Người con cầm ghế đánh mẹ già, người đứng quay clip đối diện những khung hình phạt nào?

Phát biểu quan điểm về vụ con trai cầm ghế gỗ dài lao vào đánh mẹ già, luật sư Đặng Thị Vân Thịnh cho rằng cần thiết phải xử lý nghiêm minh cả người đánh lẫn người quay clip.

Những ngày qua, dư luận không ngừng lên án hành vi tàn nhẫn của người đàn ông trong clip khi liên tục cầm ghế gỗ dài lao vào đánh vào đầu mẹ già. Cú đánh hiểm ác đã khiến bà cụ nằm gục xuống đất bất tỉnh.

Dư luận không khỏi phẫn nộ trước hành vi của người con cầm ghế gỗ đánh mẹ già (Ảnh cắt từ clip).

Chứng kiến tượng cảnh đó, người phụ nữ và cháu bé trong video clip chỉ biết gào khóc bất lực. Người quay clip không những không can ngăn còn buông lời kích động, xúi người đàn ông đánh nạn nhân. May mắn là hiện sức khỏe của bà cụ đã ổn định.

Là người gánh trên vài trọng trách bảo vệ công lý, nữ luật sư Đặng Thị Vân Thịnh – thuộc Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) vô cùng bức xúc, lên án không chỉ người đàn ông trong đoạn clip cầm ghế đánh mẹ và còn yêu cầu cơ quan chức năng xử lý cả người đứng quay clip, buông lời kích động, xúi giục người kia đánh mẹ già.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Thịnh cho biết: Về hành vi của người con trai cầm ghế dài làm bằng gỗ đánh thẳng vào đầu mẹ, mặc dù hậu quả người mẹ không chết nhưng theo quan điểm của luật sư đã đủ yếu tố cấu thành tội Giết người, quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự.

Luật sư Đặng Thị Vân Thịnh (bên phải).

Người con trai đã dùng ghế dài làm bằng gỗ, đó là phương tiện nguy hiểm để đánh thẳng vào đầu mẹ. Theo quy định pháp luật, đầu là vùng trọng yếu của con người, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Hành vi này rất đáng bị lên án khi người thực hiện hành vi là con đẻ của bị hại. Điều đó không chỉ trái với luân thường, đạo lý muôn đời của con người mà cũng chính là tình tiết tăng nặng định khung được quy định tại điểm đ khoản 1 của Điều 123 là “Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình”.

Bên cạnh đó, nếu đủ căn cứ chứng minh người con trai chỉ vì bị mẹ nhắc nhở không được uống rượu mà có hành vi dùng vũ lực tấn công mẹ thì còn có thể bị xem xét áp dụng thêm tình tiết tăng nặng định khung được quy định tại điểm n khoản 1 đó là: Có tính chất côn đồ; Thể hiện sự coi thường tính mạng người khác.

Mức hình phạt được quy định tại Khoản 1 Điều 123 phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Đối với hành vi của người đứng quay clip, theo quan điểm của luật sư Thịnh: Người đứng quay thấy sự việc, không những không can ngăn lại còn có lời lẽ kích động anh trai đánh mẹ là hành vi rất đáng bị lên án, gây bức xúc trong xã hội và cần phải bị xử lý theo pháp luật.

Căn cứ theo quy định tại Nghị định số 167/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi kích động, xúi giục của người em (người quay clip) sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

“Ngoài ra cũng cần phải xem xét mục đích của người em khi truyền bá thông tin, hình ảnh...này lên mạng xã hội. Việc này có nhằm mục đích kích động hành vi bạo lực gia đình không. Nếu nhằm mục đích kích động bạo lực gia đình thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo quy định”.