Mùa xuân cổ tích đến với chàng trai “Nick Vujicic của Việt Nam”

Tai nạn điện giật làm chàng sinh viên mất đôi tay. Trong lúc điều trị, anh được một người đàn ông mất đôi tay khác gần gũi, động viên và nảy sinh tình cảm với con gái của người này. Tình cảm của đôi trẻ bị cha cô gái phản đối dữ dội. Những tưởng cuộc sống lấy đi hết tương lai của chàng trai trẻ...

Tình yêu cổ tích nảy sinh trong nghịch cảnh

Anh Nguyễn Thế Cường (SN 1982, ở Quảng Nam), từng là niềm hãnh diện của cả gia đình khi đậu vào trường đại học Bách khoa TP.Đà Nẵng - ngôi trường top đầu ở miền Trung. Do gia đình khó khăn, muốn san sẻ gánh nặng tiền học hành cùng cha mẹ nên mùa hè năm học thứ hai, Cường theo người quen đi làm phụ hồ. Đôi tay quen cầm bút dù chai sần vì những mẻ bê-tông nhưng Cường vui khi nghĩ hết 3 tháng hè, sẽ có tiền nộp học, mua giáo trình...

Nhưng cái ngày ấy đã không đến. Một chiều, khi đang đứng ở tầng 2 của công trình, trời bỗng sấm sét, điện phóng từ đường dây 220 kV sang trúng người Cường khiến anh bị chấn thương nặng, phải nhập viện. Tai nạn làm cơ thể cháy sém 97%. Trải qua ba lần tháo khớp, đôi tay anh chỉ còn là hai đụn thịt dính vào phần bả vai.

muaxuannick1-1614562449.jpg
Gia đình hạnh phúc của chàng "Nick Vujicic của Việt Nam"

Từ một thanh niên tương lai rạng ngời bỗng dưng trở thành người cụt hai tay, anh Cường buồn bã, trầm cảm, có nhiều suy nghĩ tiêu cực.

Hiểu được tâm lý của con, cha mẹ luôn động viên, trở thành điểm tựa vững chãi cho anh. “Con mất hai tay nhưng vẫn còn chân, còn mắt đã là may mắn. Con còn sống là cha mẹ còn vui. Con mà chết thì cha mẹ cũng chết theo”, mẹ anh nói. Thương mẹ, yêu cha, Cường tự dặn lòng phải vượt qua, không thể cứ sống trong tiêu cực.

Nhớ tới câu chuyện thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký luyện đôi chân có thể làm mọi thứ sau khi bị liệt hai tay, Cường đóng cửa 3 ngày để tập viết bằng đôi chân. Lưng mỏi nhừ, những ngón chân cứng đơ, nhưng rồi anh cũng điều khiển được. Những nét chữ dần thành hình. Sau đó, anh tập làm mọi việc bằng đôi chân. “Dù rất khó nhưng đó là lựa chọn cuối cùng, không thể khác được”, anh nói. Thấy con trai lấy lại được niềm tin vào cuộc sống, cha mẹ Cường cũng nở nụ cười.

Năm 2005, anh Cường được một tổ chức đưa vào TP.HCM lắp tay giả. Tại đây, anh gặp Thư - sinh viên trường đại học Quy Nhơn (Bình Định). Tranh thủ trước ngày nhập học, cô đưa cha từ Gia Lai vào TP.HCM lắp tay giả. Trong cuộc gặp gỡ, cha cô thấy thương chàng trai mới lớn đã mất cả đôi tay. Ông muốn trò chuyện, tạo động lực để anh có niềm tin sống. Về nhà, mỗi tuần, ông gọi điện trò chuyện với Cường. Mỗi khi đau, mệt, ông đề nghị con gái thay mình tiếp chuyện cùng anh.

“Ba năm như thế, những cuộc trò chuyện nối dài. Có hôm, chúng tôi trò chuyện 2 -3 giờ đồng hồ. Tình cảm của chúng tôi lớn dần theo năm tháng. Chính chúng tôi cũng không biết tình yêu bắt đầu từ đâu”, chị Thư chia sẻ.

Một ngày, anh Cường lấy hết can đảm, rủ chị Thư xuống TP.Đà Nẵng chơi. Hôm rủ, anh không dám hy vọng chị sẽ xuống. Thế nhưng, chị bắt xe xuống thật. Lúc gặp, cả hai nhanh chóng bỏ qua giây phút ngượng ngùng cùng đi cà phê, đi chơi. Món quà đầu tiên anh mua tặng chị là chiếc móc khóa hình trái tim. Không lời tỏ tình, nhưng cả hai đều ngầm hiểu, trái tim họ từ đây đã thuộc về nhau.

Giông tố

Tình yêu chín, cặp đôi ngập tràn hạnh phúc.Một bữa, cha chị sừng sộ: “Mày với thằng Cường yêu nhau phải không?”. Thấy cha tức giận, chị không nói nên lời. Cha bước ra khỏi nhà. Cánh cửa đóng sầm trước mắt chị. Chị biết tình yêu này rồi sẽ trải qua giông tố. Nhưng kể từ đó cho đến khi chị ra trường và xin vào dạy tại một trường tiểu học ở quê nhà, hai người vẫn yêu nhau.

Một lần, anh Cường bắt xe, vượt 600km từ TP.Đà Nẵng lên nhà bạn gái ở Gia Lai để thuyết phục cha người yêu. Ông đóng cửa, không tiếp. Chẳng biết phải làm gì, anh quỳ gối trước nhà, mong cha người yêu mở lòng. Lòng ông như sắt đá, không hồi đáp. Suốt nhiều tháng sau đó, cứ cuối tuần, anh lại lên Gia Lai, quỳ gối trước nhà người yêu. Nhiều người hàng xóm thấy vậy, khuyên nhủ ông nên chấp thuận vì tấm lòng của chàng thanh niên. Ông gạt bỏ. Thậm chí, ông nói với chị Thư: “Mày nói nó về đi. Cha không bao giờ chấp nhận”.

Nhắc nhớ về khoảng thời gian này, anh Cường bồi hồi: “Tôi chẳng biết tại sao lúc ấy có thể quỳ và kiên trì đến thế. Tôi chỉ có thể lý giải, đó là tình yêu”. Khi được hỏi: “Anh có ghét cha người yêu vì đã khước từ mình như vậy không?”. Anh Cường cười: “Không, ông bị mất tay nên hiểu rất rõ vợ con phải chịu khổ như thế nào. Ông ngăn cản để con gái được sống tốt hơn là điều dễ hiểu. Nếu tôi là ông thì tôi cũng lựa chọn như thế”.

Chỉ có chị Thư là người đứng giữa, không biết phải xử lý thế nào. Rồi chị được người quen bày cách, đến nhà thờ nhờ vị linh mục xuống nhà phân tích, thuyết phục, hy vọng lay chuyển được cha chị. Vị linh mục cũng đến vài lần, tuy nhiên, kết quả vẫn không thay đổi.

Cuối cùng, sau 5 năm thuyết phục gia đình bất thành, chị Thư quyết định đi theo tiếng gọi của tình yêu. Đầu tháng 7/2009, chị bắt xe về nhà người yêu ở tỉnh Quảng Nam và nói với mẹ anh: “Con muốn cưới anh Cường làm chồng”. Mẹ anh sững sờ, hỏi đi hỏi lại nhiều lần vì bà hiểu, con trai mình là người khuyết tật. Nhưng chị vẫn giữ nguyên quan điểm.

Quá thương con, bà đồng thuận, gọi điện mời bà con ruột thịt đến tham dự lễ cưới thay thiệp mời. Đám cưới chỉ chuẩn bị vỏn vẹn trong ba ngày với mười mâm cỗ đơn sơ, giản dị. Ngày chị Thư khoác chiếc váy cô dâu, hàng trăm người đều đến xem dù không được mời. Họ tò mò xem người con gái nào dám cưới anh Cường không tay. Lễ hợp hôn, mẹ chú rể giải thích: “Do đường sá xa xôi, nhà trai không thể tham dự, mong bà con thông cảm và chúc phúc cho hai con chúng tôi”. Đứng trên bục tân hôn, chị rơi nước mắt, trong niềm hạnh phúc lứa đôi có chút xót xa, tủi hổ.

Hạnh phúc cổ tích

Sau ngày cưới, chị Thư bỏ việc về ở hẳn nhà chồng. Cha chị gửi thư có giấy cắt hộ khẩu cùng lời nhắn: “Con đã theo chồng, trái lời cha thì coi như không có người cha này nữa”. Mặc dù vậy, anh chị vẫn trở về, đặc biệt là những ngày giỗ, Tết. Dù thấy nhau, nhưng cha chị không một lời hỏi thăm. Ông coi như vợ chồng chị không tồn tại. Thậm chí, ông còn bảo: “Tao đâu có con gái mà có con rể”. Bữa ăn, anh thường trốn ngoài vườn, tránh gặp mặt cha vợ.

Năm 2011, chị Thư mang thai và sinh con. Cuối năm ấy, mình chị bồng con về giỗ mẹ. Một buổi trưa, chị ở ngoài vườn, đứa bé khóc lớn. Chị đang làm việc dở tay nên chưa thể vào. Chị bất ngờ khi cha chị hét: “Con khóc kìa”. Khi chị bước vào, đứa bé đã được ông ngoại ru và nguôi khóc. Nước mắt chị rơm rớm. “Đó là lần đầu tiên sau nhiều năm, cha mới mở lời lại với tôi”, chị kể lại.

Tối ấy, chị gọi điện kể lại với chồng. Ngay trong đêm, anh bắt xe lên Gia Lai. Trong bữa cơm làm lành, ông nói: “Mày đừng bao giờ làm con cha khổ”. Anh xúc động: “Dạ, con hứa”. Sau lần đó, ông xuống Quảng Nam giúp vợ chồng con gái giữ cháu. Thậm chí, về sau, ông còn cầm cố tài sản ở quê cho con rể làm ăn.

Riêng anh Cường, sau kết hôn, đã làm nhiều nghề như sửa đồ điện tử, dịch thuật tài liệu nước ngoài, thợ hàn, mở tiệm Internet... để kiếm sống. Năm 2015, vợ chồng anh vay tiền, mua hơn 100m2 đất, cất căn nhà sống riêng. Cùng thời gian, cậu con trai thứ hai ra đời.

Vợ chồng anh Cường cười tươi nói: “Mọi giông tố đã qua, chúng tôi hạnh phúc với hiện tại. Gia đình giờ đã đầm ấm. Cuộc sống dù còn khó khăn trong tương lai nhưng mùa xuân này, chúng tôi rất hạnh phúc”.

Huy Cường