Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và mang đến nhiều lo lắng, áp lực cho cả các y, bác sĩ, nhân viên y tế. Nam sinh Nguyễn Quốc Nguyên rất trăn trở và mong muốn đóng góp một phần công sức của mình trong công tác phòng chống dịch. Nguyên ấp ủ kế hoạch, lên ý tưởng sáng chế robot có khả năng hỗ trợ, thay thế bác sĩ, nhân viên y tế trong việc điều trị cho các bệnh nhân mắc các bệnh có nguy cơ truyền nhiễm cao như: COVID-19, lao phổi, sốt xuất huyết…
Robot sẽ đảm nhận nhiệm vụ tự động vận chuyển thức ăn, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm; phun khử khuẩn các buồng bệnh; đồng thời giúp y, bác sĩ giao tiếp được với bệnh nhân thông từ xa qua camera gắn trên thiết bị này.
Bước đầu thực hiện mô hình, Nguyên gặp không ít khó khăn khi thiết bị không được như ý muốn, gặp trục trặc ở các bó mạch điện tử. Tuy nhiên với sự hỗ trợ, động viên từ các thầy cô giáo nhà trường, nhất là cô giáo dạy Vật lý Nguyễn Thị Hồng Diệp nên Nguyên đã hoàn thiện được robot chỉ trong vòng một tháng rưỡi.
Dự án đã được Ban tổ chức cuộc thi "Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đắk Lắk năm 2021" đánh giá cao về tính cấp thiết, thực tiễn và ứng dụng rộng rãi trong đời sống. Đặc biệt, thiết bị có thể giúp đỡ, hỗ trợ cho ngành y tế trong công tác phòng chống dịch COVID-19 cũng như chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm.
Được biết, hội đồng giám khảo cuộc thi "Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đắk Lắk năm 2021" đã lựa chọn 37 mô hình giải pháp tiêu biểu, có ý tưởng sáng tạo, có khả năng áp dụng trong thực tế, phù hợp với khả năng tư duy sáng tạo của lứa tuổi các em để trao các giải thưởng cấp tỉnh, gồm 2 giải nhất, 5 giải nhì, 10 giải ba và 20 giải khuyến khích.
Trong đó, 2 giải nhất thuộc về 2 mô hình "Đèn học tiện ích tích hợp ứng dụng dạy và học trực tuyến" của em Vũ Hoàng (trường THCS Lương Thế Vinh, huyện Krông Ana) và mô hình "Robot hỗ trợ bệnh nhân truyền nhiễm sử dụng công nghệ IOT” của em Trần Quốc Nguyên.
Tại cuộc thi lần thứ IX, có hai đề tài đạt giải toàn quốc, là đề tài "Robot học tập điều khiển bằng phần mềm Powerpoint" của em Trần Khánh Hậu và Phan Thị Hương Diệp (trường THCS Trần Quang Diệu, huyện Cư M’gar) đạt giải Nhì; đề tài "Ứng dụng sản xuất hộp thức ăn, cốc đĩa làm từ Cellulose trong vỏ quả sầu riêng kết hợp chất kết dính tự nhiên từ tinh bột và sáp ong" của em Lê Văn Huy và Nguyễn Thị Thảo Nguyên (trường THCS, THPT Đông Du, TP. Buôn Ma Thuột) đạt giải Ba.