Ngành du lịch cắt giảm 80% lương
Navigos Group, nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự hàng đầu Việt Nam, vừa đánh giá làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư có mức độ ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với cả ba đợt dịch trước đó cộng lại. Để tồn tại trong đại dịch, các doanh nghiệp (DN) đã chọn giải pháp cắt giảm nhân sự và lương
Cũng theo khảo sát nói trên, DN mảng du lịch/khách sạn cắt giảm lương nhiều nhất.
Cụ thể, có khoảng 3,7% DN có quy mô từ 10-100 nhân lực đã giảm 80% lương. Đây là những DN thuộc ngành nhà hàng/khách sạn/du lịch; giáo dục/đào tạo.
Có 9,9% DN có quy mô từ 51-300 nhân lực thuộc ngành giáo dục/đào tạo đã cắt giảm 50-75% lương.
Đáng chú ý, có 37,9% DN thực hiện cắt giảm 25-50% lương và phúc lợi. Đây là những công ty có quy mô từ 10-50 nhân lực, 300-500 nhân lực và hơn 1.000 nhân lực. Các DN này chủ yếu đến từ ngành bất động sản/cho thuê ngắn hạn, dài hạn - xây dựng/kiến trúc - gia công/chế biến/sản xuất.
Cùng đó, có 29,2% DN thuộc ngành nhập khẩu/xuất khẩu - thương mại/bán lẻ/ bán sỉ - dịch vụ quảng cáo/tiếp thị trực tuyến/truyền thông có quy mô từ 101-300 nhân lực, 300-500 nhân lực, 500-1000 nhân lực và hơn 1.000 người, đã cắt giảm 15%-20% lương và phúc lợi trong thời gian khó khăn.
19,3% DN cắt giảm ở mức thấp nhất là 5-10% lương và phúc lợi. Đây là những công ty có quy mô hơn 1.000 người lao động đến từ ngành điện tử - điện tử viễn thông, tài chính/ ngân hàng/bảo hiểm.
Số liệu phân tích của Navigos Group cho thấy trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều công ty có xu hướng giữ chân nhân sự có thâm niên hoặc nhân sự đang giữ các vị trí cấp trung và cấp cao. Đối với các nhân sự là thực tập sinh và sinh viên mới ra trường, tỉ lệ cắt giảm là 40,5%. Còn nhân viên có ít kinh nghiệm, tỉ lệ này lên đến 42,3%.
Vẫn theo khảo sát của Navigos Group, có khoảng 3% DN phải dừng hoạt động do Covid-19. Trong đó, có khoảng 25% DN thuộc lĩnh vực nhà hàng/khách sạn/du lịch và giáo dục/đào tạo, có quy mô nhân lực từ 10-50 người đến 300-500 người đã dừng hoạt động.
Khoảng 11,6% doanh nghiệp tăng tuyển dụng
Bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 tác động đến người lao động, thu nhập hay doanh nghiệp, thống kê của Navigos Group cũng chỉ ra một vài “điểm sáng”.
Theo đó, có khoảng 49,9% doanh nghiệp không cắt giảm nhân sự và giữ nguyên lương, phúc lợi như trước khi đại dịch xảy ra. Đa số những doanh nghiệp đó rơi vào ngành tài chính - ngân hàng - bảo hiểm và công nghệ.
Cụ thể, khoảng 29% là doanh nghiệp có quy mô 10-50 nhân lực, 24% là doanh nghiệp có quy mô 101-300 nhân lực, 16% là doanh nghiệp có quy mô 51-100, 16% là doanh nghiệp có quy mô hơn 1.000 nhân lực.
Đồng thời các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin có quy mô 101 - 300 nhân lực có sự tăng trưởng lớn nhất về tuyển dụng nhân sự.
Không những vậy, có khoảng 11,6% doanh nghiệp vẫn tăng tuyển dụng trong thời điểm này bất chấp dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến khá khó lường.
Theo báo cáo, đại dịch cũng tác động rất lớn đến quyết định thay đổi việc làm của người lao động, với gần 52% người lao động cho biết sẽ chuyển việc sau khi đại dịch COVID-19 kết thúc.
Bên cạnh đó, hơn 30% người lao động quyết định vẫn sẽ làm việc tại công ty nếu lương và chế độ phúc lợi được giữ nguyên. 11% người lao động sẽ đề nghị tăng lương và chế độ phúc lợi được giữ nguyên sau khi hết dịch.
Những hướng đi khác được số ít người lao động lựa chọn là: Tìm kiếm công việc yêu thích, đúng chuyên môn ngành nghề, tìm công việc mới với mức lương và chế độ phúc lợi tốt hơn, tìm việc làm mới ổn định, có thể gắn bó lâu dài…
Hương Anh (t/h) - Người Đưa Tin