Triệt phá nhiều băng, ổ nhóm tội phạm tín dụng đen
Liên quan đến những vụ triệt phá băng nhóm tội phạm tín dụng đen, ngày 23/6, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, Công an thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã lập hồ sơ, xử lý 9 đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Trước đó, tại cổng KCN Amata, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, các trinh sát thuộc đội Cảnh sát điều tra về tội phạm kinh tế, Công an thành phố Biên Hòa đã bắt quả tang đối tượng Nguyễn Văn Sơn (SN 2001, ngụ tại xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) đang thực hiện hành vi thu tiền trả góp của chị P.T.K.Ph. (ngụ phường Hố Nai, TP. Biên Hòa). Qua đấu tranh, Sơn khai nhận cho chị Ph. vay 30 triệu đồng và thu cả gốc lẫn lãi là 42 triệu đồng trong vòng 22 ngày (tương đương với 40% tiền gốc).
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận hoạt động cho vay lãi nặng từ đầu năm 2020 đến nay dưới hình thức cho vay trả góp, chủ yếu giao dịch qua chuyển khoản với lãi suất cao lên tới hàng chục phần trăm, thu lợi bất chính lên tới hàng trăm triệu đồng. Hàng ngày, Sơn và một số đối tượng khác chỉ đạo đàn em tìm người cho vay, sau đó nếu người vay chậm trả lãi hoặc có ý định quỵt nợ thì gây sức ép bằng nhiều cách để đòi nợ.
Gần đây, Công an huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về việc một số đối tượng rải tờ rơi quảng cáo cho vay lãi nặng, thủ tục đơn giản. Để ngăn chặn xử lý kịp thời, Đội Cảnh sát hình sự đã phối hợp cùng Công an xã Xuân Hiệp (Xuân Lộc, Đồng Nai) kiểm tra và phát hiện 2 đối tượng là Đỗ Thành Đạt (sinh năm 2002, HKTT: xóm Bãi, xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội) và Đặng Văn Toàn (sinh năm 1990, HKTT: Tổ 39, phường Định Công, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, cùng chỗ ở: Khu phố Bảo Vinh B, phường Bảo Vinh, thành phố Long Khánh) là hai đối tượng có những biểu hiện cho vay lãi nặng.
Cơ quan chức năng đã mời các đối tượng trên về cơ quan làm việc. Tại đây, Đỗ Thành Đạt và Đặng Văn Toàn khai nhận: Từ ngày 02/7/2021 đến ngày 07/7/2021, Đạt và Toàn đã đến địa bàn huyện Xuân Lộc thực hiện hành vi rải, phát tờ rơi quảng cáo với nội dung cho vay tiền mặt trên các tuyến đường, trên tờ rơi có ghi số điện thoại 0704691362 để người có nhu cầu vay tiền liên lạc.
Về hình thức cho vay, các đối tượng này cho biết: Khi người có nhu cầu vay tiền liên lạc qua số điện thoại 0704691362, Toàn và Đạt yêu cầu người vay tiền thế chấp chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, đồng thời trực tiếp thẩm định hoàn cảnh gia đình, khả năng trả nợ của người vay tiền sau đó tiến hành cho vay tiền dưới hình thức trả góp tổng tiền gốc và tiền lãi theo ngày. Thời gian trả được quy định từ 21 ngày đến 25 ngày, lãi suất 1,24%/01 ngày, tương ứng 37,2%/01 tháng và 446,4%/01 năm.
Toàn và Đạt tự thỏa thuận phân chia khu vực thu tiền và sẽ trực tiếp đi thu tiền trả góp của những người đã vay tiền. Đối với những người trả tiền chậm trễ hoặc cố tình trốn tránh trả tiền, Toàn và Đạt sẽ gọi điện thoại gây áp lực.
Toàn và Đạt đã cho 12 người vay tiền, với tổng số tiền 105.000.000 đồng, số tiền vay thấp nhất là 5.000.000 đồng, số tiền vay cao nhất là 20.000.000 đồng, tổng số tiền vốn và lãi sẽ thu được là 131.800.000 đồng (tiền lãi là 26.800.000 đ).
Ngăn chặn “tín dụng đen” trong công nhân
Để công nhân yên tâm làm việc, không rơi vào bẫy “tín dụng đen”, tổ chức Công đoàn tỉnh đã tuyên truyền bằng nhiều hình thức, từ phát loa trong giờ ăn trưa, nhà trọ, xưởng sản xuất đến tổ chức riêng các buổi tuyên truyền tại doanh nghiệp (DN). Đến nay, tình trạng này đã giảm hẳn, nhận thức công nhân ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh đó, hoạt động Công đoàn tập trung vào việc thực hiện hiệu quả chương trình phúc lợi đoàn viên, trong đó cần quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, công nhân như tiền lương, tiền thưởng, bữa ăn giữa ca, nhà ở, nhà trẻ, các chính sách hỗ trợ đoàn viên, công nhân nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn. Tổ chức sinh hoạt, tập huấn, hướng dẫn công nhân sử dụng hợp lý thu nhập và nguồn tài chính của bản thân có hiệu quả nhất. Theo đó, các cấp Công đoàn đã nghiêm túc triển khai thực và mang lại hiệu quả thiết thực. Liên đoàn lao động tỉnh (LĐLĐ) tỉnh cũng đã tăng cường ký kết với các đối tác cung cấp các sản phẩm giá rẻ, hỗ trợ công nhân vay vốn lãi suất thấp, giúp họ yên tâm làm việc, cải thiện đời sống.
Chị Kiều Tiên, công nhân một công ty ở KCN Amata chia sẻ: “Nhờ có những hoạt động tuyên truyền, tập huấn của Liên đoàn lao động tỉnh cho công nhân mà chúng tôi hiểu rõ hơn về hậu quả cũng như hình thức vay lãi nặng là vi phạm pháp luật. Bản thân tôi và những công nhân khác luôn ý thức để tránh những chiêu trò của ‘tín dụng đen’, ngoài ra Công đoàn cơ sở (CĐCS) cũng hỗ trợ cho công nhân rất nhiều chính sách, đặc biệt với những công nhân có hoàn cảnh khó khăn, có con nhỏ,... để cải thiện đời sống, an tâm lao động”.
Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, các cấp công đoàn còn đứng ra bảo lãnh với các ngân hàng hỗ trợ công nhân vay vốn, cải thiện đời sống. Nhờ nguồn vốn này, nhiều lao động có tiền xây sửa nhà mới, mua sắm vật dụng cá nhân... Đặc biệt, số tiền vay tùy vào thâm niên làm việc của công nhân và được trừ vào lương hằng tháng nên công nhân không phải lo lắng như vay nặng lãi bên ngoài.
Để chia sẻ với hoàn cảnh công nhân xa quê, nhiều năm nay, Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial đứng ra bảo lãnh với ngân hàng cho công nhân vay vốn. Ngoài ra, Công đoàn còn có chương trình vay vốn không lãi suất đối với những trường hợp công nhân có hoàn cảnh khó khăn; kết hợp với các đối tác bán hàng trả góp không lãi suất nhằm từng bước nâng cao đời sống công nhân.
Hay tại Công ty TNHH Dona Pacific (Khu công nghiệp Sông Mây, H.Trảng Bom), để giúp công nhân tránh bẫy “tín dụng đen”, CĐCS công ty đã tuyên truyền, đồng thời hỗ trợ công nhân tiếp cận vay vốn một cách dễ dàng. Đại diện CĐCS công ty cho biết, việc làm này rất thiết thực với công nhân. Có vốn, công nhân giảm bớt áp lực lo toan hằng ngày và không phải đi vay “tín dụng đen”.
Theo Người Đưa Tin