Muôn kiểu lừa đảo qua mạng Internet - Kỳ 1: Bỗng dưng thành con nợ !

Gần đây, nhiều người bỗng dưng trở thành con nợ ngân hàng mà không hề hay biết. Điều đáng nói là sự việc xảy ra thường xuyên, các cơ quan truyền thông cũng đã tuyên truyền, nhưng không ít người vẫn bị “mắc bẫy”.

Chiêu trò dụ nạn nhân mắc bẫy

Lợi dụng người tham gia mạng xã hội ngày một nhiều, ngoài việc hack tài khoản Facebook cá nhân để giả danh người thân lừa vay tiền thì chiêu thức quen thuộc của bọn tội phạm là dùng link giả để dụ người dùng vào trang web mạo danh tương tự với trang web của ngân hàng, sau đó chúng đánh cắp thông tin và rút tiền của nạn nhân.

Một chiêu trò khác là các tin tặc vẫn dùng để lừa các nạn nhân mới dùng Facebook, đó là gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng có giá trị đến “các con mồi”, nội dung như: “bạn đã trúng thưởng 01 chiếc xe SH và 200 triệu đồng, bạn hãy liên hệ với trung tâm mesenger để được nhận thưởng theo số điện thoại hoặc click vào trang web để đăng ký nhận thưởng. Nếu người dùng gọi điện đến số điện thoại được gọi là trung tâm trả thưởng thì vẫn có người nghe điện thoại và hướng dẫn nộp tiền lệ phí khoảng vài chục triệu đồng vào tài khoản để nhận thưởng. Hoặc nếu người dùng click vào trang web cũng bị kẻ gian lấy cắp thông tin. Với những chiêu thức trên, kẻ gian đã lừa hàng trăm nạn nhân với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng tỷ đồng.

Chiêu trò “mua hàng qua mạng”

Mới đây hàng trăm người trong cả nước đã bị 3 thanh niên ở Quảng Trị hack tài khoản, chiếm đoạt tới 2,4 tỉ đồng với chiêu trò đề nghị gửi đường link của người mua hàng qua Facebook và làm theo hướng dẫn. Anh N.V.Đ, ngụ thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa đến công an địa phương báo cáo bị một người trên mạng xã hội Facebook có tài khoản "Dũng Hòa" nhắn tin hỏi mua quần áo. Sau khi thống nhất giá cả, người này yêu cầu anh Đ. gửi số tài khoản ngân hàng để gửi tiền đặt cọc. Khi anh Đ. gửi tài khoản, người này liền gửi tin nhắn SMS tới số điện thoại anh Đ. với nội dung gửi mã giao dịch và đường link truy cập xác nhận thủ tục nhận tiền. Anh Đ. tin lời đã nhấn vào đường link rồi nhập thông tin số tài khoản, mật khẩu ngân hàng của vợ mình... Tuy nhiên, khi vào ứng dụng ebanking để kiểm tra tiền thì anh Đ. phát hiện tài khoản đã bị đăng nhập từ một thiết bị khác và bị chuyển khoản mất số tiền là 12.900.000 đồng. Qua xác minh thông tin của đường dây này, Công an huyện Như Xuân đã bắt được ổ nhóm 3 người trên.

image67154689-161216500949042370040-1615254910.jpg

3 thanh niên trong ổ nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng - Ảnh: CA cung cấp

Bỗng dưng thành con nợ.

Nhiều người cho biết, gần đây bỗng dưng trở thành con nợ của các ngân hàng và cả công ty tài chính mà họ không hề hay biết. Khi đến ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính kiểm tra thấy mình bị kẻ xấu làm giả chứng minh nhân dân và cả hộ khẩu để rút tiền.

Thấy mình bị Công ty tài chính FE Credit thông báo nợ, anh Nguyễn Tiến L. (Hà Nội) ta hỏa vì mình không có tham gia khoản vay nào từ công ty này. Khi tra cứu và phát hiện trên dữ liệu của Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC - tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) thì thấy mình có khoản vay quá hạn thuộc nhóm 3 với số tiền tới 177 triệu đồng tại Công ty tài chính FE Credit. Sau đó anh đã liên hệ Công ty để xác minh, đối chiếu với dữ liệu cá nhân của anh L., FE Credit xác nhận anh L. không hề vay mà do kẻ gian đã nhặt được hoặc bằng cách nào đó có được CMND cũ bị mất trước đó của anh L rồi chúng thay hình ảnh vào phôi CMND để làm hồ sơ vay tiền qua ứng dụng $nap. Ngoài ra, kẻ cắp còn sử dụng CMND của anh L. để mở tài khoản ngân hàng, rồi sử dụng tài khoản đó để nhận tiền giải ngân.

unnamed-134372062931-1read-only-16151300219111216471212-1-1615254954.jpg

Công an làm việc với nhóm nghi can làm CMND và sổ hộ khẩu giả để mở thẻ tín dụng, vay tín chấp rồi chiếm đoạt - Ảnh: CACC

Vào khoảng tháng 2/2021, anh L.T.Lợi (Hà Nội) nhận được thư của tòa án về việc yêu cầu anh thanh toán khoản vay của FE Credit. Anh giật mình vì không hề vay và liên hệ ngay lập tức với FE Credit, cung cấp các tài liệu, giấy tờ chứng minh thì phát hiện anh bị kẻ gian sử dụng CMND của anh đã bị mất để tạo hồ sơ vay giả mạo. Từ sự cố này, Anh Lợi phải trải qua một thời gian đối mặt với bao nhiêu thủ tục giải trình, chứng minh tài khoản giải ngân khoản vay không phải của mình, cuối cùng công ty tài chính đã hoàn tất thủ tục và điều chỉnh thông tin dư nợ tín dụng cho anh Lợi.

Việt Nam hiện được xem là một trong 18 quốc gia phát triển Internet mạnh nhất thế giới. Điều này tạo điều kiện tốt cho người dùng trong các giao dịch không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, qua đây cũng sẽ tiềm ẩn những rủi ro do tội phạm công nghệ cao lợi dụng khe hở bảo mật. Vì thế, để hoạt động hiệu quả trên môi trường mạng, người dùng hết sức thận trọng bảo mật thông tin tài khoản cá nhân và gia đình trên môi trường mạng là điều cần thiết.

(Còn tiếp)

Lê Thanh Đào