiều người muốn được quay về tuổi thơ.

Nếu như nhiều bố mẹ khác lựa chọn cho con những chiếc đèn lồng nhiều màu sắc bắt kịp xu hướng được bán trên thị trường thì chị Khương Thủy lại có ý tưởng dành tặng con chiếc lồng đèn tự chế bằng gáo dừa và khiến nhiều người quay lại với những kỉ niệm tuổi thơ.

"Trung Thu là dịp hết sức ý nghĩa của các bạn nhỏ, mình muốn gieo vào lòng con những kỉ niệm về một Tết Trung thu ấm áp, an lành, muốn con cảm nhận được không khí Trung thu năm xưa, vậy là mình rủ chồng bắt tay vào việc tự làm ra chiếc đèn bằng chiếc sọ dừa xin được ở chợ. Mình tính sau Tết Trung thu, có thể đem gáo dừa trồng cây rồi để trên bàn học cho con; hoặc làm đèn treo trang trí trong nhà, thi thoảng đốt nến sáng cho bọn trẻ ngắm, mùa đông trời lạnh có chút ánh lửa cũng làm không khí ấm áp hơn.

Từ chiếc gáo dừa có thể sáng tạo ra vô vàn trò chơi để hấp dẫn bọn trẻ. Trẻ có thể vừa học, vừa chơi thông qua việc sáng tạo đó. Hơn nữa gáo dừa lại là vật liệu khó cháy nên nếu trong quá trình chơi chẳng may có bị đổ thì nến sẽ bị tắt chứ không bị bén rồi cháy thành lửa to như khi dùng một số đèn thủ công khác. Vì vậy nó rất an toàn", chị tâm sự.

Mọi vật dụng mà bà mẹ trẻ làm ra chiếc đèn lồng đều có sẵn, rất dễ tìm, tính ra chi phí rất rẻ mà con lại rất thích thú. Qua bàn tay của mình, chị Thủy đã biến những chiếc gáo dừa đơn giản thành thành khung lồng đèn với những hình thù bắt mắt.

Tận dụng chiếc gáo dừa, những chiếc lồng đèn ra đời

Về quy trình làm, chị Thủy giải thích: "Thời gian để làm ra một chiếc đèn lồng gáo dừa là khoảng 2-3 giờ đồng hồ. Để làm được chiếc lồng đèn gáo dừa thì sau khi chọn được trái dừa khô già, mình cần trải qua các bước: bóc vỏ dừa, cắt một phần đầu, lấy ruột, mài nhẵn, đục lỗ tạo hình, sơn bóng và buộc thêm dây xách và tua rua trang trí. Trong đó, công đoạn mài nhẵn phải làm 2-3 lần để tạo ra được chiếc gáo nhẵn mịn không còn thô ráp. Sau đó đục lỗ tạo thành các hình thù ngộ nghĩnh như hình ngôi sao, hình bông hoa nhỏ, hay khắc theo tên bé. Rồi thoa một lớp dầu dừa để tạo màu tự nhiên cho chiếc gáo dừa, dầu dừa còn giúp kháng khuẩn và có mùi thơm rất dễ chịu nữa".

Nghe thì quá đơn giản, nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy không hề dễ dàng. Chị Thủy cho biết, làm đèn gáo dừa ngại nhất và khó nhất là khâu tạo hình vì chiếc gáo rất cứng và lúc đầu mình làm thủ công từ những dụng cụ có sẵn trong nhà nên tốn khá nhiều thời gian và sức lực trong khâu cắt gáo, mài bóng bằng giấy nhám rồi đục lỗ.

"Tuy nhiên, mình nghĩ rằng chiếc đèn đẹp nhất không phải là chiếc đèn có nhiều hoa văn cầu kì nhất mà đó là chiếc đèn mang đến nhiều cảm xúc an lành cho con và bạn nhất. Có thể chỉ là một chiếc gáo dừa xù xì với những chấm tròn đơn giản nhưng vì nó được tạo ra từ tình yêu bạn dành cho con thì đó chính là chiếc đèn lồng đẹp nhất, là món quà vô giá bạn dành cho con", mẹ trẻ nói thêm.

Tâm hồn trẻ được ví như một tờ giấy trắng và cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên của con trong cuộc đời. Những đứa trẻ sẽ nhìn hình ảnh của bố mẹ để lớn lên và trưởng thành từng ngày. Vì thế để dạy một đứa trẻ hiểu việc sống xanh thì trước tiên chính chúng ta phải là người thực hành điều đó mỗi ngày. Chính vì vậy, mỗi mùa trung thu chị Thủy quyết định làm lồng đèn từ vật dụng thân thiện với môi trường.

"Các sản phẩm hiện đại có mẫu mã rất đa dạng, màu sắc bắt mắt và những âm thanh dễ thu hút sự chú ý của trẻ. Tuy nhiên trẻ háo hức chơi rồi lại rất nhanh chán. Hầu hết chúng làm bằng nhựa và chưa kể đến một số loại còn làm từ những vật liệu kém chất lượng nên rất nhanh hỏng và thường vẫn được giữ lại trong nhà mà rất ít có dịp được bọn trẻ "ngó" đến, chúng vô tình trở thành những thùng rác, rổ rác trong nhà ngày này qua ngày khác. Mình thấy nhiều nhà chất đồ chơi thành từng đống to mà bé thì vẫn không biết chơi gì.

Ngược lại, đồ chơi từ thiên nhiên luôn sẵn có ở xung quanh chúng ta, nếu để ý và sáng tạo chút thì có thể có cả bộ sưu tập đồ chơi theo mùa cho bé, giá thành cũng rẻ có thứ còn không mất tiền và lại rất bền, bé chơi được nhiều lần và sáng tạo theo trí tưởng tượng của trẻ. Khi trẻ chán không thích chơi có thể dùng để làm trang trí trong nhà. Hoặc nếu có hỏng thì nó cũng thành thứ rác tự nhiên, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Đó sẽ là một bài học trực quan nhất cho trẻ về việc sáng tạo để tăng mục đích sử dụng cho đồ vật, cho con làm quen và từ đó tạo cảm hứng để con yêu thích các sản phẩm thiên nhiên ngay từ khi còn nhỏ", chị Thủy tâm sự.

Chị Thủy còn tận dụng những chiếc gáo dừa để làm chậu trồng cây.

Cha mẹ hoàn toàn có thể làm chiếc lồng đèn Trung thu bằng gáo dừa cho bé theo những bước thực hiện do chị Khương Thủy chia sẻ dưới đây:

Nguyên liệu: Gáo dừa khô (lưu ý chọn gáo tròn, vỏ dày đều, kích thước gáo to, nhỏ tùy ý), dầu dừa, dây dù, máy khoan tạo lỗ, kéo, giấy nhám.

Cách làm:

Bước 1: Làm sạch vỏ và cùi dừa để lấy được sọ dừa (gáo dừa) bên trong

Bước 2: Dùng giấy nhám mài cho sạch hết phần sơ dừa và tạo độ bóng cho vỏ gáo

Bước 3: Dùng khoan để tạo lỗ thành các họa tiết ngôi sao, mặt trời.. hoặc khắc tên bé.

Bước 4: Quét dầu dừa lên mặt trong và ngoài của vỏ gáo vừa để tạo màu tự nhiên, vừa giúp kháng khuẩn mà chiếc đèn gáo dừa lại có mùi dầu dừa rất thơm.

Bước 5: Cột thêm dây xách và tua rua trang trí là bạn đã có một chiếc đèn lồng rất độc đáo cho bé.

Lưu ý: Bạn có thể mua dừa lấy nước uống còn phần gáo để làm đèn; hoặc xin vỏ gáo ở các hàng bán dừa trong chợ luôn có rất nhiều.

Ảnh: NVCC