Không quá tập trung vào hình thức
Thời gian gần đây, câu chuyện về giá sách giáo khoa (SGK) năm học 2022-2023 theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ diễn ra với khối lớp 3,7, và lớp 10nhận được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh.
Theo công bố công khai của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, một bộ SGK lớp 3 có giá từ 177.000 đồng đến 183.000 đồng. Bộ SGK lớp 7 từ 208.000 đồng đến 209.000 đồng. Bộ SGK lớp 10 từ 246.000 đồng đến 301.000 đồng. Và tất cả giá này đều chưa bao gồm sách cho bộ môn tiếng Anh.
Giá sách này được đánh giá đắt gần gấp đôi so với chương trình cũ. Khi với cùng khối lớp, giá sách trước kia chỉ dao động từ 58.000 đồng đến 172.000 đồng.
Liên quan đến câu chuyện giá SGK tăng giá, nhiều ít ý kiến của phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn cho rằng không cần thiết SGK phải in 4 màu đẹp mà cần giảm chi phí để con em họ có thể tiếp cận được đầy đủ bộ sách, trao đổi với Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho rằng: “Đối với việc tăng giá sách giáo khoa, đặc biệt một số phụ huynh nói không cần màu sắc quá sặc sỡ mà quan trọng là chất lượng nội dung của chương trình giáo dục, tôi cho rằng điều này là hợp lý”.
Bà Thúy gợi nhắc, nhìn lại 20 năm về trước, khi bà đi học cũng rất đơn giản, sách có thể chỉ là đen trắng nhưng quan trọng chất lượng, nội dung của cuốn sách đó sẽ mang lại hiệu quả tốt.
“Nếu có điều kiện hơn thì sách vở có thể được thiết kế đẹp hơn, tuy nhiên không nên quá tập trung vào hình thức mà quan trọng chất lượng nội dung. Nên, nếu có thể tiết giảm hình thức cuốn sách, đầu tư đến chất lượng, giảm giá thành cho phụ huynh, đặc biệt phụ huynh ở vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa để các em có thể tiếp cận tri thức là điều tốt nhất”, đại biểu Thúy bày tỏ.
Cùng với đó, ĐBQH Đoàn Thị Lê An (Đoàn Cao Bằng) cho rằng việc thay đổi sách giáo khoa rất hợp lý, tuy nhiên thực tế chưa phù hợp với từng vùng miền, nhất là những tỉnh vùng núi, vùng sâu vùng xa…
“Theo tôi quan trọng là chất lượng bên trong cuốn sách, như vậy cũng vừa đảm bảo cho trẻ em ở vùng sâu vùng xa không có điều kiện kinh tế dễ tiếp cận được tri thức.
Hiện nay, một số sách giá thành cao, nên nhiều phụ huynh không có đủ điều kiện mua sách cho con, chỉ tối thiểu được sách cơ bản, còn những sách nâng cao hoặc tham khảo thêm thì phụ huynh không đáp ứng được”, bà An quan ngại.
Tăng theo lộ trình
Trong khi giá SGK vẫn đang nhận được sự quan tâm của dư luận, thì mới đây HĐND TP. Hà Nội vừa đưa ra dự thảo nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026.
Cụ thể, học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi năm học 2022 - 2023 ở vùng 1 và vùng 2 là 300.000 đồng, với vùng 3 là 100.000 - 200.000 đồng, vùng 4 là 50.000 - 100.000 đồng/tháng.
Nếu so sánh theo từng cấp và khu vực - trừ bậc THPT - vùng 1 và 2 có mức học phí tăng từ 217.000 đồng (năm 2021) lên 300.000 đồng, học phí các bậc còn lại đều tăng khoảng gấp đôi so với năm ngoái.
Về vấn đề này, trao đổi bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Lê Thanh Vân, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội cho rằng việc tăng các loại thuế, phí, trong đó có học phí là áp lực khách quan.
Bởi, chỉ số tiêu dùng hiện đang tăng hơn trước rất nhiều, nhất ở trên thế giới các nước đang chịu áp lưc lạm phát, khủng hoảng chính trị Nga-Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng.
Mặc dù nguồn cung không khan hiếm nhưng bị đứt gãy các chuỗi nghiêm trọng, làm cho việc lưu thông hàng hoá, dịch vụ cung cấp bị ngưng trệ dẫn đến chi phí giá thành hàng hoá tăng lên. Và tác động đến chỉ số tiêu dùng tăng lên.
“Khi chi phí cho tất cả các hoạt động quản lý, sinh hoạt tăng, phải có nguồn bù đắp nên phải tăng thuế, tăng phí”, đại biểu Vân nói và cho biết đây là xét theo khía cạnh của người sử dụng hoạt động quản lý và dịch vụ.
Còn người bị tác động lại phải có nghĩa vụ đóng thuế, phí. Vậy họ lấy nguồn đâu ra? Do đó, phải có công bằng trong ứng xử, đó là phải chia sẻ rủi ro cả 2 bên như nhau, đại biểu Vân cho rằng cần phải có một lộ trình, có một mức tăng hợp lý với hoàn cảnh hiện nay.
“Mức học phí tăng 5 lần như vậy là điều không thể chấp nhận, vô lý. Bởi, phải tương ứng với tăng các chỉ số giá tiêu dùng”, vị đại biểu nhấn mạnh.
Về lộ trình tăng học phí như thế nào thì phù hợp, đại biểu Lê Thanh Vân cho biết thêm các dấu hiệu phục hồi kinh tế đã xuất hiện, khi có cơ sở bền vững thì tăng và tăng theo lộ trình.
Hoàng Bích - Thu Huyền