Năm 2025, hết thời trái phiếu hóa 'trái đắng'?

Nhiều năm nay, áp lực đáo hạn trái phiếu trở thành “nỗi ám ảnh” đối với cả doanh nghiệp phát hành lẫn nhà đầu tư, trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Duy, CFA, Giám đốc - Chuyên gia phân tích cấp cao của VIS Rating, nỗi lo này sẽ không còn là vấn đề lớn trong năm 2025.

Khi trái phiếu hóa “trái đắng”

Những ngày cuối năm 2024, vụ việc nhiều nhà đầu tư mua trái phiếu của Công ty Cổ phần Thương mại – dịch vụ công nghệ cao (CNC) “kêu cứu” vì chưa nhận được tiền dù đã quá hạn tất toán thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận.

Ông L.V.S (Hà Tĩnh), một trong những nhà đầu tư, cho biết lô trái phiếu do CNC phát hành đã đến hạn lần 1 vào tháng 8/2023. Do không trả được nên công ty đã đề nghị gia hạn thêm 1 năm nhưng đến cuối tháng 10/2024, ông và nhiều nhà đầu tư khác vẫn chưa nhận được số tiền gốc và lãi. Cực chẳng đã, ông cùng nhiều người khác đã phải “kêu cứu” lên các phương tiện truyền thông và Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) – đơn vị tư vấn. Vốn là những nhà đầu tư chân chính, họ lại phải khốn đốn đi gõ cửa từng nơi, “làm khách không mời” để đòi lại số tiền chính đáng mà mình được nhận. May mắn là vừa qua, ông S đã nhận được 100% số tiền của mình.

Tuy nhiên, không được như ông S, nhiều người khác đã phải chờ mòn mỏi nhiều năm nhưng vẫn chưa biết bao giờ mới được nhận lại khoản tiền đầu tư vào trái phiếu của mình.

Từ một người không mấy quan tâm đến tình hình chính trị - xã hội, bà N.T.L (Hải Phòng) bỗng dưng trở thành một “chuyên gia bất đắc dĩ” khi không bỏ sót bất kỳ một bài báo hay tin tức nào liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan. “Cứ mỗi khi có thông tin gì mới về vụ việc, tôi lại ghi chép lại vào cuốn sổ tay của mình. Chỗ nào chưa hiểu thì nhờ con cháu giải thích. Chỉ sợ mình bỏ lỡ thông tin gì quan trọng liên quan đến việc khi nào lấy lại được số tiền đã đầu tư vào trái phiếu”, bà nói.

Nhiều nhà đầu tư vẫn chưa nhận lại được tiền gốc, lãi trái phiếu.

Hơn 2 năm trước, bà L trở thành “trái chủ” bất đắc dĩ khi tham gia vào sản phẩm tiết kiệm linh hoạt 31 ngày theo lời giới thiệu của nhân viên Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). “Khi tôi đến ngân hàng để đáo hạn sổ tiết kiệm hơn 500 triệu đồng, nhân viên của ngân hàng đã tư vấn cho tôi gói tiết kiệm linh hoạt này. Người này giải thích, gói tiết kiệm này tương tự như chứng chỉ tiền gửi nhưng có lãi suất cao hơn, lên tới 9%/năm. Chưa kể, sau 31 ngày, khách hàng có thể rút ra bất cứ lúc nào và vẫn nhận được đầy đủ tiền lãi. Nghe hấp dẫn nên tôi đồng ý bỏ 500 triệu đồng vào đấy”, bà nhớ lại. Tuy nhiên, đến khi Cơ quan Cảnh sát điều tra quyết định khởi tố bà Trương Mỹ Lan và nhiều đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến việc phát hành mua bán trái phiếu, bà L mới “ngớ người” khi biết cái gọi là “tiết kiệm linh hoạt” thực chất là trái phiếu. “Cay đắng, tức giận nhưng cũng chẳng thể làm gì khác ngoài ngồi đợi”, bà L nói.

Chị T.T (Hà Nội), một “trái chủ” cũng đang chờ tiền mòn mỏi, cho biết trong nhóm nạn nhân mua trái phiếu SCB mà chị tham gia, có một cụ bà sinh năm 1946. “Do tuổi cao không tiện đi lại, cụ thường nhờ tôi gửi những lá đơn kêu cứu viết tay đến các cơ quan chức năng. Ở cái tuổi gần đất xa trời, đáng nhẽ giờ cụ phải được an vui thì giờ đây cụ ngày nào cũng lọ mọ đi viết đơn. Cụ bảo phải ngồi mất 1 ngày mới viết xong được lá đơn, nhoèn cả mắt. Viết xong đọc đi đọc lại, thiếu chỗ nọ, thừa chỗ kia, rồi lại gạch gạch xóa xóa”, chị T chia sẻ.

Được biết, số tiền cụ bỏ vào trái phiếu là hơn 200 triệu đồng. “Số tiền này với nhiều người mà nói quả thực không nhiều nhặn gì. Nhưng với cụ, đấy là tài sản cuối đời, là tiền mồ hôi nước mắt mà cụ dành dụm cả một đời người làm công nhân dệt may. Cụ định bụng để tiền đấy để mổ 5 đốt sống, nhưng giờ không biết đốt sống của cụ có đợi được đến ngày lấy lại được tiền không. Ám ảnh lắm, giờ nhắc đến trái phiếu là sợ đến già”, chị T cảm thán.

“Quả bom” nợ treo lửng lơ trên đầu

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang đối mặt với hàng loạt khoản nợ chưa được xử lý triệt để, đẩy nhiều nhà đầu tư như chị T, bà L… vào rủi ro mất trắng khoản tiền đầu tư. "Quả bom" nợ treo lơ lửng khiến nhà đầu tư phải dè dặt và thận trọng hơn bao giờ hết. Thị trường TPDN, một kênh huy động vốn trung và dài hạn đầy tiềm năng, nay bị nhà đầu tư quay lưng.

So với giai đoạn 2022 – 2023, thời điểm tăng trưởng “nóng” của thị trường TPDN, số lượng trái phiếu chậm trả nợ gốc, lãi đã giảm đáng kể trong năm 2024, dù vậy, vẫn gây áp lực không nhỏ lên thị trường.

“Tính đến hết tháng 11/2024, tổng giá trị TPDN chậm các nghĩa vụ thanh toán ước khoảng 204,4 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 20% dư nợ TPDN của toàn thị trường. Trong đó, nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 69% giá trị chậm trả. Riêng trong tháng 12/2024, trong số 51 lô trái phiếu đến ngày đáo hạn, có 15 lô trái phiếu đứng trước nguy cơ chậm trả nợ gốc. Đáng nói, hầu hết những lô trái phiếu này đều đã chậm trả lãi trái phiếu trước đó”, Công ty Cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cho hay.

Đáng chú ý, nỗi lo còn kéo dài sang tận năm 2025 khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP quy định về việc giới hạn thời gian gia hạn trái phiếu hết hiệu lực, dẫn đến khối lượng lớn trái phiếu đáo hạn tập trung từ quý II/2025. Ước tính trong 12 tháng tới, có khoảng 105 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong số đó, ước tính có khoảng 21 nghìn tỷ đồng trái phiếu có nguy cơ chậm trả nợ gốc.

Trước áp lực trả nợ trái phiếu, nhiều doanh nghiệp đã tích cực đàm phán với trái chủ để xin gia hạn. Theo ước tính của VIS Rating, có khoảng 1/3 số trái phiếu chậm trả nợ đã được gia hạn. Trong khi đó, một số doanh nghiệp lại chọn hoán đổi trái phiếu sang các tài sản khác, chẳng hạn như cổ phiếu công ty hoặc bất động sản. Dẫu vậy, nhiều chuyên gia nhận định các nhà đầu tư vẫn là người gánh chịu nhiều rủi ro.

Chẳng hạn, lô trái phiếu chậm trả của Công ty Cổ phần Crystal Bay – một công ty thuộc nhóm ngành du lịch được bảo đảm bằng 78,2 triệu cổ phiếu của công ty. Theo VIS Rating, những cổ phiếu là tài sản đảm bảo này có tính thanh khoản thấp do đây là cổ phiếu của công ty không niêm yết.

“Những doanh nghiệp chậm trả gốc, lãi thường là các doanh nghiệp có hồ sơ tín nhiệm yếu với dòng tiền hoạt động âm, đòn bẩy cao và nguồn tiền mặt hạn chế. Trong số trái phiếu chậm trả, sẽ có những trường hợp doanh nghiệp không thể trả được tiền hoặc chỉ trả được một phần rất nhỏ so với số tiền đầu tư ban đầu, gây ra thua lỗ cho lớn nhà đầu tư”, ông Nguyễn Đình Duy, CFA, Giám đốc - Chuyên gia phân tích cấp cao của VIS Rating, nhận định.

“Chương mới” của trái phiếu DN

Chính phủ đã đặt mục tiêu đưa dư nợ thị trường TPDN đạt ít nhất 20% GDP vào năm 2025. Thế nhưng hiện tại, quy mô thị trường chỉ đạt khoảng 10% - 11%, tức cách mục tiêu đề ra tương đối xa. Nỗi lo về việc các doanh nghiệp không thể thanh toán được trái phiếu khi đến kỳ đáo hạn vẫn còn tồn tại, gây ra sự thiếu tin tưởng từ phía các nhà đầu tư. Đi cùng với đó là hàng loạt vướng mắc khác, càng làm gia tăng hoài nghi về khả năng “hồi sinh” của thị trường TPDN trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Đình Duy, CFA, Giám đốc - Chuyên gia phân tích cấp cao của VIS Rating.

Tuy nhiên, chia sẻ với Đầu tư Tài chính, ông Nguyễn Đình Duy lạc quan rằng “thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam mới qua chu kỳ đầu tiên và còn rất nhiều dư địa phát triển”.

Đầu tiên, “con ngáo ộp” đáo hạn trái phiếu, một trong những “nỗi lo” của thị trường, sẽ không còn gây áp lực lớn trong năm 2025. “Ước tính trong năm 2025, có khoảng hơn 230 nghìn tỷ đồng TPDN đáo hạn. Trong đó, có gần 1/2 trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản dân cư, 1/4 của các ngân hàng và còn lại là các doanh nghiệp thuộc những ngành khác. So với quy mô thị trường TPDN hiện tại, giá trị đáo hạn năm 2025 không lớn. Chưa kể, với triển vọng môi trường tín nhiệm năm 2025 ổn định, rủi ro tái cấp vốn sẽ ở mức thấp. Số trường hợp chậm trả gốc, lãi trái phiếu mới trong năm 2025 cũng sẽ ở mức thấp sau khi đã giảm mạnh trong năm 2024”, ông dẫn chứng.

Phân tích cụ thể hơn, ông Duy cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản – nhóm đang có nhiều trái phiếu chậm trả – ghi nhận nhiều điểm tích cực. Thị trường bất động sản đã dần có dấu hiệu phục hồi cùng với những tín hiệu tích cực từ việc nhiều dự án bất động sản đã dần tháo gỡ được các vướng mắc pháp lý để có thể tiếp tục xây dựng và bàn giao sản phẩm cho khách hàng. Ví dụ như việc UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận quy hoạch một phần phân khu Aqua City của Novaland đã giúp doanh nghiệp tiếp cận khoản vay 13.000 tỷ đồng, tạo dòng tiền cần thiết để xử lý nợ trái phiếu chậm trả.

Nhu cầu bất động sản kể từ quý III/2024 duy trì tích cực, thể hiện qua tỷ lệ hấp thụ cao và tăng trưởng cho vay mua nhà phục hồi về mức 7% so với chỉ 1% trong 2023. Từ mức nền tích cực đó, cung và cầu nhà ở sẽ được cải thiện trong năm 2025, thúc đẩy dòng tiền cũng như lợi nhuận của các công ty bất động sản, qua đó cải thiện hồ sơ tín nhiệm của các doanh nghiệp này, từ đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thêm nguồn tiền để trả nợ trái phiếu.

Còn đối với trái phiếu được phát hành bởi ngân hàng, áp lực đáo hạn không quá nặng nề nhờ khả năng quay vòng vốn cũng như sức khỏe tài chính ổn định.

Bên cạnh đó, nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp rất lớn nhưng hiện tại lại đang chủ yếu phụ thuộc vào vốn ngân hàng. Tuy nhiên, khả năng cho vay của ngân hàng lại bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố khắt khe nhằm đảm bảo an toàn hoạt động và giảm rủi ro tín dụng. Do đó, theo ông Duy, các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng quay trở lại thị trường TPDN để thêm kênh huy động vốn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và thúc đẩy các hoạt động kinh doanh trong bối cảnh cần mở rộng quy mô và tăng trưởng.

“Trong năm 2025, xu hướng phát hành trái phiếu vẫn thuộc về 2 nhóm ngành chính là ngân hàng và bất động sản. Nhiều ngân hàng thương mại đang có kế hoạch phát hành trái phiếu mới để tiếp tục cải thiện tỷ lệ an toàn vốn cũng như gia tăng nguồn huy động kỳ dài hạn. Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản năm 2025 cũng đang có nhu cầu phát hành trái phiếu để triển khai các dự án trong năm 2025 sau khi được tháo gỡ về pháp lý. Các nhóm ngành chứng khoán, điện, hạ tầng cũng cần huy động vốn dài hạn”, ông Duy cho hay.

Những thay đổi về các quy định liên quan đến TPDN trong thời gian qua, mới nhất là Luật Chứng khoán sửa đổi, cũng sẽ đưa thị trường phát triển theo hướng lành mạnh hơn. Tính kỷ luật đối với các chủ thể tham gia thị trường được nâng cao, thông tin cũng trở nên minh bạch hơn, không chỉ đối với giai đoạn phát hành mà cả việc công bố thông tin định kỳ sau khi phát hành.

Nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp được “bảo vệ” tốt hơn khi điều kiện tham gia mua TPDN phát hành riêng lẻ nếu doanh nghiệp phát hành đáp ứng một trong hai điều kiện: có xếp hạng tín nhiệm và tài sản bảo đảm, hoặc có xếp hạng tín nhiệm và bảo lãnh thanh toán từ tổ chức tín dụng.

Việc đẩy mạnh hoạt động xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp gia tăng kỷ luật thị trường, góp phần gián tiếp cải thiện chất lượng của các đợt phát hành. Kết quả xếp hạng tín nhiệm và việc cập nhật thông tin thường xuyên từ phía đơn vị xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp các nhà đầu tư có thêm kênh tham khảo, hình thành các mức tham chiếu để đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn hơn. “Đây sẽ là yếu tố quan trọng giúp thu hút các nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hơn đến thị trường TPDN Việt Nam”, ông Duy nhận định.

Theo VietnamFinance