Quy định này được người dân, các cơ quan thực thi pháp luật rất đồng tình vì thực tiễn cho thấy hoạt động dịch vụ đòi nợ gây nhiều tác hại cho xã hội, để hạn chế tối đa các băng nhóm giang hồ hoạt động đòi nợ thuê, bên cạnh biện pháp mạnh của ngành Công an thì rất cần sự chung tay của người dân trong việc nâng cao cảnh giác, tránh xa thòng lọng của kẻ cho vay nặng lãi và mạnh dạn tố giác hành vi vi phạm pháp luật của kẻ đòi nợ thuê…
Từ việc nhiều băng nhóm đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi bị bắt giữ cho thấy, nạn nhân phần lớn vay lãi nặng sử dụng vào mục đích phi pháp như đánh bài, đánh đề, cá độ… hoặc làm liều, thiếu tính toán trong việc kinh doanh, không phòng hờ đến khả năng rủi ro nên khi làm ăn thất bại đã để lại khoản nợ khổng lồ. Đến khi không còn khả năng trả nợ người vay thường bỏ trốn nên nạn nhân của các băng nhóm đòi nợ thuê chính là người thân của họ.
Trước khi trình báo cơ quan Công an, gia đình ông H. (phường Phước Long A, quận 9) thường xuyên bị các đối tượng đòi nợ thuê tìm đến nhà gây áp lực.
Vì khi đó, chủ nợ một mặt cho người truy tìm con nợ, mặt khác tìm cách gây sức ép với người thân để bắt trả nợ thay. Đối tượng đầu tiên mà kẻ cho vay nhắm đến là vợ chồng, con cái, cha mẹ của người vay; kế đến là anh chị em ruột của con nợ có kinh tế khá giả.
Mà hai vụ điển hình trong thời gian vừa qua là vụ giang hồ đòi nợ thuê 8 lần tạt nước sơn, mắm tôm tại quán phở Hòa (quận 3) và vụ gia đình cụ Hồ Tăng Quang (ngụ quận Tân Bình) với khoảng 10 lần bị đe dọa, tạt nước sơn.
Về vụ quán phở Hòa, sở dĩ nhóm đòi nợ tạt nước sơn nhiều lần vì những lần tạt đầu, quán phở Hòa âm thầm chịu đựng, tự lau dọn để quán bán bình thường chứ không trình báo cơ quan Công an. Gia đình cụ Hồ Tăng Quang cũng vậy, không chỉ âm thầm chịu đựng trong thời gian dài mà còn trả số tiền lớn (hơn 30 tỷ đồng) cho băng nhóm đòi nợ.
Như vậy chẳng khác nào tiếp tay cho bọn đòi nợ vì “phương châm” chung của các băng nhóm hoạt động đòi nợ thuê là “mềm nắn rắn buông”. Cho nên nếu ai vì lo sợ mà trả nợ thay cho người thân thì chúng sẽ vơ vét đến cạn tiền.
“Chúng tôi rất mong muốn bất cứ gia đình nào khi bị tấn công bằng chất bẩn hoặc các hình thức khác thì cần nhanh chóng báo cơ quan Công an để ghi nhận hiện trường, lập hồ sơ ban đầu để thuận lợi hơn cho công tác khám phá, điều tra sau này”-Ðại tá Nguyễn Ðăng Nam, Trưởng phòng CSHS, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết.
Từ thực tiễn cho thấy, đối với các vụ đòi nợ thuê mà nạn nhân trình báo cơ quan Công an thì vụ việc đều được giải quyết ổn thỏa, giải tỏa được áp lực lớn mà họ phải gánh chịu.
Vụ nhà bà Nguyễn Thị B. (ngụ hẻm 215 Bông Sao, phường 5, quận 8) bị tạt mắm tôm lần đầu, bà tưởng ai đó đổ nhầm nên tự lau dọn. Bốn ngày sau, cũng vào sáng sớm, cảnh tượng khủng khiếp hơn lần trước vì mắm tôm pha với sơn đỏ đổ khắp cửa nhà. Biết không phải nhầm lẫn, bà B liền trình báo vụ việc đến cơ quan Công an. Qua theo dõi, Công an quận 8 phát hiện hai thanh niên đến trước nhà bà B có nhiều nghi vấn nên mời về Công an phường 5 làm việc.
Tại đây, hai đối tượng Lê Bình Minh (31 tuổi) và Nguyễn Văn Thiện (25 tuổi, cùng quê Hải Phòng, tạm trú phường 13, quận 6) khai nhận tạt mắm tôm nhà bà B để gây áp lực đòi nợ con trai bà B. Hai đối tượng bị xử phạt hành chính và cam kết không tái phạm, kể từ đó, chúng không còn dám bén đến nhà bà B.
Gia đình ông N.V.H. ngụ phường Phước Long A (quận 9) bị nhóm giang hồ gây sức ép, đe dọa giết... để đòi nợ con trai ông. Vì lo sợ tính mạng cho cả gia đình, ông H. chấp nhận trả nợ.
Nhưng trả nợ lần này chưa được bao lâu thì lại đến lần khác với số tiền cao hơn. Ðến lúc băng nhóm này đòi số tiền 500 triệu đồng thì gia đình ông H thật sự kiệt quệ. Không còn cách nào khác, ông H trình báo đến Công an quận 9. Qua theo dõi, cơ quan Công an tạm giữ được nhiều đối tượng, lập hồ sơ xử lý thì gia đình ông H mới được yên thân.
Bên cạnh đòi nợ thuê theo kiểu “truyền thống”, kể từ khi xuất hiện hoạt động cho vay nặng lãi qua App đã phát sinh thêm kiểu đòi nợ kinh khủng khác là…chửi! Băng nhóm cho vay qua App với lãi suất 90%/tháng do Tu Long (SN 1992), Yuan Deng Hui (SN 1991; quốc tịch Trung Quốc) cầm đầu vừa bị bắt giữ có 30 người Việt được thuê để đòi nợ.
Khi gần đến hạn trả nợ, nhân viên của Long và Hui sẽ điện thoại nhắc nhở. Nếu khách không trả đúng hạn thì lập tức nhân viên sẽ gọi điện thoại cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay chửi bới với những ngôn từ tục tĩu và đe dọa giết chóc. Chúng chửi mãi ngày đêm, người nghe chặn số máy này thì chúng gọi số khác đến khi nào người vay chịu trả thì thôi.
Cơ quan Công an khuyến cáo, hiện nay trên mạng xã hội tràn lan các quảng cáo App vay tiền với nhiều tên gọi khác nhau như cashwogon, vaytocdo, Moreloan, VD online… với điều kiện vay hết sức dễ dàng.
Người vay không cần gặp mặt chỉ cần tạo một tài khoản cung cấp thông tin cá nhân và đồng ý các điều khoản trên hợp đồng điện tử đã soạn sẵn. Các ứng dụng đưa ra mức lãi suất thấp nhưng sau đó người vay phải trả một khoản phí (tư vấn, quản lý, hồ sơ…) khá lớn mà người vay không biết được. Tính ra tổng cộng lãi suất mà người vay phải chịu lên đến 2,5%/ngày.
Khi không trả kịp nợ vay thì bị “khủng bố” đòi nợ như đề cập. Do vậy người vay tuyệt đối không vay tiền qua App. Khi gặp khó khăn về tài chính cần liên hệ với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương hoặc đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng uy tín để được hỗ trợ. Khi bị đe dọa tinh thần, tính mạng hoặc biết các băng nhóm đòi nợ thuê, người dân cần mạnh dạn tố giác đến cơ quan Công an.