Ngôi nhà cổ "độc nhất vô nhị" ở Bến Tre, phải mất 35 tỷ để sửa sang khang trang, hấp dẫn khách du lịch

CTV
Hiện tại ngôi nhà cổ Huỳnh Phủ mang một dáng dấp mới, khang trang nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp xưa cũ, mang đậm bản sắc văn hóa Huế.

Miền Tây vốn được mệnh danh là vùng đất trù phú, có nhiều địa danh nổi tiếng cùng các sản vật hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Nơi đây còn được biết đến với hàng loạt ngôi nhà cổ mang đậm phong cách cung đình Huế xưa, có tuổi đời lên tới trăm tuổi. Điển hình như ngôi nhà cổ Huỳnh Phủ - công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng từ năm 1890.

Nhà cổ Huỳnh Phủ tọa lạc trên khu đất trộng 500mtại xã Đại Điền (Thạch Phú, Bến Tre). Và chủ nhân của nó là ông Hương Liêm (tên thật Huỳnh Ngọc Khiêm) - người con xứ Huế nhưng cùng vợ con rời quê vào Nam lập nghiệp.

Nhà cổ Huỳnh Phủ tọa lạc trên khu đất trộng 500m2 tại xã Đại Điền (Thạch Phú, Bến Tre).

Sử sách chép rằng, gia đình ông Hương Liêm từ Huế di chuyển về phương Nam bằng ghe bầu. Đến giáp sông Cái thuộc vùng Cù Lao Minh (Bến Tre) thì ghe bị hỏng không thể đi được. Ông liền quyết định cắm sào và khai hoang đất đá từ mé sông Cái trở vào.

Vợ chồng ông Hương Liêm cùng 9 người con đã chăm chỉ cuốc đất làm nông, có của ăn của để. Lúc này ông đã mua lại đất của dân nghèo xung quanh nhập vào mảnh đất đã khai phá. Vì thế ông giàu có nhất vùng, sở hữu gần 2.000 mẫu đất.

Chính quyền thời điểm đó thấy vậy liền cho ông Hương Liêm làm tri huyện, trông coi việc dân việc nước. Đây cũng là thời gian ông nghĩ đến việc phải tạo dựng cho bản thân một cơ ngơi hoành tráng, xứng với chức danh đang nắm giữ.

Khuôn viên của ngôi nhà cổ.

Người đàn ông gốc Huế liền trở về quê hương tìm thợ thuyền và mua sắm nguyên vật liệu, gỗ quý... để xây dựng một ngôi nhà mang phong cách, kiến trúc Huế. Năm 1890, ngôi nhà được khởi công xây dựng và 14 năm sau mới hoàn thiện.

Con cháu đời sau của ông Hương Liên kể rằng, năm ấy thợ thuyền từ Huế xuôi dòng nước vào đây rất đông, tuổi đời còn trẻ. Song khi làm xong ngôi nhà, tất cả đều có vợ con và lập nghiệp luôn ở nơi "đất lành chim đậu" này.

Theo quan sát, ngôi nhà cổ Huỳnh Phủ có 48 cây cột tròn, lớn, hoàn toàn bằng gỗ lim và căm xe. Bên trong là những bức chạm khắc vô cùng tinh tế và công phu, có nhiều hình thù thân thuộc trong đời sống hàng ngày như cua, cá, tôm, kì lân, phụng được thể hiện rất tỉ mỉ.

Ngôi nhà cổ Huỳnh Phủ sau khi trùng tu và sửa chữa.

Tiến sâu hơn là không gian thờ cúng tổ tiên. Bàn thờ được đặt trang trọng giữa nhà, với hoa văn chạm trổ tỉ mỉ và sơn son thếp vàng. Đặc biệt là bộ liễn ốp cột cẩn ốc xà cừ - từng được giới chuyên môn đánh giá là tác phẩm độc đáo nhất trong ngôi nhà.

Ngoài ra trong Huỳnh Phủ còn có công trình phụ 7 gian dùng để chứa lúa, nhà bếp... Chúng được xây dựng với kết cấu không mấy kiên cố nên đã nhanh chóng xuống cấp trầm trọng.

Bàn thờ được đặt trang trọng giữa nhà, với hoa văn chạm trổ tỉ mỉ và sơn son thếp vàng.

Ngôi nhà cổ Huỳnh Phủ có 48 cây cột tròn, lớn, hoàn toàn bằng gỗ lim và căm xe. 

Không chỉ vậy, toàn bộ Huỳnh Phủ cũng đã xuống cấp theo tháng năm: nền nhà lún, gạch ngói rơi, một móng nhà nứt nẻ, đòn tay... bị mối mọt gặm nhiều. Vì thế một dự án trùng tu ngôi nhà với chi phí 35 tỷ đã được chính quyền phê duyệt. Theo đó năm 2013, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bến Tre phối hợp với UBND huyện Thạnh Phú khởi công trùng tu, tôn tạo trong suốt 2 năm.

Bàn ghế, vật dụng trang trí trong ngôi nhà đều được chạm khắc hoạ tiết tỉ mỉ.

Hiện tại ngôi nhà cổ Huỳnh Phủ đã mang một dáng dấp mới, khang trang nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp xưa cũ, mang đậm bản sắc văn hóa Huế. Đây cũng là một phần lý do khiến nơi này trở thành địa điểm tham quan hấp dẫn khách du lịch. Hễ ai đến đây đều được con cháu của ông Hương Liên tiếp đón chu đáo. Họ sẽ được nghe những câu chuyện về lịch sử dòng tộc họ Huỳnh.