Có câu “đầu xuôi, đuôi lọt”, nếu bạn mở đầu ấn tượng, tạo thiện cảm tốt với nhà tuyển dụng thì không khí buổi phỏng vấn tiếp theo sẽ thuận lợi hơn. Đây cũng là dịp để bạn chủ động chia sẻ về bản thân và thể hiện được kỹ năng giao tiếp.
Dưới đây là một vài mẹo để có phần giới thiệu bản thân khi phỏng vấn “không chê vào đâu được”, hãy cùng xem đó là gì nhé.
Lời cảm ơn
Bạn có thể mở đầu buổi phỏng vấn bằng lời cảm ơn khi tham gia tuyển dụng việc làm Phú Yên, Đà Nẵng, Huế… chẳng hạn như: “Tôi/ (em) là Trần Bảo An, 27 tuổi. Trước hết tôi xin cảm ơn nhà tuyển dụng đã tạo cơ hội để có cuộc gặp chia sẻ về bản thân ngày hôm nay. Em thực sự trân trọng cơ hội quý giá này…”.
Lời cảm ơn thể hiện thái độ tự tin, chân thành và sự chuyên nghiệp của bạn. Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng cũng sẽ thấy hài lòng hơn khi nghe lời cảm ơn chân thành từ ứng viên. Hơn thế nó còn thể hiện rằng bạn thực sự nghiêm túc và trân trọng cơ hội phỏng vấn.
Tập trung vào nội dung chính
Trong phần giới thiệu bản thân khi phỏng vấn, bạn nên tập trung thẳng vào các luận điểm chính, không lan man dài dòng, mất thời gian.
Sau lời cảm ơn, bạn giới thiệu về học vấn, quá trình làm việc, kinh nghiệm tích lũy và kỹ năng mà bạn học hỏi được. Hơn thế, nếu bạn đã đạt được những thành tích trước đây thì cũng nên cập nhật luôn vì đây chính là một ưu thế giúp bạn ghi điểm tốt với nhà tuyển dụng. Bạn cũng nên chọn cách nói nhẹ nhàng, thoải mái, cùng với ánh mắt nhìn thẳng, và gương mặt có nét cười nhẹ…
Nhấn mạnh được ưu điểm (ưu thế) nổi bật của bản thân
Trước khi tham gia ứng tuyển chắc chắn bạn đã tìm hiểu về công ty, về tính chất công việc và tiêu chí tuyển dụng. Bạn cảm thấy mình có những ưu thế nổi bật nào khi ứng tuyển tại đây thì nên thể hiện ở phần giới thiệu này. Tuy nhiên bạn nên diễn đạt khéo léo và thuyết phục nhà tuyển dụng bằng dẫn chứng thực tế. Thay vì nói “Tôi có kỹ năng giao tiếp tốt, kỹ năng làm việc nhóm tốt…” thì bạn nên giới thiệu: “Trong 2 năm làm việc ở vị trí X tôi thường xuyên làm việc với nhiều phân khúc khách hàng đối tác và đã hoàn thành tốt. Chính công việc đó đã rèn luyện cho tôi kĩ năng giao tiếp hiệu quả”.
Trong trường hợp nếu công việc đặc thù thì bạn nêu ra các kỹ năng cứng mà bạn đã thành thạo. Nhà tuyển dụng dựa trên cơ sở đó để “cho điểm” phần năng lực của bạn. Chú ý là khi nhấn mạnh ưu thế nên có sự khéo léo, tránh rơi vào khoe khoang hoặc mang tính lý thuyết, chung chung.
Cách trình bày rõ ràng với thái độ chừng mực
Bất kể bạn là ứng viên dày dặn kinh nghiệm hay mới ra trường thì khi gặp gỡ nhà tuyển dụng trong cuộc phỏng vấn cần giữ một thái độ chừng mực và cách truyền đạt rõ ràng. Tuy nhiên, tùy thuộc vị trí ứng tuyển, tính chất công việc bạn có thể chọn cách giao tiếp trang trọng, hay sinh động, dí dỏm… Ví dụ, bạn ứng tuyển làm người dẫn chương trình thời sự ở đài truyền hình sẽ chọn cách nói nghiêm túc, trang trọng…, còn khi bạn ứng tuyển làm công tác viên báo Tuổi trẻ cười chẳng hạn thì bạn nên chọn cách giới thiệu bản thân hài hước… như vậy sẽ thu hút được nhà tuyển dụng hơn.
Trung thực và khiêm tốn
Trung thực và khiêm tốn là thước đo cho nhân cách của con người nói chung và ứng viên nói riêng. Tất cả nhà tuyển dụng đều mong muốn tìm kiếm được đội ngũ nhân sự trung thực, biết rõ khả năng của mình và luôn luôn có tinh thần học hỏi để nâng cấp bản thân từng ngày.
Một số ứng viên mắc sai lầm nghiêm trọng khi cố gắng tâng bốc bản thân nhằm tạo sự thu hút với ứng viên nhưng không biết rằng điều này lại phản tác dụng. Không khó để nhà tuyển dụng nhận ra ứng viên nói dối và khoe khoang.
Nếu bạn chưa phải là ứng viên xuất sắc thì cũng không nên gây thu hút nhà tuyển dụng bằng những thông tin sai lệch. Bởi vì khi bị phát hiện ra, bạn sẽ bị cho vào “danh sách đen”.
Giới thiệu bản thân khi phỏng vấn là bước đầu tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng. Trước khi đặt ra các câu hỏi, họ muốn ứng viên chủ động chia sẻ về bản thân đồng thời qua đó kiểm tra kỹ năng giao tiếp của ứng viên. Nếu bạn sắp có buổi phỏng vấn quan trọng thì hãy tham khảo những thông tin trên để có màn giới thiệu bản thân thu hút và ghi điểm cao nhất nhé.