Một lần xem trộm tin nhắn của con gái, tôi đệ đơn ra tòa đòi chồng cũ 3 tỷ đồng

Chuyện này đã kéo dài suốt 2 năm liền mà tôi không hề hay biết.

Tôi thấy nhiều cặp vợ chồng cố gắng ở với nhau chỉ vì con cái, lúc tôi muốn ly hôn, nghĩ đến điều đó tôi đã "cười khẩy" cho qua vì cho rằng bản thân không bao giờ làm vì điều đó. Thế nhưng giờ đây có lẽ tôi đã hối hận một chút ít.

Tôi hiện là một bà mẹ đơn thân của một cô con gái học lớp 7. Vợ chồng chúng tôi ly hôn cũng đã được nhiều năm, hai mẹ con có cuộc sống khá ổn định vì tôi có công việc tốt, mức thu nhập ổn định. Hơn hết tôi còn có 1 căn nhà cũ do bố mẹ đẻ tôi cho nhưng không dùng đến, tôi cho thuê lấy tiền nuôi con ăn học.

Con gái tôi ngoài có cuộc sống tốt về vật chất, tinh thần của bé cũng hoàn toàn bình thường sau nhiều năm bố mẹ ly hôn, hàng ngày bé rất hạnh phúc, vui vẻ với cuộc sống chỉ có mẹ, ông bà và bạn bè. Bé luôn đạt thành tích học tập tốt, thậm chí còn đạt nhiều giải ở các môn năng khiếu vẽ và làm người dẫn chương trình nhí.

Ảnh minh họa

Kể thế để mọi người biết rằng việc tôi cảm thấy cuộc sống của hai mẹ con rất ổn thỏa suốt nhiều năm qua là điều ngẫu nhiên và tôi cũng chưa có ý định có bố mới cho con. Cho đến khi tôi phát hiện ra mọi thứ đều không như tôi nghĩ, tôi đã vô cùng sốc về điều đó.

Chẳng là tôi đã sắm cho con gái một chiếc điện thoại để hai mẹ con liên lạc những khi cần. Tôi hoàn toàn tin tưởng con gái mình không chơi bời gì nên rất ít khi động vào điện thoại của con gái.

Cho tới một lần vô tình xem điện thoại của bé khi con để quên ở nhà lúc đi học, tôi đã vô cùng choáng váng với loạt tin nhắn được gửi đi đều đặn 2 năm nay tới một số điện thoại mà con lưu với cái tên "Thuyền trưởng". Cái tên khiến tôi khá giật mình vì nó liên quan đến chồng cũ của mình, anh là một thủy thủ và trước kia, khi còn chung sống, hai bố con cũng thường nhắc đến nhiều hai chữ "Thuyền trưởng" mỗi lần chơi đùa cùng nhau.

Linh tính mách bảo, tôi mở ra xem những tin nhắn mà con tôi nhắn tin với người đó thì quả thực, người đó chính là chồng cũ của tôi. Điều tôi sốc nhất chính là tin nhắn cuối cùng mà anh ta gửi đến cho con gái tôi là đầu năm 2022 nhưng trong suốt 2 năm qua, từ lúc đó cho đến tận tháng trước, ngày nào con gái tôi cũng gửi tin nhắn cho bố:

- Bố ơi, chủ nhật này con gặp bố được không?

- Bố ơi bố có đọc được tin nhắn không?

- Bố ơi, bố trả lời con đi!

- Bố ơi, bao giờ thì bố về

...

Ảnh minh họa

Và tin nhắn cuối cùng mà con gái gửi đi đã báo không gửi được vì "số điện thoại này hiện không khả dụng". Ngoài các tin nhắn còn rất nhiều các cuộc gọi không được kết nối. Máu tôi như "sôi sục" lên khi đọc được những dòng tin nhắn con gái gửi không có hồi âm đó bởi tôi biết anh ta vẫn hiện diện ở thành phố mà hai mẹ con sống chứ không hề có chuyện gì, thông tin do một số người bạn tôi nói.

Hóa ra bao năm qua, dưới cái mác vỏ bọc về một cuộc sống hồn nhiên, vui tươi, con gái tôi vẫn nuôi một ý định được gặp gỡ bố, được yêu thương và kết nối với bố. Thế nhưng ngược lại, người đàn ông đó đã bỏ mặc nó từ lâu, quyết không hồi âm, thậm chí là cắt liên lạc một cách tuyệt tình như vậy.

Tôi thực sự đã "rất điên" khi biết được điều đó, rằng con gái tôi thèm khát sự yêu thương của bố nó tới mức nào mà không được đáp trả. Thế nhưng giờ đây tôi cũng không biết phải nói với con gái thế nào để bé thôi hy vọng về một người cha bội bạc như vậy. Quá đau lòng!

Tôi chỉ biết trước mắt sẽ làm thủ tục kiện anh ta ra tòa, đòi hơn 3 tỷ đồng tiền trợ cấp nuôi con mà đáng ra bao năm qua anh ta phải đưa cho tôi để nuôi con nhưng chưa hề chi ra một đồng. Xong khoản tiền này, tôi sẽ làm công tác tư tưởng cho con gái.

Tâm sự từ độc giả chimai...

Theo điều 110, điều 116 và điều 117 luật Hôn nhân và gia đình, cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con.

Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng.

Trong trường hợp cha mẹ không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con hoàn toàn có thể bị kiện ra tòa để giải quyết.

Ngoài nghĩa vụ về tiền bạc, cha mẹ sau khi ly hôn còn có trách nhiệm trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng con cái để trẻ có thể phát triển toàn diện và hạnh phúc:

- Cung cấp tình yêu thương và sự ủng hộ: Bố mẹ hãy luôn luôn thể hiện tình yêu thương, và sự quan tâm nhiều hơn, vững chắc hơn đối với con cái sau ly hôn. Bởi vì những đứa trẻ ở trong hoàn cảnh này, thực sự rất cần được bố mẹ thể hiện tình yêu thương không điều kiện, và tạo ra một môi trường an toàn, ủng hộ để con cảm thấy mình không cô đơn, hay bị bỏ rơi.

- Thiết lập một môi trường ổn định: Dù sống với bố hay mẹ sau khi bố mẹ ly hôn, thì bố mẹ cần thiết lập một môi trường ổn định cho con cái. Điều này bao gồm việc thiết lập lịch trình gặp gỡ và thời gian chung với con, tạo ra một sự ổn định trong cuộc sống hàng ngày của trẻ. Bố mẹ cần hợp tác để xây dựng một môi trường không chỉ về vật chất, mà còn về cảm xúc và tình cảm.

- Hỗ trợ tài chính: Bố mẹ cần chia sẻ trách nhiệm tài chính, và đảm bảo rằng con cái nhận đủ sự chăm sóc và tiện nghi cần thiết. Điều này có thể bao gồm việc đóng góp vào chi phí nuôi dưỡng, giáo dục, y tế và các hoạt động giải trí của con. Bố mẹ cần thảo luận và đưa ra sự thỏa thuận công bằng về tài chính, để đảm bảo rằng cả hai phụ huynh đều cùng chịu trách nhiệm, và đóng góp vào việc chăm sóc, nuôi dạy con cái.

- Thúc đẩy giao tiếp và hợp tác: Bố mẹ cần thúc đẩy giao tiếp và hợp tác hiệu quả với nhau trong việc quản lý, và chăm sóc con cái. Việc liên lạc thường xuyên và chia sẻ thông tin quan trọng về sức khỏe, giáo dục và các hoạt động ngoại khóa giữa hai bên là rất quan trọng. Bố mẹ nên có thái độ lắng nghe, và cởi mở khi thảo luận về quyết định quan trọng liên quan đến con, đồng thời đưa ra những quyết định hợp tác và tốt nhất cho con cái.

- Tránh tranh cãi trước mặt con: Bố mẹ nên tránh tranh cãi và xung đột trước mặt con cái. Điều này góp phần vào việc duy trì một môi trường hòa thuận, và không tạo ra áp lực về mặt tâm lý cho trẻ. Bố mẹ nên tìm cách thương lượng, và giải quyết mâu thuẫn ngoài "tầm nghe, nhìn" của con cái, để bảo vệ sự an toàn về tinh thần và tâm lý của trẻ.

- Hỗ trợ tâm lý và cảm xúc: Ly hôn có thể ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và cảm xúc của con cái. Bố mẹ cần đặc biệt quan tâm, và hỗ trợ trẻ trong quá trình thích ứng với sự thay đổi này. Bố mẹ nên lắng nghe chia sẻ của con, trò chuyện và đưa ra lời khích lệ, và trong một số trường hợp cần thiết thì bố mẹ cũng nên xem xét sự hỗ trợ tâm lý chuyên nghiệp từ các chuyên gia, bác sĩ.

- Giữ mối quan hệ tốt với nhau: Dù đã ly hôn, bố mẹ cũng cần cố gắng duy trì một mối quan hệ tốt với nhau, đặc biệt khi liên quan đến việc chăm sóc con cái. Việc tạo ra một môi trường hợp tác, và tôn trọng giữa hai bên sẽ giúp con cảm nhận sự ổn định và yên tâm. Bố mẹ nên tránh đổ lỗi lẫn nhau, hay tranh cãi trước mặt con, thay vào đó là hãy tìm hiểu, cũng như thống nhất cách giải quyết mâu thuẫn một cách hòa bình, trên tinh thần xây dựng, tốt cho con.

Trong tất cả các trường hợp, trách nhiệm chung của bố mẹ sau ly hôn là đặt lợi ích của con lên hàng đầu. Bằng cách thực hiện những trách nhiệm và nghĩa vụ này, bố mẹ có thể đảm bảo sự phát triển toàn diện, lành mạnh và mang lại cho con cái một cuộc sống hạnh phúc sau khi trải qua sự chia ly của bố mẹ.

THEO PHAN NGUYỄN (GHI)