Mức phạt nào cho “tiến sĩ” gây rối tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch?

Hành động của người tự xưng là “tiến sĩ” ở chốt kiểm soát phòng, chống dịch tại huyện Gia Lâm, Hà Nội nhận được nhiều ý kiến bất bình, đề nghị cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, cho dù người vi phạm giữ cương vị nào.

Ngay sau khi một số cơ quan báo chí và mạng xã hội phản ánh hành vi đáng chê trách của người tự xưng là “tiến sĩ” tại chốt kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội vào đêm ngày 15/8, bạn đọc Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã gửi những ý kiến đề nghị làm rõ và xử lý thích đáng. Hàng loạt hành vi vi phạm của vị “tiến sĩ” này được bạn đọc chỉ ra như: “Chưa xuất trình được giấy đi đường hoặc giấy tờ chứng minh rằng mình đi ra ngoài có lý do chính đáng theo Chỉ thị 16”, “Không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy”, “Có dấu hiệu sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông”, “Có biểu hiện chống người thi hành công vụ”...

img5142-16290826940541338214515-16290827121321574488176-1629184766.png

Người đàn ông mặc áo trắng tự xưng là "tiến sĩ" gây rối tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch. (Ảnh cắt từ clip)

Với những hành vi vi phạm trên, vị “tiến sĩ” này sẽ đối diện với mức phạt ra sao? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư để phân tích, làm rõ.

Luật sư Đặng Văn Tiến, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, việc dư luận lên án hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào là điều hoàn toàn chính đáng. Điều này thể hiện sự đồng lòng, ủng hộ tuyệt đối của người dân đối với các giải pháp mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang thực hiện nhằm mục tiêu cao nhất là sớm kiềm chế và đẩy lùi dịch bệnh. Trong thời điểm hiện nay, mỗi tổ chức, cá nhân đều cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về phòng chống dịch, dù anh là ai, giữ cương vị nào đi chăng nữa. Vị “tiến sĩ” nêu trên cũng không thuộc đối tượng ngoại lệ, nếu cơ quan chức năng xác định đủ yếu tố cấu thành hành vi vi phạm cần phải được nhanh chóng xử lý theo quy định của pháp luật.

 Ở tình huống này, theo luật sư Đặng Văn Tiến, việc dư luận lên án vị “tiến sĩ” vi phạm các hành vi như “Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế”, “Chưa xuất trình được giấy đi đường hoặc tài liệu, chứng cứ chứng minh rằng mình được đi ra ngoài theo Chỉ thị 16”, “Không đội mũ bảo hiểm khi lưu thông và điều khiển phương tiện giao thông (xe máy)”, “Có dấu hiệu của sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông” và “Có biểu hiện chống người thi hành công vụ” là hoàn toàn có cơ sở. Cơ quan chức năng hoàn toàn đủ thẩm quyền để ra quyết định xử lý.

 Đối chiếu với quy định của pháp luật, hành vi “Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế” vi phạm tại điểm a, khoản 1, điều 12  Nghị định số 117/2020 ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 11 năm 2020. Chiếu theo quy định này, mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

 Trong khi đó, hành vi “Chưa xuất trình được giấy đi đường hoặc tài liệu, chứng cứ chứng minh rằng mình đi ra ngoài, lưu thông ngoài đường vì nhu cầu cần thiết theo nội dung của Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ”, với hành vi này, người vi phạm có thể bị phạt tiền tối đa đến 3 triệu đồng.

 Hành vi “Lưu thông và điều khiển phương tiện giao thông (xe máy) nhưng không đội mũ bảo hiểm” sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng (quy định tại điểm i, khoản 2, điều 6 Nghị định số 100/2019 ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, 01 tháng 01 năm 2020).

 Cùng với đó, theo luật sư Đặng Văn Tiến, trường hợp xác định người vi phạm có “Dấu hiệu sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông” sẽ vi phạm tại một số khoản thuộc điều 6 Nghị định số 100/2019 ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, 01 tháng 01 năm 2020). Trong đó, mức xử phạt  tương ứng như sau:

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở (điểm c, khoản 6  Nghị định số 100/2019).

- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe rên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở (điểm c, khoản 7, điều 6 Nghị định số 100/2019).

- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (điểm e, khoản 8, điều 6 Nghị định số 100/2019).

 Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như nếu vi phạm điểm c khoản 6, điều 6 Nghị định số 100/2019), bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng; vi phạm điểm c khoản 7, điều 6, Nghị định số 100/2019 bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (điểm e, khoản 8, điều 6 Nghị định số 100/2019).

 Trường hợp người có hành vi “Cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ” sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (quy định tại điểm 2, điều 20 Nghị định số 167/2013 ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình, hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 12 năm 2013).

Ngoài ra, cũng cần làm rõ có hay không dấu hiệu chống người thi hành công vụ?

Trường Quân (ghi) - Báo Đảng Cộng Sản

Hải Đăng (T/h)