Nghề lạ ở Việt Nam: Nuôi loài chim lạ cho ăn rau dại ngoài vườn, bán 600.000 đồng/kg làm đặc sản hiếm ở nhà hàng

Thấy le le dễ thuần hóa, nhiều nông dân đã lựa chọn lấy giống hoang dã, mang về vườn nhà để nhân đàn và nuôi, thu lợi nhuận hàng tỷ đồng.

Chim le le hay còn được biết đến là vịt cổ xanh, là loài chim sống theo bầy đàn trong tự nhiên hoang dã và phát ra tiếng kêu ồn ào. Le le có mỏ dài, màu xám, đầu và chân cũng dài. Lông trên đầu, cổ, bụng màu vàng sẫm như da bò, chỏm lông trên đầu sẫm màu hơn. Hai cánh và đuôi có các mảng màu nâu hạt dẻ nên rất dễ nhận dạng trong môi trường tự nhiên.

Cận cảnh con chim le le

Loài chim này vốn ưa thích khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như ở Bắc Mỹ, Châu Á… sống quanh các hồ nước ngọt nhiều phù sa, mảng thực vật phong phú. Tại Việt Nam, loại chim này xuất hiện nhiều ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, từ lâu đã được bà con biết đến là một loài động vật cung cấp thịt ngon, vô cùng bổ dưỡng, có khả năng phục hồi sức khỏe và tăng cường sinh lực. Le le còn được mệnh danh là món ăn “tiến vua”, chỉ có vua chúa mới được thưởng thức.

Ngày nay, nhiều nhà hàng đã coi món le le như một món ăn đẳng cấp và thường dành cho giới nhà "có điều kiện". Thế nên le le có giá khá đắt đỏ, từ 500.000 - 600.000 đồng/con có trọng lượng trung bình 500 – 600gr, nhưng rất hiếm. Hiện tại, le le trong tự nhiên không đủ số lượng cung cấp cho thị trường do số lượng loài chim này giảm đi đáng kể do biến đổi khí hậu, ngập mặn và con người khai hoang rừng để làm nương rẫy.

Nhận thấy nhu cầu thị trường ngày càng lớn, ông Thái (56 tuổi, ấp Bình Lễ, xã Vĩnh Phú Tây, Huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) đã quyết tâm thuần hoá và nuôi nhân giống theo mô hình trang trại số lượng lớn chim le le. Năm 2006, người cháu của ông giăng lưới dưới kênh bắt được 3 con le le (1 con mái, 2 con trống), ông Thái quyết định giữ lại làm giống. Về nhà, ông đào đất, lên mương, dựng tôn, rào lưới xung quanh diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả để chuyển sang nuôi le le.

Mô hình trang trại nuôi chim le le của ông Thái rất đơn giản.

Bầy chim khoẻ mạnh, ít bệnh, nguồn thức ăn đơn giản.

Sau đó, ông Thái bất ngờ phát hiện le le mái đẻ trứng đến 6 lần trong 1 năm, tổng cộng 65 trứng. Có bao nhiêu trứng le le, ông Thái đều cho gà mái ấp và nở được 60 con để gây nuôi nhân đàn. Từ 3 con le le ban đầu, không lâu sau ông Thái đã có một bầy đàn le le với hơn 200 con. Để tái đàn, ông chừa lại 60 cặp chim le le sinh sản để nuôi, số còn lại mang bán ra thị trường. 

Từ 2008 - 2009, ông được một số nhà hàng, quán ăn ở TP.HCM tìm tới mua le le thương phẩm với số lượng lớn, giá khá cao. Giá le le mỗi con dao động từ 400.000 - 600.000 đồng/con, rất nhanh chóng ông Thái trở thành “triệu phú”. Còn le le bố mẹ, giá bán mỗi cặp 1,2 triệu đồng. Mỗi năm, ông Thái bán ra thị trường trên 2.000 con le le thương phẩm và hàng trăm cặp giống bố mẹ, doanh thu trên 700 triệu đồng, sau khi trừ chi phí ông thu lãi hơn 500 triệu đồng.

Đến nay, ông Thái đã mở rộng quy mô nuôi với diện tích trên 2 ha, gồm 8 hồ nuôi lớn, mỗi hồ rộng hàng ngàn mét vuông. Ngoài ra còn có hàng chục chuồng nuôi khép kín, nhỏ lẻ. Để mở rộng quy mô chăn nuôi, năm 2013, ông thành lập trang trại le le Hồng Thái chuyên cung cấp le le thương phẩm và le le giống. Ông Thái còn thành lập câu lạc bộ nông dân nuôi le le, thường xuyên cùng những người “trong nghề” trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, nhân giống bầy le le… Nhiều năm qua, ông Thái đã tận tình hướng dẫn kỹ thuật, trong ấp Bình Lễ đã có 26 hộ dân áp dụng, nhân rộng mô hình nuôi le le của ông.

Trong nhóm của ông Thái có ông Trần Văn Hoàng (ấp 5, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) bước đầu thử nghiệm và cho hiệu quả khả quan. Ông Hoàng cho biết le le được nuôi trong môi trường bán tự nhiên, trên ruộng cỏ năn, cỏ lác, xung quanh trồng cây ăn trái, thức ăn chủ yếu là cá lòng tong, tép mòng, lúa nên chất lượng thịt rất ngọt, thơm ngon. Không chỉ nguồn thức ăn cho le le đơn giản mà cũng vô cùng dễ chăm sóc, ít bị bệnh vặt như các loài gia súc gia cầm thông thường.

“Le le là giống chim quen sống trong tự nhiên nên phải tạo không gian nuôi hình thức hoang dã, khu vực nuôi phải bao bọc tránh chuột, mèo phá hoại, để chim không bay cần cắt cánh hoặc nhổ bớt lông cánh và làm ổ trên bờ cho le le vào đẻ trứng. Sau khi chim le le đẻ trứng xong tôi đem cho gà tre ấp, sau gần 1 tháng thì trứng nở thành le le con”, ông Hoàng chia sẻ kinh nghiệm.

Để giảm chi phí đầu tư thức ăn, ông còn tranh thủ thời gian vớt lục bình, rong, bèo, nhổ rau chóc và các loại rau xanh mọc tự nhiên trong vườn cho chim le le ăn nên mức độ lớn rất nhanh. Ngoài ra, ông Hoàng còn nuôi thêm gà tre (gà mái) để ấp trứng le le do kinh nghiệm cho thấy việc dùng lò ấp trứng bằng điện thì tỷ lệ trứng le le nở thành công rất thấp.

Từ nuôi thử nghiệm, đến nay ông Hoàng đã có một trang trại nuôi chim le le.

Loài chim hoang dã trở thành “nguồn thu” tiền tỷ của nhiều nông dân.

Do có đầu mối tiêu thụ ổn định ở Tp.HCM và Hà Nội (để xuất đi Trung Quốc) nên ông Hoàng rất an tâm. Qua gần 2 năm nuôi mô hình le le ông Hoàng đã bán được 2 đợt với 1.300 con, ông thu được 450 triệu đồng. Trong đó, đợt 1 với 600 con le le bán với giá 300.000 đồng/con và đợt 2 với 700 con với giá 400.000 đồng/con. Trừ các chi phí ông Hoàng nhẩm tính thu lãi trên 100 triệu đồng. 

Thấy hiệu quả, ông tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích lên khoảng 6.000 m2 và phát triển đàn chim le le đến nay lên hàng ngàn con (kể cả chim le le sinh sản, thương phẩm và giống). Với ý chí, quyết tâm làm giàu, ông Hoàng tin tưởng trang trại của mình không chỉ ngày càng làm giàu từ mô hình nuôi le le mà còn sẽ nghiên cứu tìm ra nhiều hướng đi mới trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp góp phần làm giàu cho gia đình và quê hương.

Hiện nay trong thực đơn của nhiều nhà hàng, quán ăn đặc sản miền Tây đều giới thiệu món le le xào bầu, le le quay nước dừa, thịt le le nướng than, le le om chuối đậu, xôi chim le le… và coi đó là món ngon hảo hạng. Lại có người cho rằng thịt le le rất bổ dưỡng, từng là món tiến vua một thời nên ai cũng muốn thưởng thức. Với những người sành ăn, thịt le le là một trong số những món ăn không thể bỏ qua khi có dịp du ngoạn miền Tây sông nước.

HÀ ANH